Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,483,972 lượt

Rất cần phục hồi những lũy tre làng ở vùng rốn lũ miền Trung

Bão lũ miền Trung ngày càng khốc liệt, mức độ thiệt hại ngày càng tăng dần. Ngoài nguyên nhân thời tiết hàng năm, có một nguyên nhân rất quan trọng mà chúng ta bỏ qua không đề cập đến khi xây dựng nông thôn mới ở miền Trung, đó là việc phá bỏ những lũy tre làng để thay vào đó là những bờ kè bê tông, trồng các loại cây cảnh không có tác dụng làm giảm tốc dòng chảy, hấp thụ phù sa mỗi khi lũ về. Xây dựng nông thôn mới của chúng ta chưa thích ứng với địa hình triền dốc của giải đất miền Trung.

 

 

Ông cha ta ngày xưa khi khai khẩn lập làng thì công việc đầu tiên là đốc thúc dân làng trồng và chăm sóc các lũy tre làng. Lũy tre bao bọc quanh làng, trồng trên các con đường trong làng, trên các bờ đê bờ sông.

 

Tre phổ biến đến mức nó đại diện cho hình ảnh của các làng quê ở miền Trung, và các lũy tre là tài sản của làng được quản lý bài bản vì dân làng hiểu rất rõ tác dụng tích cực của các lũy tre mỗi khi bão lũ về.

 

Ai đã từng sống ở các làng quê miền Trung vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước thì chắc chắn đều thấy rõ những điều hiển nhiên về lợi ích của các lũy tre làng mang lại mỗi khi mùa mưa bão về miền Trung. Các lũy tre trồng dọc theo các bờ sông mọc đan rễ dày đặc có tác dụng hạn chế xói lở và làm giảm tốc dòng nước lũ đang đổ vào làng, trên các con đường làng cũng có các lũy tre chắn sóng làm cho dòng nước tràn vào làng hài hòa hơn vì được giảm tốc triệt để bởi các lũy tre và phù sa có thời gian để lắng đọng trên các nương vườn nhằm bồi bổ đất cho các mùa sau.

 

Nếu có bão về thì các lũy tre cũng lại làm nhiệm vụ giảm tốc dòng xoáy của bão, tre vươn cao hơn các nóc nhà dân và luôn dẻo dai uốn theo chiều gió và không có chuyện bật gốc dù bão tố lớn đến cỡ nào vì bộ rễ dày đặc đan xen và bám sâu vào đất, tre che chở cho những mái tranh nghèo ngày ấy, giảm hiện tượng tốc mái nhà bởi những trận cuồng phong và cũng chính tre sẽ dệt nên những mái ấm, những căn nhà sau mỗi mùa mưa bão . Tre lại còn là món ngon (măng), là vật liệu làm nhà, làm các công trình khác của người dân. Khi có những lũy tre làng thì hồn quê lại sinh động ấm áp hơn bao giờ hết.

 

Sau lũy tre là khói lam chiều, tiếng chim ríu rít mỗi khi mùa vàng sang vì lũy tre là nơi chim muông về làm tổ, nó cũng là nơi hàn huyên, tâm sự của trai gái khi vào mùa... không biết đã có bao nhiêu áng văn thơ bất tử đã ra đời và cũng không biết có bao nhiêu người, bao nhiêu thế hệ, vẫn đau đáu một hồn quê bên mình dù tha phương ở bất cứ chốn nao! Tất cả chỉ còn là dĩ vãng khi chúng ta nhìn nhận chưa đúng công lao nhọc nhằn khi khai khẩn lập làng của cha ông chúng ta và chúng ta cũng phủ nhận một cách vô thức lợi ích của các lũy tre làng bằng cách phá bỏ nó để xây dựng nông thôn kiểu mới bằng bê tông cốt thép!

 

Ngày nay, để đạt tiêu chí là LÀNG VĂN HÓA, là NÔNG THÔN MỚI thì người ta lại chỉ chú ý đến việc xây dựng những cổng làng hoành tráng, những con đường bê tông quanh làng, các bờ kè ven sông ven đê bằng bê tông cốt thép,... những tưởng như thế là làng quê sẽ đẹp hơn, sẽ an toàn hơn.... Không có một tiêu chí nào nhắc đến các lũy tre làng, trong khi đó các phương tiện truyền thông thì cứ rêu rao hình ảnh cây tre là hình ảnh đại diện cho nông thôn Việt Nam.

 

Sự lạm dụng quá mức việc bê tông hóa ở nông thôn đã làm mất đi cảnh quan vốn có ở rốn lũ miền Trung , và điều quan trọng nhất là việc bê tông hóa dẫn đến nguy cơ không an toàn, gây xói lở, gây bạc màu đất đai vì địa thế triền dốc của đất đai miền Trung.

 

Không có các lũy tre để chắn sóng, chắn gió là yếu tố làm tăng tốc các dòng chảy vì địa hình triền dốc, khi dòng chảy tăng tốc nó sẽ bào mòn, phá hủy nhanh các cấu trúc trên mặt đất, phá hủy bờ sông bờ kè, cuốn theo lớp đất mặt để chỉ còn trơ lại sỏi đá, đất đai ngày càng bạc màu theo từng mùa mưa lũ.

 

Thiệt hại về nhân mạng ngày càng tăng vì người dân không ứng phó kịp khi dòng nước lũ được tăng tốc chảy xiét bởi địa hình triền dốc.

 

Dựng LÀNG để lập NƯỚC, và ông cha chúng ta đã có hơn bốn ngàn năm dựng làng dựng nước. Làng Việt Nam không thể thiếu các lũy tre. Các lũy tre chống giặc ngoại xâm, lũy tre bảo vệ thôn làng, các lũy tre tạo nên sinh cảnh, tạo nên hồn quê đầm ấm mà bất cứ ai đi đâu, đến đâu cũng hướng về nguồn cội, về nơi đầm ấm mà mình được sinh ra và bao bọc.

 

Nếu phủ nhận các lũy tre làng trong việc xây dựng nông thôn mới tức là chúng ta vô tình phủ nhận giá trị ngàn năm của các lũy tre mà cha ông ta đã dày công để lại cho con cháu. Không có các lũy tre thì làng quê Việt Nam sẽ dần biến mất, nó biến mất trong tâm trí của người Việt, biến mất vì đất đai ngày càng bạc màu, bão lũ ngày càng hung dữ và nó biến mất khi cây tre không còn là hình ảnh đại diện cho nông thôn Việt Nam, người dân sẽ dần bỏ làng ra đi tìm sinh kế mới và họ sẽ quên dần vì chẳng có gì nên thơ để gắn bó, có chăng là ở trong họ những hình ảnh bão lũ hoành hành dữ dằn cần phải tránh xa.

 

Hãy phục dựng các lũy tre làng, đây là lời thỉnh cầu khẩn thiết của tôi. Mong nhận được sự đồng cảm và chung tay với những ai đã từng gắn bó với lũy tre làng và thấy rõ được lợi ích thiết thực của các lũy tre mỗi khi bão lũ về.

NGUYỄN VĂN NHUẬN

Top