Đơn vị đồng hành
Truy cập: 10,950,721 lượt

Sứ giả Văn hóa

Thưởng thức văn hóa bằng tư duy chính trị. Có ông bạn nhà văn phương Tây nói thành thật với nhà văn ta: Các bạn thực ra là sung sướng, vì những gì bạn viết ra đều được soi xét tỉ mỉ, được chính quyền và người đọc quan tâm. Còn ở Âu - Mỹ, người ta không quan tâm đến mức như vậy...

 

Phòng họp báo về những vấn đề văn hóa văn nghệ thường thấy nhiều nhất những gương mặt phóng viên mới vào nghề. Còn thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm. Có những câu hỏi thật hồn nhiên trẻ trung, nhưng phần nhiều là những câu hỏi cũng được mà không cũng được. Không thiếu những câu mà nhiều năm sau nghĩ lại, chắc người hỏi vẫn còn thấy ngượng cho mình. Phóng viên hỏi xong về viết ra những câu mà nhiều năm sau nghĩ lại cũng vẫn thấy ngượng cho mình. Tổng biên tập duyệt bài, thở ra một hơi như vừa thoát hiểm, may quá đã cử phóng viên này đi họp báo văn hóa, chứ lúc ấy mà cử đi lấy tin về chính trị thì chưa biết hậu quả thế nào.

 

Không ai bảo ai, hầu như các tòa soạn thường cử những phóng viên non đi làm về văn hóa. Non thì không được giao những việc dễ sai phạm chính trị.

 

Đối ngoại cũng không khác. Các cơ quan đại diện ở nước ngoài thường giao công tác văn hóa cho cán bộ nào non tay nghề, yếu chuyên môn, thậm chí kém ngoại ngữ. Yếu kém thì làm văn hóa, chứ để cho anh ta chị ta làm về chính trị thì có thể sai phạm trầm trọng. Cách nghĩ nghe ra có vẻ hợp lý. Cái sai mang tính chính trị của văn hóa có khi cũng chưa đáng sợ bằng cái sai của chính trị. Phải mở ngoặc nói thêm rằng chính trị ở đây hiểu theo một nghĩa hẹp là chính trị của chính thể. Đúng ra lĩnh vực nào chẳng có chính trị của riêng nó.

 

Công việc chính của cán bộ văn hóa trong cơ quan đại diện là đi dự những hoạt động văn hóa ở bản địa. Các lễ hội, các dịp tưởng niệm danh nhân, các chương trình biểu diễn nghệ thuật, triển lãm, hội thảo tọa đàm. Họ tiếp nhận công văn giấy tờ văn hóa để xử lý và chuyển về trong nước, cũng như nhận chỉ thị, yêu cầu, đề xuất từ trong nước gửi sang.

 

Có lần cơ quan văn hóa Ấn Độ đề nghị mời đoàn tuồng của ta sang biểu diễn. Bạn nói thêm: chỉ cần tóm tắt nội dung những trích đoạn, in thành tờ rơi. Người xem không cần hiểu đối thoại lời ca, bản thân vũ đạo, giọng hát, phục trang và tính ước lệ sân khấu đã nói lên tất cả.

 

Đấy là chuyện từ đầu thập kỷ chín mươi của thế kỷ trước. Ấy vậy mà cán bộ sứ quán ta cũng được một dịp tranh luận. Hầu hết là phản đối. Người Việt còn khó xem tuồng nữa là người nước ngoài. Mang tuồng sang mà người xem không hiểu thì coi như không đạt hiệu quả. Vân vân.

 

Các vị đã tư duy theo kiểu suy bụng ta ra bụng người. Người ham mê nghệ thuật có cách thức riêng để tiếp nhận nghệ thuật. Cái cảm nhiều khi quan trọng hơn cái hiểu. Không có chuyên môn nhưng các vị lại giẫm chân lên nhà chuyên môn. Chính phía bạn đã nói trước rằng tự thân đặc trưng nghệ thuật của tuồng đã đủ để cảm nhận. Đúng ra câu này phải là lời chủ động của cán bộ văn hóa sứ quán, nếu như người này có chuyên môn. Nhưng người này thuộc một ngành khác, không có kiến thức về văn hóa nghệ thuật, đành chỉ ngồi ngậm tăm trước những lời tranh cãi gay gắt của các bậc đàn anh. Kết luận: đề nghị bạn không nên mời tuồng, mà chọn một đoàn ca nhạc dân tộc cho dễ hiểu.

 

Những năm về sau, ta có cử người của bộ Văn hóa sang một số nước, coi như chuyên gia của ngành, làm việc trong các cơ quan đại diện, hoặc trụ trong những trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài. Tình hình chắc chắn là có khá hơn, ở khía cạnh quản lý văn hóa. Nhưng chưa chắc đã làm tăng sự hiểu biết về văn hóa Việt ở các nước. Bản thân những cán bộ này cũng chỉ là người quản lý của ngành văn hóa, còn rất thiếu kiến thức về chính văn hóa. Họ có thể có kiến thức về bảo tàng, nhưng gu thẩm mỹ lại có thể rất giản đơn đại chúng. Họ có thể có kiến thức về văn chương nhưng thẩm mỹ nghệ thuật lại rất sến. Họ có gu tốt về âm nhạc nhưng lại rất non về tư duy văn hóa...

 

Tất cả đều bắt đầu từ lối tư duy ở tầm cơ chế. Non yếu, không làm được việc thì cho phụ trách văn hóa. Nếu sai lầm thì sai lầm nhẹ. Nếu gây hại thì gây hại ít. Sắp xếp nhân sự coi như không sai phạm, nếu thu xếp người non kém làm phóng viên văn hóa, tùy viên văn hóa, cán bộ văn hóa.

 

Trớ trêu, khi đoàn ca múa dân tộc Ấn Độ với các tiết mục múa cổ điển như Kathak, Bharatnatyam, Odissi... sang biểu diễn ở Việt Nam thì chính những cán bộ Việt Nam nghiên cứu về Ấn Độ lại không thể xem nổi loại hình múa lê thê, nhạc rên ư ử này được.

 

Hầu như ít ai trong số họ chịu đọc đến những bài báo nói về một vụ khai quật di chỉ văn hóa, về đặc điểm nền văn hóa nước sở tại, về tập quán lễ hội, về các triển lãm mỹ thuật nhiếp ảnh...

 

Hầu hết cán bộ văn hóa ở sứ quán đều không thể trả lời những câu như đặc điểm chính của văn hóa nước sở tại? Ai là nghệ sĩ hàng đầu trong sân khấu, điện ảnh, âm nhạc? Ai là nhà văn đang được đánh giá cao, dòng văn học nào đang là chủ đạo? Đặc điểm chính của mỹ thuật nước này? Những vấn đề của tôn giáo bản địa?...

 

Như vậy, khi tiếp xúc với phóng viên báo chí bản địa để đưa nội dung một vài vấn đề của Việt Nam cho họ tham khảo, cán bộ văn hóa của ta không có gì nhiều để nói. Có chăng chỉ là vài lời nhàn nhạt về thời tiết. Mặn mà hơn thì đôi ba câu tiếu lâm pha trò bình dân. Thiếu kiến thức về văn hóa, vị cán bộ này sẽ phản đối những hoạt động mà ông ta không hiểu đã đành, như việc phản đối tuồng đã nêu ở trên, mà nếu không phản đối thì cũng không thuyết phục được những người phản đối khác. Hơn thế, ông ta thiếu hẳn sự nhạy cảm cần thiết trong công tác được giao.

 

Cùng thời kỳ các vị nhà ta tranh luận không nên mang tuồng ra nước ngoài, đại sứ Colombia tại Ấn Độ là nhà văn David Sánchez Juliau. Ông kể: một hôm bỗng nhận được điện thoại của tổng thống Colombia, bổ nhiệm ông đi làm đại sứ, tổng thống chỉ nói đơn giản: nhà văn là người đại diện tốt cho đất nước mình. Ông nhận lời, lên đường, làm đại sứ ở Ấn Độ nhiệm kỳ 1991-1993, và ở Ai Cập: 1995-1996.

 

Tất nhiên, như đã nói, không hẳn là người danh tiếng trong lĩnh vực này lại cũng am hiểu lĩnh vực khác. Cũng không hẳn là người không danh tiếng thì không thể là sứ giả đáng tin tưởng. Nhưng chắc chắn công tác văn hóa phải được trao vào tay người có năng lực về văn hóa. Thế nào là người có năng lực? Đây là bài toán muôn đời cho người làm công tác tổ chức điều động nhân sự.

 

Cực bên này coi nhẹ thì cực bên kia lại là sự trầm trọng. Cực bên kia? Đấy là khi các sản phẩm văn hóa được đặt dưới kính hiển vi. Soi xét phóng đại lật qua lật lại. Đấy là khi một chi tiết có thể như sợi tóc bị chẻ làm tư làm tám. Tất cả đều được nhìn qua lăng kính chính trị, xem có sai phạm gì về chính trị. Thưởng thức văn hóa bằng tư duy chính trị. Có ông bạn nhà văn phương Tây nói thành thật với nhà văn ta: Các bạn thực ra là sung sướng, vì những gì bạn viết ra đều được soi xét tỉ mỉ, được chính quyền và người đọc quan tâm. Còn ở Âu - Mỹ, người ta không quan tâm đến mức như vậy.

 

Được quan tâm. Đúng là sung sướng. Đúng là phải tỏ lòng cảm kích. Nhưng cần một sự quan tâm mang tính văn hóa, sự quan tâm chỉ là từ văn hóa, do văn hóa, vì văn hóa.

HỒ ANH THÁI

Top