Vấn nạn cát cứ ngành, địa phương với những yếu kém, chồng chéo, mâu thuẫn trong quy hoạch đã trở thành nỗi ám ảnh nặng nề, ngáng trở sự phát triển, đang rất cần một “người hùng” dẹp loạn.
Khổ vì quy hoạch. Chẳng biết có từ khi nào, lời ta thán ấy ngày càng trở nên bức xúc, đè nặng lên cuộc sống của không ít người dân. Trong những khu quy hoạch “treo” (5 năm, 10 năm và lâu hơn nữa), người dân đã phải sống những cảnh đời tạm bợ, dở khóc dở cười với tình trạng đi cũng dở, ở không xong.
Vì tin vào quy hoạch và phải chấp hành quy hoạch, nông dân đã bao phen “lên bờ xuống ruộng” với mía đường, dứa, cà phê, tôm cá... Khi mùi hôi thối bủa vây cư dân khu vực Nam TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Trần Hồng Hà nói rằng cần phải suy nghĩ về tầm nhìn quy hoạch bởi “5 năm trước đó còn là vùng hoang sơ”.
Không chỉ người dân, nhiều nhà đầu tư cũng khổ sở, thiệt thòi khi quy hoạch thiếu đồng bộ, chồng chéo.
Hai ngày trước, báo cáo với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết các nhà đầu tư đã chi khoảng 2 tỉ USD để đầu tư hàng chục cảng container nước sâu ở Cái Mép - Thị Vải, tổng công suất thiết kế của các cảng ở đây lên tới gần 7 triệu TUEs/năm nhưng hiện tại chỉ mới khai thác chưa đầy 20% công suất, một số cảng container phải làm hàng rời. Nguyên nhân được xác định là do hệ thống cảng ở đây chưa có giao thông kết nối, thiếu tiền làm cầu, thiếu đường sắt nối Biên Hòa - Vũng Tàu.
Không tính toán, cân đối nguồn lực, biết bao nhiêu dự án vẽ ra để rồi cất ngăn tủ. Chỉ tính riêng số dự án thuộc loại ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng nằm trong các quy hoạch đã được phê duyệt giai đoạn 2011-2020, nhu cầu tổng vốn lên đến khoảng 390 tỉ USD, nhưng khả năng huy động trên thực tế lại rất mịt mùng.
Vài ví dụ như vậy chưa đủ để nói hết vấn đề của hàng chục nghìn quy hoạch khác nhau đang “băm vằm”, “xâu xé” khắp mọi nơi trên cơ thể đất nước mình. Trong giai đoạn 2011-2020, tổng số lượng các loại quy hoạch phải lập trong cả nước là trên 19.000. Mạnh ai nấy làm, thế nên mới nảy sinh phong trào cảng biển, sân bay, khu công nghiệp nở rộ ở khắp nơi.
Theo quy hoạch, đến năm 2020 cả nước có hơn 500 khu công nghiệp, 45 khu kinh tế, trên 1.500 cụm công nghiệp, hãy thử đếm xem bao nhiêu trong số đó đã được “lấp đầy”, bao nhiêu vẫn lay lắt, hoang vu.
Chính phủ đã thẳng thắn thừa nhận trong tờ trình dự án Luật quy hoạch là: “Quy hoạch được lập quá nhiều nhưng chất lượng quy hoạch thấp, quy hoạch không gắn với nhu cầu sử dụng cũng như nguồn lực thực hiện và thiếu tính khả thi gây lãng phí nguồn lực của đất nước. Quy hoạch thiếu gắn kết, không thống nhất và còn nhiều chồng chéo, mâu thuẫn làm giảm hiệu lực, hiệu quả của quy hoạch”.
Như vậy là đã rõ, quy hoạch của VN đã không thể đi trước một bước và tạo động lực cho sự phát triển, ngược lại còn tạo ra nhiều lực cản, gây khó khăn cho người dân.
Chúng ta trông đợi sự xuất hiện của một “người hùng” dẹp loạn quy hoạch. Liệu dự án Luật quy hoạch có đảm trách được nhiệm vụ này? Sứ mệnh đang được đặt lên vai Quốc hội.
LÊ KIÊN