Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,432,450 lượt

Vinastas và nước mắm

Đầu tháng 10, tôi có việc phải tìm gặp hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng ở một thành phố lớn. Tôi đến địa chỉ công bố trên website, nhưng đến nơi thì được thông báo hội đã dời đi nơi khác. Đến nơi khác, tôi lại được thông báo trụ sở chuyển về Sở Công thương. Sau gần hai tiếng đồng hồ, tôi tìm được trụ sở hội vào lúc 10h30 sáng. Lúc đó, văn phòng đã im ỉm khoá.

 

Anh bảo vệ cho biết đã hai tuần rồi không có ai đến mở cửa. Nhìn tấm biển “nơi nhận đơn khiếu nại người tiêu dùng”, tôi băn khoăn tự hỏi không biết đã có bao nhiêu người cầm tờ đơn đến đây và thất vọng đi về.

 

Tôi không biết câu chuyện ấy có phổ biến ở các địa phương khác không. Nhưng nhìn vào số lượng ngày càng tăng của những tranh cãi không được giải quyết, hoặc giải quyết không thấu đáo giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp, có thể thấy vai trò mờ nhạt của hội vốn sinh ra với mục đích bảo vệ người tiêu dùng. Ở một số tỉnh, đến thời điểm tôi viết bài này, hội chưa từng nhận một đơn khiếu nại nào.

 

Có lẽ nhiều người chỉ biết đến Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) sau chuyện khảo sát nước mắm chứa arsen vừa qua. Trớ trêu thay, việc “xưng danh” đó đi kèm với tai tiếng, bởi những lùm xùm xung quanh động cơ và tính chân thực của khảo sát. Vụ việc khiến cả người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp, hai chủ thể về mặt nguyên tắc được Vinastas bảo hộ lợi ích chính đáng, có nhiều phản ứng tiêu cực.

 

Tôi cho rằng, với cơ chế hoạt động của hội như bây giờ, việc các hội tồn tại dật dờ, hay tệ hơn là tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực như sự cố arsen, là điều tất yếu.

 

Lý do trước hết, các hội được lập ra để bảo vệ lợi ích thành viên, nhưng thành viên hội bảo vệ người tiêu dùng ở nước ta phần lớn lại chưa phải là người tiêu dùng. Hội viên của Vinastas và hội cấp dưới đa phần là cán bộ nhà nước đương chức thuộc các ngành khác nhau, và lãnh đạo hiệp hội thường xuyên là công chức của các sở ngành thuộc chính quyền địa phương.

 

Hội địa phương hiếm có người chuyên trách, cán bộ Sở Công thương sẽ phải kiêm nhiệm luôn công việc của hội, và không được hưởng bất kỳ phụ cấp nào. Kể cả khi hội thực sự muốn trở nên hiệu quả hơn, các hội cũng “lực bất tòng tâm” bởi tổ chức có vài ba người kiêm nhiệm không thể giải quyết tất những vấn đề rất cụ thể của người tiêu dùng.

 

Tôi sẽ gọi đó là một hội bị “hành chính hóa” - một hội vốn sinh ra bởi một quyết định hành chính, lại không thể huy động nguồn lực từ đại chúng, và vì thế không phục vụ kịp lợi ích xã hội, nếu không muốn nói là đôi khi đi ngược lại điều đó.

 

Tiếc rằng cái tư duy nền tảng đã tạo ra Vinastas, cái tư duy đề cao những hội phải chịu sự quản lý trực tiếp của "cơ quan nào đó" vẫn tồn tại. Sẽ nhiều người bổ ngửa khi biết rằng trong những ngày mà xã hội đang rúng động vì dấu hiệu sai phạm tại Vinastas, thì ở Quốc hội, lại đang trình ra một dự án Luật về Hội. Nó đang được nhiều đại biểu quốc hội, các tổ chức khoa học và thậm chí thành viên chính phủ đề nghị hoãn thông qua.

 

Dự án luật này yêu cầu hội mới thành lập phải có lĩnh vực hoạt động chính “không trùng lắp với lĩnh vực hoạt động chính của hội đã được thành lập hợp pháp trước đó trong cùng phạm vi hoạt động”. Tức là có Vinastas rồi thì không được lập hội bảo vệ người tiêu dùng khác nữa. Và Vinastas sẽ “độc quyền” mảng bảo vệ người tiêu dùng mà họ đang làm... rất thị phi?

 

Nghĩa là dù muốn hay không, Vinastas và các hội địa phương là những đại diện duy nhất cho mỗi chúng ta, 90 triệu người tiêu dùng cả nước? Những lùm xùm ở Vinastas trong vụ nước mắm có arsen có thể quy về trách nhiệm cá nhân. Nhưng nó cũng có thể quy về trách nhiệm hệ thống.

 

Đang có ý kiến cho rằng nên đình chỉ hoạt động của Vinastas. Theo tôi, cùng với động thái quyết liệt ấy, thì cần nghĩ tới việc rằng sau Vinastas, cơ chế pháp lý nào khuyến khích các tổ chức khác, những tổ chức thực sự bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ doanh nghiệp, bảo vệ thành viên chứ không phục vụ “lợi ích nhóm”.

 

Nhiều khi để giải quyết những vấn đề phức tạp của xã hội chỉ cần một động tác rất đơn giản. Đó là để cho xã hội tự giải quyết bằng những công cụ tự nguyện của riêng nó. Còn tôi biết, giờ này, kể cả Vinastas có chịu sức ép ra sao, có bị đòi xử lý mức nào, thì ở nhiều địa phương, cánh cửa hội người tiêu dùng vẫn đóng kín trước những người đến “đánh trống kêu oan”. Đình chỉ Vinastas, nếu có, chỉ là phần ngọn của vấn đề.

NGUYỄN KHẮC GIANG

Top