Cách đây không lâu, tôi nhận được e-mail từ một công chức trẻ. Tốt nghiệp đại học, cô về làm kế toán cho uỷ ban xã, đến nay đã qua hai đời chủ tịch. Cô phàn nàn về thói hư tật xấu của đồng nghiệp và cấp trên, từ thói tham nhũng vặt cho đến chuyện hạch sách người dân để lấy tiền lót tay.
Những khoản nhiều khi không đáng là bao, và việc cáu bẳn với dân không phải lúc nào cũng gay gắt, cô nói, nhưng cho thấy một thứ quyền lực cát cứ không được kiểm soát.
“Em nghĩ là ai cũng biết chuyện này rồi, nhưng bức xúc nên em chia sẻ vậy thôi”, cô viết. Tôi cũng nghĩ giống cô ấy, thế nên câu chuyện trôi vào quên lãng trong dòng chảy của vô vàn sự kiện khác.
Tôi chỉ nhớ lại e-mail này khi liên tiếp trong thời gian qua thứ “quyền lực cát cứ” đó nổi lên qua những bức xúc của người dân được truyền thông đưa tin.
Cuối tháng 7, một công dân ở Văn Miếu “tố” cán bộ phường có thái độ không tốt khi cô đi xin giấy chứng tử cho người thân. Sau đó một vài tuần, nhiều tân sinh viên tái mặt khi bị phê “bản thân và gia đình chưa chấp hành tốt quy định của địa phương”, khi lấy xác nhận lý lịch từ uỷ ban.
Những câu chuyện trên, nhờ sức mạnh cộng hưởng của báo chí và mạng xã hội, phần lớn đã được giải quyết nhanh chóng. Sau khi phân giải, các bên có vẻ đều hài lòng: quy trình không bị xâm phạm, cán bộ bị khiển trách,còn người dân cuối cùng cũng được việc cho mình.
Nhưng giả dụ những câu chuyện này không được truyền tải thông qua hàng triệu lượt xem trên Facebook, hay được báo chí biết đến, thì sự việc sẽ diễn tiến như thế nào?
Người dân ở những địa phương khác, đặc biệt là những nơi “xa mặt trời”, có lẽ sẽ trả lời được câu hỏi này. Chắc hẳn ít ai trong chúng ta chưa từng nghe những bức xúc của người xung quanh khi đi làm thủ tục hành chính ở địa phương.
Và có lẽ, cũng không ít người từng phải cúi đầu để nịnh nọt, xuề xoà, và đưa ít “tiền biếu” để đỡ phiền hà cho một thủ tục nào đó, dù ai cũng biết đó là trách nhiệm của công chức và là thứ người đóng thuế đương nhiên được hưởng.
Vấn đề đó lớn đến nỗi... ai cũng coi là chuyện thường tình.
Báo cáo Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2016 cho rằng một trong những vấn đề lớn của bộ máy hành chính cơ sở là “đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa được khuyến khích để chịu trách nhiệm và biết lắng nghe ý kiến của người dân”. Trong cuộc khảo sát phục vụ PAPI, 54% người phỏng vấn cho rằng phải trả tiền để được làm cho cơ quan nhà nước, và gần 40% cho rằng phải thêm tiền để có các dịch vụ công tốt hơn, như giáo dục và y tế.
Việt Nam đang trong giai đoạn cải cách hành chính thứ ba, mỗi giai đoạn kéo dài 10 năm, bắt đầu từ năm 1990. Những thành tích đạt được là đáng trân trọng, và rõ ràng tình trạng quyền lực cát cứ đã giảm đi rất nhiều, đặc biệt là ở những đô thị lớn. Quyết tâm cải cách còn được đẩy mạnh hơn nữa sau Đại hội Đảng XII, với chính phủ mới quyết tâm xây dựng một bộ máy “kiến tạo phát triển”, tạo động lực cho các cá nhân và doanh nghiệp.
Thế nhưng đâu đó những chuyện như ví dụ nêu trên vẫn còn tồn tại một cách ngang nhiên. Có vẻ như càng đi xuống cấp dưới, nhiệt huyết của một bộ máy “kiến tạo” lại càng lạnh dần. Nói như thuật ngữ kinh tế học, chúng ta chưa tạo ra được hiệu ứng thẩm thấu (trickle-down effect) để truyền lửa từ trung ương xuống địa phương.
Càng xuống dưới, chúng ta càng tiệm cận đến giới hạn vô hình của cải cách hành chính: thái độ làm việc của cán bộ. Đây là rào cản khó vượt qua nhất, bởi quy trình có thể được thay đổi chỉ sau một đêm, nhưng tư duy thì không dễ dàng như vậy. Khi người ta đã quen với ý nghĩ làm nhà nước tương đương với có quyền lực hơn người khác, thuyết phục cán bộ phải có tư duy “phục vụ” là rất khó.
Càng xuống dưới, quyền tự chủ về quyết sách và ngân sách của đội ngũ lãnh đạo cơ sở càng thấp. Đó là điều cần cân nhắc, khi bàn đến động lực “kiến tạo” của họ. Tại sao tôi phải kiến tạo, nếu như tôi vẫn sẽ phải ngửa tay “xin” cấp trên từng mét đường cho dân và từng bước quan lộ cho mình, dù địa phương có khởi sắc hay không?
Mạng xã hội và báo chí có thể hiệu quả trong việc tăng cường sự tham gia của người dân. Nhưng chúng là các công cụ mang tính tình huống, và sẽ không vươn ảnh hưởng được đến nhiều xã, bản, đến hàng chục nghìn văn phòng ủy ban cấp xã trên đất nước này. Làm thế nào để “kiến tạo” không phải là một lời kêu gọi mang sắc thái tình cảm và tình nguyện?
Làm thế nào để “kiến tạo” trở thành một hành động có lợi cho bản thân người thực hiện lẫn thụ hưởng, cho dù là ở cấp phường xã dưới cùng?
Đó là câu hỏi khó. Nhưng tôi tin đó là điều thiết kế được. Vì các hội nghị trong đó lời kêu gọi “kiến tạo” được đưa ra, thường chỉ dừng lại ở cấp tỉnh mà thôi. Nó sẽ thẩm thấu xuống dưới cùng, xuyên qua lớp vỏ cứng của sự cát cứ, bằng cách nào?
Tôi không thể trả lời cô công chức trẻ đã viết mail ở đầu bài này, rằng "em hãy cố gắng lên" hay một lời động viên suông nào đó như thế.
KHẮC GIANG