Đơn vị đồng hành
Truy cập: 10,950,691 lượt

Án phạt nặng dành cho Long An: Đau quặn lòng, nhưng thấm thía!

Đau, hẳn là cảm giác đầu tiên mà những người trong cuộc cảm thấy khi án phạt được đưa ra. Nhưng cái gì cũng có cái giá của nó, và có lẽ nó sẽ làm bóng đá Việt Nam tốt hơn.

 

1. Đau, bởi sau cái án phạt ấy, sau câu "Trời ơi!" mà thủ thành Minh Nhựt thốt lên rồi tắt điện thoại là sự hoang mang đến tột cùng của hai gia đình, khi người hai đàn ông trụ cột mất nghiệp, chẳng biết rồi đây sẽ phải bươn chải thế nào giữa dòng đời để nuôi sống gia đình nhỏ của mình.

Đau, bởi cả Minh Nhựt lẫn Quang Thanh, hẳn bản thân họ chẳng thể đủ bản lĩnh để diễn "vở kịch" lố bịch và ngu muội đến thế trên sân Thống Nhất, nếu không có sự "chống lưng" và cổ vũ từ phía sau.

Đau, bởi Long An - tiền thân là Đồng Tâm Long An chẳng phải là một CLB theo kiểu "ăn xổi ở thì", CLB của những ông chủ lắm tiền nhiều của "đột nhiên" thích làm bóng đá theo kiểu "yêu qua đường", mà đầy mình truyền thống.

Đau, bởi "bầu" Thắng, người đang ngồi trên chiếc ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF, từng chính là Chủ tịch CLB Đồng Tâm Long An, và người dính án phạt nặng nhất trong vụ này chính là em trai của ông - Võ Thành Nhiệm.

 

2. Trong một lần trả lời phỏng vấn mới đây được đăng tải trên tạp chí bóng đá FourFourTwo, khi được hỏi: "Ông nội và chú ruột anh đều là trọng tài. Họ có bao giờ "gà bài" cho anh để qua mặt trọng tài không", cựu danh thủ Man United - Nemanja Vidic đã trả lời: "Cả ông và chú đều khuyên tôi hãy tôn trọng trọng tài, họ sẽ tôn trọng lại tôi. Suốt cả sự nghiệp của mình, tôi luôn cố gắng ra sân với lời dạy đó, dù không phải lúc nào cũng thành công".

Quay lại với sân Thống Nhất cái ngày 19/2 ấy, cả trong và sau trận đấu, cả lãnh đạo lẫn các cầu thủ Long An đều phản ứng cực kỳ quyết liệt với trọng tài Nguyễn Trọng Thư, thậm chí chủ tịch Võ Thành Nhiệm còn đòi "đưa C45 vào cuộc điều tra trọng tài". Người của Long An, khi lên tiếng đều thanh minh rằng họ gặp quá nhiều sự bất lợi từ các quyết định của trọng tài, nên mới dễn đến nông nỗi hôm nay. Chẳng phải chờ đến phút 80 của trận đấu với CLB TP.HCM, đã từ rất lâu, sự tôn trọng với trọng tài của họ đã không còn.

Tự cho mình cái quyền đứng trên quyết định của trọng tài là sai lầm "chết người" của Long An. Chính điều đó khiến họ phản ứng cực kỳ manh động mà chẳng hề suy nghĩ trước sau, dù chẳng ai dám khẳng định rằng trọng tài đã sai trong tình huống đấy. Bởi đơn giản, việc "mổ băng" đã khẳng định rằng tình huống đấy, trọng tài Nguyễn Trọng Thư hoàn toàn có thể thổi phạt penalty.

Xa hơn nữa, ở trận đấu mà họ cho rằng mình bị ép khi trọng tài "giơ bảng bù giờ 2 lần", trọng tài cũng không sai khi cộng thêm thời gian bù giờ, dẫn đến bàn gỡ hòa từ chấm phạt đền của Anh Đức cho B.Bình Dương. Tất cả đều bị cuốn theo cái suy nghĩ "trọng tài sai, nên chắc hẳn là mình đúng" và phản ứng quyết liệt sẽ lật lại được thế cờ. Họ "chơi tất tay" với trọng tài, mà quên mất rằng như thế cũng là "chơi tất tay" với khán giả, với Ban tổ chức, với nguyên tắc tối thiểu khi chấp nhận bước ra sân bóng.

 

3. Nỗi đau sẽ còn đeo đẳng Quang Thanh và Minh Nhựt, rất có thể suốt cả cuộc đời. Nhưng với các cầu thủ còn lại của Long An, những người hôm đấy dù ngồi, dù đứng trên sân, chôn chân cười khẩy nhìn cầu thủ CLB TP.HCM dẫn bóng ghi bàn, đấy là sự may mắn. Và có lẽ, sau cái rùng mình khi đọc bản án dành cho đồng đội sẽ là sự thấm thía, rằng một phút xốc nổi đôi khi sẽ phải trả giá bằng cả sự nghiệp.

Không chỉ họ, mà hẳn tất cả các cầu thủ chuyên nghiệp Việt Nam cũng sẽ thấm thía hơn về sự tôn trọng dành cho môn thể thao, cái nghiệp mà mình đang theo đuổi.

Nó thấm thía hơn nhiều so với cái án "nhẹ như gãi ghẻ" dành cho tuyển thủ quốc gia đá gãy chân, mất nghiệp của cầu thủ khác, để rồi vẫn nhởn nhơ, lại đá xấu. Để rồi những pha bóng bạo lực, đá xấu được thể leo thang, chẳng những ở V-League, mà còn len lỏi vào cả đội tuyển quốc gia. Là người ra án, nhưng có lẽ sự việc của Long An cũng khiến VFF phải giật mình để nhìn lại chính mình, bởi "nước có thể đẩy thuyền, cũng có thể lật thuyền".

Ngày hôm nay, Long An là người sai và phải lĩnh án nặng, nhưng nếu những sai phạm của BTC giải, những tồn tại suốt thời gian qua của những người "cầm cân nẩy mực" cứ tiếp diễn, thì rồi cũng đến lúc thế sự xoay vần. Những người cầm còi trên sân cũng phải thấm rằng mỗi quyết định của họ đưa ra, rất có thể sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhiều người khác - những cầu thủ lấy bóng đá làm nghiệp sống cả đời, cũng như chính bản thân mình, để rồi phải cân nhắc thận trọng hơn rất nhiều.

 

Nỗi đau ngày hôm nay, nỗi đau của cầu thủ mất nghiệp khi đang phải chữa bệnh cho mẹ mỗi tháng lên đến 10 triệu đồng - như thủ thành Minh Nhựt tự bạch, nuôi vợ và hai con thơ là nỗi đau chẳng gì bù đắp được.

Ngày hôm nay, những người ngồi trên ghế cao đã ra phán quyết, đau đớn nhưng cần thiết cho một nền bóng đá tốt đẹp hơn.

Và nếu như sau cái án quặn lòng mà thấm thía ấy, bóng đá Việt Nam vẫn chẳng thể tốt đẹp hơn lên, thì lịch sử, người hâm mộ sẽ là người phán xét chính họ. Đến lúc ấy, nỗi đau sẽ còn gấp bội!

NGÔ TRÀ

Top