Mitsuko là một phụ nữ Nhật truyền thống. Bà đã dành 20 năm son trẻ để ở nhà nuôi dạy con cái và làm nội trợ. Tôi hơi bất ngờ vì không thấy bà ở nhà chuẩn bị đón năm mới. Mitsuko có hẹn xuống Osaka cùng bạn, rồi mọi người sẽ cùng nhau đi về phía nam để tham quan và tắm onsen.
Có thể Mitsuko quyết định thay đổi năm nay, nhưng cũng có thể, dịp năm mới với nhiều người Nhật hiện nay không có gì khác hơn một kỳ nghỉ dài để thư giãn. Tết không còn màu sắc của một ngày lễ thiêng liêng như các quốc gia châu Á khác.
Hồi mới sang Nhật, tôi rất ngạc nhiên vì thấy họ đón năm mới nhẹ nhàng quá. Ngày kết thúc công việc hay ngày làm việc đầu tiên của năm mới ai nấy đều tỉnh rụi như chẳng hề có hội hè. Họ cũng không đặt nặng việc sửa soạn nấu nướng vì mọi thứ đều có thể đặt mua trên mạng. Siêu thị kinh doanh không nghỉ ngày nào, hàng hóa ăm ắp và giữ nguyên giá. Phố phường tĩnh lặng, không cảnh hối hả bon chen và nam phụ lão ấu hễ thu xếp được là xách vali đi du lịch nghỉ ngơi. Chỉ có duy nhất ngày đầu năm, nhiều gia đình vẫn đi tảo mộ, đi chùa cầu an hoặc dùng chung bữa, nửa ngày còn lại là đi shopping tranh thủ đợt sale lớn.
Nhưng ở lâu một chút, tôi lại thấy Tết Nhật “bằng phẳng” quá. Cũng có nhiều người già ở đây phàn nàn rằng Tết ở Nhật bây giờ phai nhạt hơn khi xưa rất nhiều bởi người Nhật hiện đại không thích những nghi lễ rườm rà nữa.
Liên hệ tới những cái Tết Việt, phố phường tắc nghẽn, hàng hóa đắt đỏ, người người nhọc nhằn vội vã ngược xuôi, ăn uống chúc tụng kéo dài… tôi bỗng mong người mình cũng đón Tết như người Nhật thì có phải đỡ tốn kém mệt mỏi biết bao.
Trước đây, khi còn son rỗi ở Việt Nam, mỗi dịp Tết về tôi lại trốn rịt trong nhà hoặc nhận đi trực ở cơ quan để trốn tránh điều theo tôi là “nhiêu khê ồn ào". Tới khi tôi xa nhà, ở cạnh những người Việt Nam xa quê, tôi mới thấu hiểu cảm giác thèm sum vầy bên gia đình của những kẻ tha hương. Cũng tới lúc này, khi có con, tôi mới hiểu những nỗ lực của cha mẹ và những người xung quanh khi năm nào cũng cố gắng gìn giữ những cái Tết thật nguyên bản cho con cháu. Không phải bố tôi không mệt mỏi vì dọn dẹp nhà cửa, xắn quần áo để cắt tiết gà, không phải mẹ tôi không tất bật vì ngày giáp tết có khi đi chợ 4-5 lần, tay xách nách mang và túi bụi nấu nướng, ninh hầm. Chỉ là nếp nghĩ cần giữ gìn văn hóa truyền thống - là trách nhiệm với tổ tiên và con cháu không cho phép bố mẹ tôi (hay như bao người Việt khác) ngừng lao động mệt nhọc.
Có nhiều khi, khi chơi vơi nghĩ tới việc nuôi dạy con nơi xứ người sao cho con tự tin và hòa nhập tốt, tôi vẫn nhận được lời khuyên của cả người Nhật lẫn người Việt: Hãy để con trước tiên là người có nền tảng văn hóa, là cái dây neo để con lớn lên và tự hào về đặc tính dân tộc của mình. Ấy là lúc tôi đồng cảm với nỗ lực của những người Việt xa xứ khác khi cố giữ gìn văn hóa truyền thống, cố xoay cho đủ mâm cơm ngày Tết. Cảm giác ở nhà, không khí Tết... tất cả những điều đó chỉ diễn ra trong khoảnh khắc ngắn ngủi, nhưng lại chuyên chở một điều duy nhất thiêng liêng là tâm thức người Việt, điều không thể thay đổi trong dòng máu Việt cho dù ở bất cứ nơi đâu.
Đã có nhiều tranh cãi về việc nên chăng người Việt chuyển qua đón Tết Dương lịch như người Nhật để tiết kiệm thời gian và chi phí cho xã hội, để gia tăng lợi ích kinh tế trong thế giới phẳng. Có lẽ bản chất chỉ nằm ở câu chuyện đón Tết sao cho bớt đi những thủ tục rườm rà và hạn chế tham nhũng thông qua biếu tặng, là cách người ta vận hành bộ máy cung ứng hàng hóa để việc mua sắm không bị ùn ứ và tăng giá bất thường trong dịp cuối năm. Nó cũng là câu hỏi đặt ra để người Việt tư duy lại cách nghĩ và làm việc chuyên nghiệp hơn để hội hè không ảnh hưởng tới năng suất làm việc, là việc phát triển các dịch vụ để giải phóng bớt sức lao động cho phụ nữ và tạo ra nhiều lựa chọn hơn cho người Việt trong những dịp lễ bận rộn. Tất nhiên, đó cũng có thể chỉ là cảm thán xuất phát từ ức chế dành cho giao thông. Ngày Tết bản thân nó không có lỗi.
Còn văn hóa cộng đồng, niềm vui sum vầy, những truyền thống... là tài sản quý giá nhất của một dân tộc, không nên đồng hóa nó với bất cứ nền văn hóa nào.
QUỲNH CHÂU