Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,481,294 lượt

Tiền và cống hiến

Tôi chuyển sang ngạch quản lý cách đây đúng ba năm, từ đó đến nay liên tục tham dự các cuộc phỏng vấn tuyển dụng. Câu hỏi đầu tiên tôi thường đặt ra là: Bạn giỏi nhất việc gì? Các câu trả lời khá đa dạng. Thậm chí, có ứng viên (vừa tốt nghiệp đại học), sau khi suy nghĩ một lúc đã trả lời rành rọt: "Em giỏi nhất môn Văn".

 

Câu hỏi cuối cùng tôi thường chốt lại là: Bạn mong đợi gì ở chúng tôi? Trái với câu mở đầu, phần trả lời cho câu hỏi cuối này sẽ khá giống nhau. Cơ bản là mong đợi một môi trường làm việc chuyên nghiệp, năng động, tạo điều kiện phát huy khả năng, được tin tưởng giao phó, được học hỏi đàn anh…

 

Tôi chưa gặp ứng viên nào đưa ra câu hỏi về mức lương và chế độ đãi ngộ trong các cuộc phỏng vấn. Mặc dù, sau khi phỏng vấn xong họ thường tìm cách hỏi dò những thông tin này. Thậm chí có những người rất giỏi, được mời về hẳn hoi, thì cũng chỉ nói chuyện công việc chứ không đả động đến đãi ngộ. Để rồi chỉ sau đó một thời gian ngắn, khi lương thưởng và quản lý thời gian không như ý, họ quay ra phản ứng bằng… thái độ làm việc (cụ thể là bằng chất lượng công việc, sản phẩm).

 

Đó là một thói quen kỳ lạ của người Việt Nam: Che giấu nhu cầu vật chất của mình vì sợ bị đánh giá không tốt.

 

Bạn tôi, một người Anh, từng kinh qua nhiều nghề, trong đó có thời gian là bếp trưởng của nhà hàng 4 sao. Ở châu Âu, vị trí đó có thu nhập khá cao rồi. Nhưng sau này, anh vẫn bỏ việc, sang Việt Nam sống bằng nghề dạy tiếng Anh. Ở TP HCM, anh nhận làm giảng viên cho hai đối tượng chênh lệch rất lớn về trình độ. Một vài buổi trong tuần, anh dạy cho nhân viên của hãng IBM, tiếng Anh chuyên ngành công nghệ thông tin. Phần thời gian còn lại, anh dạy một lớp sơ cấp cho một trung tâm Anh ngữ hạng xoàng ở ngoại ô. Khá ngạc nhiên trước lựa chọn của bạn, tôi có hỏi, thì anh giải thích: "Tôi dạy IBM vì ở đó tôi thỏa thuận được mức lương khá cao. Còn tôi dạy ở lớp sơ cấp, vì ở đó tôi có được sự tôn trọng còn cao hơn cả IBM". Đó là một lập luận rất hay về sự tương xứng giữa thu nhập và công sức bỏ ra, giữa giá trị của tiền công và giá trị của niềm hứng khởi.

 

Không có quy ước nào bắt người ta phải “học hỏi”, “cống hiến”, “trưởng thành” trong công việc. Họ có thể nói thẳng rằng mình làm việc thuần túy vì tiền. Họ có thể học ở nơi khác, dành lý tưởng và sự cống hiến ở nơi khác. Tiếc rằng ở nước ta mấy thứ này đang bị đánh đồng.

 

Mới đây, người ta xôn xao về cô gái đặt câu hỏi: “Em phải học tập và làm việc như thế nào để các nhà tuyển dụng ở đây nhận em vào làm với mức lương khởi điểm 2.000 USD/ tháng?”. Rất nhiều chì chiết và răn dạy cô gái, cho rằng cô nên nghĩ đến việc tạo ra giá trị trước rồi hãy đòi hỏi.

 

Nhưng tôi lại nghĩ rằng đó là một câu hỏi rất hay, đi thẳng vào vấn đề mà chúng ta thường tránh né. Không hiểu vì sao và từ bao giờ, có một nếp nghĩ rằng, đòi hỏi đãi ngộ, lương thưởng là không nên, không phải. Tôi suy luận, có lẽ đây là nếp nghĩ từ thời bao cấp.

 

Mệnh đề cô gái trẻ đưa ra là sự tò mò về mục tiêu lý tưởng (tạm xem mức lương khởi điểm 2.000 USD là lý tưởng với một thanh niên vừa tốt nghiệp đại học). Nhà tuyển dụng hôm đó cũng đã thẳng thắn đưa ra những yêu cầu, cụ thể là liệu ứng viên có thể đem lại cho công ty giá trị gấp 5, gấp 7 lần con số 2.000 USD đó. Tôi cho đây là một cuộc đối đáp thẳng thắn, hữu ích.

 

Lương bổng và đãi ngộ chắc chắn không thể xem là tiêu chí đầu tiên để thu hút nhân tài. Nhưng rõ ràng, cũng khó có thể kêu gọi nhân tài cống hiến, nếu vẫn áp đặt các giá trị đạo đức vào các giá trị cơ bản như là mưu sinh, nâng cao điều kiện sống. Thành phố Đà Nẵng năm ngoái đã phải thừa nhận kế hoạch đầu tư đào tạo nhân tài cho tầm nhìn dài hạn đã thất bại, khi mà gần như tất cả các trường hợp được hỗ trợ tài chính đi du học nước ngoài sau đó đều không muốn trở lại.

 

Hai thập kỷ trước, có hai bộ quần áo thay đổi và được ăn no khi lên giảng đường đã là điều rất hạnh phúc với các sinh viên. Nếu hỏi họ về một chiếc xe máy riêng, một chiếc điện thoại di động như là những điều kiện cơ bản và tối thiểu để bắt đầu đi làm, hẳn sẽ là một giấc mơ viển vông không kém gì mức lương khởi điểm 2.000 USD của năm 2016. Chúng ta sẽ trông đợi vào điều gì để rút ngắn thời gian của những giấc mơ như thế: Thay đổi tư duy đãi ngộ người tài, hay là chờ đồng tiền trượt giá?

GIA HIỀN

Top