Nghe tin sắp bỏ sổ hộ khẩu ai cũng mừng, nhưng thấy bảo "thu hồi sổ giấy" thì vẫn nhiều người lo ngại. Do sẽ có khó khăn, trục trặc trong sinh hoạt liên quan đủ thứ chuyện xảy ra hay chỉ là nỗi sợ cố hữu bản năng: tự nhiên cuốn sổ "thần thánh" giữ khư khư bao năm, nay biến mất?
Xưa bạn bè gặp nhau mà ai nhăn nhó thì bạn hỏi thăm:"Sao trông như… mất hộ khẩu thế kia?".
Tôi trở thành "dân Sài Gòn" vào những năm 1980, khi đất nước khó khăn chất chồng và đang tìm đường đổi mới.
Gia đình chia đôi, tôi với đứa con út 6 tuổi vào Sài Gòn, còn chồng và đứa lớn ở lại Hà Nội. Và tất nhiên làm việc ở Sài Gòn, tôi phải lo chạy trường cho con bạc cả mặt vì hộ khẩu của tôi vẫn ở thủ đô. Cơ quan giúp cho tôi vào hộ khẩu, nhưng nhà ở chưa có, tôi phải ở nhờ nhà bà con, nên không có nơi để nhập vào. Đó là chuyện nan giải, vì ai dám cho nhập vào nhà mình dù thương cách mấy. Vì đã có bao chuyện ngoài xã hội, hễ có tên trong hộ khẩu thì có khi... chiếm cả nhà của người ta (!). Cuối cùng, cơ quan thương cán bộ nên lách bằng cách cho "nhập khống" vào nhà tập thể, khi nào có nơi ở thì sẽ tách ra. Nhưng muốn nhập thì phải ra Hà Nội cắt hộ khẩu cũ đem vào.
Một rắc rối to hơn xuất hiện: ông xã không cho, giữ chặt sổ hộ khẩu. Ông có lý vì biết tôi cả đời ngu ngơ, cái gì liên quan đến thủ tục hành chính là tôi trốn mất, buộc ông phải làm. Chồng thương xót vợ, hi vọng tôi vì khó khăn quá phải ôm con lộn trở ra, đoàn tụ gia đình. Ông không tin bà vợ lơ ngơ có thể tồn tại được ở nơi xa, nếu không có hộ khẩu. Đó là "kỷ niệm rắc rối" đã quên đi sau gần 40 năm.
Dù chưa phải chuyện "trần ai điển hình" về hộ khẩu nhưng nay buộc phải nhớ lại khi nghe sắp bỏ sổ hộ khẩu giấy để tiến lên quản trị số hóa. Tôi còn hớn hở khi nghe tin nước ta đã hoàn thành dữ liệu lớn về bảo hiểm y tế toàn dân.
Một hôm đi khám bệnh về, tôi viết trên Facebook thế này: "Chắc đến bệnh viện là họ tra ra mình ngay và bảo 'đúng rồi bác có đây rồi, mời bác vô khám bệnh'. Sắp chấm dứt cảnh ôm giấy xét nghiệm (xòe ra như bộ bài tây) chạy lung tung nhưng phải bỏ tiền cao vì 'ở đây khác tuyến bảo hiểm y tế bác ơi'!". Bạn bè bình luận ầm ầm. Nào là không phân tuyến thì bệnh viện nào chịu nổi. Nào là big data (dữ liệu lớn) còn phải có "người lớn" biết dùng nó nữa... Nhưng thôi, cứ vui đi đã, chắc chắn tốt hơn, dân đỡ khổ hơn.
Không còn ôm khư khư cái sổ hộ khẩu với đống giấy tờ chạy tới chạy lui kêu thiếu cái này, sót cái nọ. Nghe nói xứ Israel người ta đã bỏ được 80% giấy tờ nhờ số hóa cả rồi. Nước ta cũng tiến tới trình độ số hóa sẽ mang lại bao nhiêu là lợi ích. Thí dụ một người bệnh ngã giữa đường là người ta biết ông, bà này ở đâu, nhóm máu gì, bao nhiêu tuổi...
Thôi thì cứ mừng cái đã, dù biết là còn phải nhiều khâu hoàn chỉnh, các luật lệ liên quan, cùng lối sống con người. Và biết rằng thời đại số không chỉ là công nghệ mà còn chính là vấn đề văn hóa.
NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI (Theo Tuổi trẻ)