Đơn vị đồng hành
Truy cập: 10,950,556 lượt

Thơ lại... ồn ào

Vanvn- Xã hội Việt Nam hiện nay không bao giờ thiếu vắng những chuyện ồn ào. Một khi hơi vãn chuyện lùm xùm thì lập tức… thơ có thể trở thành đề tài để đàm tiếu. Chuyện ấy lại được chứng minh một lần nữa với những gì xảy ra cùng một nữ nhân tự huyễn mình là “nhà thơ thế giới” với một buổi tôn vinh đầy kệch cỡm cuối năm 2022 vừa qua.

 

Câu giễu nhại “cường quốc thơ” lại được lôi ra sử dụng như một minh chứng “người Việt có thể thiếu bất kỳ thứ gì chứ không hề thiếu thơ”.

Làm thơ không phải là đặc quyền của nhà thơ. Bất kỳ ai yêu thơ hay không cũng đều có quyền làm thơ. Tuy nhiên, thứ mà họ sáng tác ra có được gọi là thơ hay không lại là chuyện khác. Ở một đất nước có di sản văn hóa truyền thống độc đáo là ca dao, vè, tục ngữ với lối sử dụng vần điệu như thơ, người dân luôn có sở thích ưa nói vần. Từ cái chuyện nói vần ấy tới viết những câu có vần có điệu là một khoảng cách nhỏ. Thế nên mới “người người làm thơ, nhà nhà làm thơ”.

Song, suy cho cùng, số người tự huyễn rằng mình có năng lực làm thơ, mình là nhà thơ, những gì mình viết chính là thơ cũng chẳng phải quá đông. Đa số đều tự hiểu họ không làm thơ, mà viết một thứ gì đó vui vui, đúng theo tinh thần ca dao tục ngữ tân thời mà thôi. Nhưng nếu theo dõi trường thơ, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy trong khi đa số các nhà thơ thích im lặng và sáng tạo thì những người tự huyễn lại rất muốn “xưng hùng xưng bá”. Sự tự tuyên xưng với hàng loạt danh vị nghe loảng xoảng của nữ nhân kể trên là một minh chứng.

Nhân dân có tin vào các “thanh la não bạt” đó hay không? Chắc chắn là không. Nhân dân còn cần mưu sinh nên ngoài việc thi thoảng họ nói vần nói điệu ra, họ chẳng quan tâm đến thơ là mấy bởi thơ không mang lại cho họ tiền tài. Chỉ có một số ít nào đó, vì một mục đích nào đó, sẽ tỏ ra tin vào các tự tuyên kiểu kia. Phần còn lại sẽ xem đó như trò cười không hơn không kém.

Nhưng từ một trò cười mà chúng ta thấy nó “bình thường như cân đường hộp sữa” ấy, có một điểm nghiêm túc thực sự để nhìn nhận lại. Đó là việc xuất hiện bản dàn trang, thiết kế bìa tập thơ của “nhà thơ thế giới” nọ. Chễm chệ trên bìa sách ấy là cái tên đầy uy tín của văn chương hàn lâm Việt Nam: Nhà xuất bản Hội Nhà văn.

Tất nhiên, như xác tín của bà Phó giám đốc Nguyễn Thúy Hằng, NXB Hội Nhà văn chưa từng cấp phép cho ấn bản tập sách này. Cái bìa sách kia là sự mạo danh trắng trợn một NXB uy tín để dùng nó làm bàn đạp cho các tự tuyên lố lăng. Như vậy, trực tiếp uy tín của NXB, của Hội Nhà văn Việt Nam đã bị tấn công. Và không chỉ NXB Hội Nhà văn mà một số cơ quan truyền thông cũng là nạn nhân, trong đó có VTV1.

Có thể, giữa ngập tràn các ồn ào về “thơ mà không ra thơ” vẫn xuất hiện mỗi ngày. Chuyện có thể xem là vớ vẩn, là nhỏ nhưng không nhỏ khi mà uy tín, tên tuổi của một số cơ quan danh giá văn chương báo chí đã bị lạm dụng để mưu cầu hư danh cá nhân.

Và hơn nữa, nó gây hoang mang về sự nghiêm túc của cơ quan Hội cũng như của rất nhiều nhà thơ chân chính đang lặng thầm nuôi dưỡng những sáng tác chất lượng nhiều năm qua.

Theo VĂN ĐOÀN/ VNCA

Top