Cách đây chưa lâu, hàng vỉa hè trước cửa cơ quan chúng tôi, vẫn đang lát gạch tinh tươm, một hôm bị đào tung lên. Đường nước bị ảnh hưởng. Đường Internet bị cắt “để sửa chữa”. Một cơ quan báo chí không có Internet, tất nhiên công việc bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Cán bộ trong tòa soạn bức bối. Vỉa hè được đổ bê tông thay vì chỉ đổ cát như trước. Gạch lát vỉa hè được thay bằng đá cỡ 40x40. Nhưng người dân hai bên đường thì vẫn ngơ ngác. Tôi bèn đi tìm nguyên nhân.
Hoá ra việc lật vỉa hè lên để lát đá đã là một cuộc tranh luận kéo dài suốt 6 năm qua kể từ Đại lễ Nghìn năm Thăng Long. Năm ngoái, chủ tịch Nguyễn Đức Chung chỉ đạo quận Hoàn Kiếm (nơi cơ quan chúng tôi đặt trụ sở) phải “xây dựng một đề án tổng thể về việc chỉnh trang này và nhận được sự đồng thuận của người dân”.
Tôi không thể tìm được cái “đề án tổng thể” đó trên website của quận Hoàn Kiếm và cũng chưa nghĩ ra được một cách khả thi nào để biết rằng chuyện gì đang diễn ra.
Trở lại với hiện tại, ngày 15/8, một thông tin khiến "nhiều người giật mình" được Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung báo cáo với cử tri quận Hoàn Kiếm: chi phí cắt cỏ cho 24 km Đại lộ Thăng Long (cắt cỏ và một ít trúc anh đào, hoa dâm bụt) một năm là 53 tỷ đồng. Ông cũng tiết lộ rằng việc dừng cắt cỏ trên phần lớn địa bàn sẽ tiết kiệm được 700 tỷ mỗi năm.
700 tỷ cắt cỏ là ít hay là nhiều? Người dân sẽ không thể nào biết được, cho dù đúng ra tôi có quyền biết, đã có luật quy định rằng các doanh nghiệp nhà nước phải công bố báo cáo kinh doanh, tức là các “nhà thầu cắt cỏ” đã tiêu số tiền này như thế nào. Người dân sẽ chỉ biết hoang mang. Bởi vì tất cả những gì người dân biết, là từ khi nhậm chức, nhiều lần Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải nhắc đi nhắc lại cụm từ “tiết kiệm”. Ngân sách đang eo hẹp. Và 700 tỷ với người dân lúc nào cũng là một con số lớn.
Năm ngoái, trong chiến dịch phản đối việc chặt cây xanh ở Hà Nội, báo chí ồn ã chuyện “chi phí đánh mã số (quét sơn chữ X) để chặt hạ tiêu tốn 670 nghìn đồng/cây". Dư luận rất bức xúc. Nhiều tranh cãi. Nhưng là người dân tự tranh cãi với nhau là chính còn cái văn bản có tên “Đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị hai bên đường phố Hà Nội giai đoạn năm 2014-2015” không hề được các cấp chính quyền phổ biến chứ đừng nói xin ý kiến công chúng.
Vấn đề này được Thanh tra TP Hà Nội chỉ ra rằng khi thực hiện việc thay thế cây xanh, Sở Xây dựng đã không tranh thủ rộng rãi ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, cộng đồng dân cư nơi chịu tác động ảnh hưởng. “Công tác thông tin tuyên truyền không đầy đủ, rõ ràng dẫn đến báo chí và dư luận nhân dân hiểu lầm, bức xúc, hoang mang, lo lắng”, cơ quan Thanh tra kết luận.
Minh bạch là cụm từ được nhắc tới nhiều trong diễn ngôn của các nhà lãnh đạo cũng như trong những cuộc tranh luận trên diễn đàn mạng. Nhưng có vẻ như công khai để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra là một việc khó nhọc với hoạt động của các cơ quan công.
Nghị định 81/2015 yêu cầu doanh nghiệp nhà nước phải công bố rất nhiều loại thông tin từ tài chính, nhân sự đến kế hoạch kinh doanh. Sau gần một năm nghị định này có hiệu lực, thậm chí là nhiều ông lớn quốc doanh còn tỏ ra ngạc nhiên vì trên đời có quy định như vậy; và tất nhiên là còn rất nhiều doanh nghiệp chưa làm điều này.
Có thể chi phí cắt cỏ ở các đô thị cao thật. Nhưng giá như tôi biết nhà thầu của các dự án cắt cỏ, thay vỉa hè là ai; giá như nhà thầu ấy làm đúng nghị định 81, thì ít nhất tôi - một người dân còn có con số để tham khảo, để tin tưởng. Đằng này, tôi chỉ có một con số 700 tỷ chung chung.
Trước rất nhiều dự án lớn nhỏ, người dân bỗng rơi vào cảnh “không biết, không được bàn, không được làm và không được kiểm tra”. Luật đã quy định, lãnh đạo có chủ trương minh bạch, nhưng những cái website của công ty nhà nước, của cơ quan hành chính, vẫn sơ sài với những tin tức chung chung kiểu hội họp.
Điều gì đang khiến các cơ quan này “sợ” cung cấp thông tin đến vậy?
TRẦN ANH TÚ