Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,484,047 lượt

Dọn tổ cho "đại bàng"!

Tôi không phải chuyên gia, cũng không phải người hiểu biết nhiều về kinh tế, tôi chỉ từng làm một công nhân. Vài năm trước, khi còn là sinh viên, tôi và bạn bè thường tranh thủ kỳ nghỉ hè xin làm công nhân, kiếm thêm tiền đóng học phí đỡ đần ba mẹ. Nói thật là ba tháng hè trôi qua như ba thế kỷ...

Đó là nhà máy sản xuất đồ chơi trẻ em của một công ty Trung Quốc trong khu công nghiệp. Tôi được phân công lau đồ chơi, dùng một miếng vải nhỏ, thấm cồn, lau đi những chỗ sơn lem trên món đồ. Ngồi cả ngày trong nhà máy, cái nóng oi ả, tiếng ồn từ những động cơ, tiếng la hét của tổ trưởng hối thúc công nhân, mùi sơn, mùi nhựa xộc vào mũi rồi thông lên đến não, tôi rất mệt mỏi cả thể xác lẫn tinh thần. "Phải chấp nhận thôi, làm công nhân mà đòi hỏi gì, chẳng phải mẹ đã làm ở đây mấy năm trời rồi sao, chẳng lẽ đầu hàng", tôi tự nhủ. Thỉnh thoảng, tranh thủ đứng lên đi vệ sinh để thư giãn, nhưng cứ ra đến cửa khu vệ sinh tôi lại quay lại, vì chưa vào trong đã muốn nôn bởi cái mùi kinh khủng.

Bữa trưa, mỗi người được phát một phiếu để lấy cơm tại nhà ăn, nhưng đa phần mọi người đều đem theo cơm từ nhà. Cơm công ty nấu cho công nhân rất khó nuốt trôi. Hạt cơm khô, cứng. Cá thì rõ ràng là cá nhưng mùi vị không phải của cá. Canh chính xác là nước biển với vài cọng rau. Lâu lâu, tôi được phân công đi dọn rác. Công việc cực nhọc, nhưng vì ba triệu rưỡi tiền công mỗi tháng, tôi cắn răng chịu đựng. Số tiền khi đó rất lớn với tôi.

Tôi cố gắng mấy mùa hè trong công xưởng đó còn bởi nghĩ đến mẹ. Mẹ tôi là công nhân hơn tám năm ở đây. Bà hầu như trải qua hết các bộ phận, công đoạn sản xuất ở nhà máy này, từ lắp ráp, sơn, may, đứng máy ép nhựa. Trong đó, bộ phận sơn là độc hại nhất. Có lẽ bạn sẽ thắc mắc tại sao chúng tôi không lên tiếng về điều kiện làm việc qúa tệ hại ở đây? Mẹ tôi lý giải rằng, nếu mình nói ra, sự việc chưa chắc được giải quyết nhưng chắc chắn mình bị ấn tượng xấu với cấp quản lý, rồi sẽ bị điều đi chỗ này chỗ nọ, rất mệt. Cứ im lặng, yên ổn làm tới tháng nhận lương thôi.

Tôi không nói rằng tất cả các nhà máy sử dụng công nhân phổ thông ở Việt Nam, cả doanh nghiệp trong nước và FDI, đều có điều kiện sinh hoạt như công ty mẹ tôi đang làm. Có những công ty quan tâm tới môi trường và sức khỏe của công nhân hơn nhiều. Nhưng, mới đây thôi, hàng loạt công nhân bị ngộ độc thực phẩm, ngất xỉu, bị nợ lương, cắt lương, bị sa thải sai quy định.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết mỗi năm có 500 đến 700 người chết do tai nạn lao động. Tuy nhiên, đại diện cơ quan này cũng thừa nhận, trên thực tế tai nạn lao động có thể gấp nhiều lần con số này. Năm 2019, tỉnh Bình Dương xảy ra 845 vụ tai nạn, có 37 vụ nghiêm trọng làm chết 41 người, 113 trường hợp có tỷ lệ thương tật từ 31% đến 96%. Nguyên nhân chủ yếu là do môi trường làm việc thiếu an toàn lao động. Nhưng, trải nghiệm đời công nhân của tôi còn cho thấy, điều kiện lao động không thể hiện bằng con số người chết, bị thương, ngộ độc thực phẩm, mà nó âm thầm bào mòn sức khỏe của người làm thuê, mỗi ngày một chút.

Và tôi cũng mới thấy một số vị lãnh đạo ngành hay quản lý địa phương hồ hởi rằng, phải nhanh chóng dọn tổ cho đại bàng, đón làn sóng doanh nghiệp đầu tư sản xuất ở Việt Nam thời hậu Covid.

Việc khống chế Covid-19 thành công trở thành công cụ quảng bá cho Việt Nam trong thu hút đầu tư. Nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu đã đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch sản xuất của các công ty đa quốc gia. Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông Jacques Morriset, nhận định: "Covid-19 tạo ra một cơ hội đặc biệt cho Việt Nam". Cụ thể, sản xuất công nghiệp, ngành chế biến - chế tạo đang khởi sắc lại ở điều kiện bình thường mới. Kết quả điều tra với các doanh nghiệp công nghiệp chế biến - chế tạo cho thấy, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lạc quan nhất với 82,8% câu trả lời dự báo tình hình sản xuất kinh doanh cuối năm sẽ tốt hơn.

Riêng với tôi, sự khấp khởi về động lực tăng trưởng của nền kinh tế còn những lăn tăn không phải bởi Covid-19 và những biến số khó dự đoán, mà bởi ở trạng thái bình thường nào - mới hay cũ, chúng ta chưa có một môi trường tốt hơn cho tất cả mọi người lao động.

Điều gì giúp Việt Nam tăng điểm trong mắt nhà đầu tư nước ngoài? Tôi cho rằng một yếu tố quan trọng chính là thực tế đời sống công nhân Việt Nam. Trong số người khấp khởi vì có thể có làn sóng dịch chuyển nhà máy sang Việt Nam, có bao nhiêu người quan tâm đến vấn đề sinh hoạt, môi trường làm việc cho công nhân Việt Nam? Tôi mong các vị lãnh đạo địa phương đang chạy đua thu hút đầu tư nước ngoài một lần học theo cách của "Khang Hy vi hành", thử đi thăm, hỏi những công nhân bất kỳ xem người lao động mong muốn gì trong công cuộc "thu hút đại bàng" này không?

Mẹ tôi vẫn đang làm công nhân tại công ty sản xuất đồ chơi. Mỗi ngày đi làm bà đem theo hai chai nước, tôi hỏi mẹ đem theo làm gì, mẹ nói "họ khóa nước rồi nên đem đi để uống". Tôi nghe mà đau lòng. Nhiều lần tôi bảo mẹ nghỉ làm, nhưng bà không chịu. "Làm công nhân mà đòi hỏi gì", bà bảo.

Câu trả lời của mẹ làm tôi nhận ra hai vấn đề. Một là: tôi không thể áp đặt suy nghĩ của mình cho mẹ. Ai cũng có quyền được lao động, được công nhận giá trị của mình trong gia đình và ngoài cộng đồng, được tự chủ cuộc đời mình. Trong thước đo giá trị ấy, công nhân cũng ngang bằng với kỹ sư, giám đốc hay công chức. Hai là: không ít lao động như mẹ tôi và các bạn cùng chỗ làm của bà, họ đã quen đứng về phe yếu thế.

Khi còn những công xưởng như thế, thị trường lao động - nhiều người gọi to tát hơn là "lợi thế cạnh tranh quốc gia" của Việt Nam - liệu có thể tự hào?

LÊ THỊ LÝ

(Theo VNExpress)

Top