Đơn vị đồng hành
Truy cập: 10,950,509 lượt

Phạt nóng và phạt nguội

“Tại sao cảnh sát giao thông đứng trên hè mà anh không chạy luôn?” - tôi hỏi người tài xế.

 

Trước mặt chúng tôi là một chiếc xe vượt đèn đỏ vừa bị cảnh sát giao thông dừng xe. Theo phản xạ của một người tham gia giao thông ở Hà Nội, tôi vô thức ước lượng và nhìn thấy “cơ hội” phóng xe đi thẳng của tài xế đó. CSGT không quyết liệt lao ra chặn đầu xe.

 

Tài xế taxi nhìn tôi và cười: “Tài xế ở Đà Nẵng không chống cảnh sát đâu”. Bởi ngoài việc bị xử lý theo luật thì còn cái "án" tịch thu xe treo lơ lửng.

 

Ở Đà Nẵng, không phải ai cũng chấp hành luật lệ giao thông cẩn mật. Nhưng tôi nhận ra có một điểm khác biệt là trong đầu cánh tài xế có ý thức rất rõ về những án “phạt nguội” họ có thể gánh.

 

Ở đó, tôi chứng kiến nhiều lần, dưới nắng mưa tầm tã, những hàng xe kiên nhẫn chờ tín hiệu hoặc chờ nhau để đi. Mấy bác tài chở tôi đi giải thích: Ở mỗi ngã ba, ngã tư lớn không có CSGT nhưng đều có camera an ninh. "Vượt đèn đỏ coi như ăn phạt". Nhưng có những ngã ba, ngã tư làm gì có camera an ninh? À, chúng tôi tự giác thôi, bác tài lại cười.

 

Những chiếc camera an ninh dày đặc ở Đà Nẵng dường như củng cố thêm nhiều quyền lực cho luật giao thông. Giống hầu hết các cơ chế giám sát khác, về mặt hình thức nó sinh ra để xử lý sai phạm, nhưng về mặt bản chất, những con mắt vô hình trở thành thứ ngăn chặn mong muốn sai phạm từ đầu.

 

Và tất nhiên, với nếu cơ chế đó hoạt động tốt, người cảnh sát không cần liều mình lao ra trước đầu mỗi chiếc xe đang chạy để “phạt nóng”.

 

Cách đây hơn một tuần, một CSGT Hà Tĩnh bám vào gương chiếu trước đầu xe container bỏ chạy, đã bị hất văng xuống đường, đập đầu xuống dải phân cách. Anh nhập viện với tổn thương trên não, bị đa chấn thương, tụ máu não và tổn thương ở cẳng chân.

 

Mới đây, tài xế xe tải cán chết một thiếu tá CSGT ở Đồng Nai cũng bị Tòa án tuyên phạt 6 năm tù giam vì tội "Chống người thi hành công vụ". Đầu tháng 5/2017, một CSGT ở Huế cũng bị một thanh niên đi xe máy đâm tử vong.

 

Hành vi của những lái xe đó bị lên án. Nhưng trong sự chia sẻ với các cảnh sát, có một câu hỏi xuất hiện: Tại sao họ phải liều lĩnh như vậy để “phạt nóng” các tài xế khi mà một cơ chế “phạt nguội” hoàn toàn có thể được xây dựng? Đơn giản nhất, là việc báo bằng bộ đàm cho các chốt sau để phối hợp dừng xe. Thêm nữa, công an là đơn vị cấp biển số xe, giấy tờ xe… thì với những trường hợp này, người cảnh sát đó có thể ghi lại biển số xe và tiến hành phạt nguội. Không đủ camera an ninh, thì mỗi chốt cảnh sát có thể trở thành một điểm ghi hình.

 

Đó là một sự liều lĩnh bất hợp lý. Thậm chí, không ít lần tôi chứng kiến việc lao ra chặn xe ôtô của cảnh sát khiến nhiều người ở các làn trong giật mình, giảm tốc đột ngột. Sự nguy hiểm đến cho cả người cảnh sát lẫn giao thông chung.

 

“Phạt nóng” dường như còn phủ định khả năng giám sát của pháp luật. Trong đầu các tài xế, hình thành một tư duy là nếu thoát được tình huống “phạt nóng” này, thì tức là họ sẽ thoát luôn. Họ trở nên liều lĩnh hơn. Và cuối cùng, thì hai sự liều lĩnh cộng hưởng lại, leo thang khiến cho công việc của các cảnh sát trở nên nguy hiểm tới mức như đã thấy.

 

Tại hầu hết các quốc gia phát triển, những màn rượt đuổi như phim trinh thám chỉ xuất hiện khi lái xe có dấu hiệu vi phạm hình sự như ma túy, buôn người, giết người… chứ không phải đuổi bắt nhau đến nguy hiểm tính mạng vì vi phạm hành chính như ở nước ta.

 

Nói đi cũng phải nói lại, ở một đất nước mà việc mua bán phương tiện vẫn còn nhiều trường hợp kiểu "sang tay", "giấy tay" thì việc phạt nguội theo camera chưa thể hiệu quả. Cụ thể, theo số liệu của Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, có tới 40% số thông báo vi phạm không xác định được hoặc không tìm thấy địa chỉ. Mà trong số 60% thông báo đến được tay người nhận kia thì có khoảng 20% chủ phương tiện không buồn đến làm thủ tục nộp phạt.

 

Nhưng đó không đủ là lý do để tiếp tục duy trì kiểu lấy thân mình chặn xe như hiện nay. “Phạt nóng” cũng không hiệu quả hơn bao nhiêu, khi nó chỉ mang tính tình huống. Và tương lai mà chúng ta cần hướng tới, như bất kỳ lĩnh vực nào, phải là một cơ chế giám sát liên tục chứ không phải đảm bảo an toàn theo tình huống. Tức là “phạt nguội”, dù có khó khăn, phải được thiết kế, bổ sung cho hoàn chỉnh.

 

Và cuối cùng, sự liều lĩnh đó phi lý bởi: Nhiệm vụ chính của CSGT là đảm bảo ATGT, chứ không phải phạt, dù là phạt nóng hay phạt nguội đi chăng nữa.

 

Cái cách mà chúng ta chưa quyết tâm với “phạt nguội” và vẫn đang quay quắt trong những pha “phạt nóng” kịch tính khắp mọi miền đất nước, lại khiến tôi nhớ đến câu hỏi của thứ trưởng công an Lê Thế Tiệm nhiều năm trước.

 

“Không hiểu ngoài đường có cái gì mà ai cũng xung phong ra đứng đường?”.

TRẦN ANH TÚ

Top