Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,433,237 lượt

Bút phê

Giữa năm 2016, Trần Thị Thành cầm tấm bằng cao đẳng sư phạm khăn gói xa quê làm giáo viên hợp đồng ở Sài Gòn.

 

Xuất thân từ một gia đình thuần nông ở làng quê nghèo Sơn Mỹ, cô gái tưởng chừng đã có một tương lai xán lạn hơn, thoát cảnh chân lấm tay bùn. Bức tranh tươi sáng ấy bỗng dưng tối sầm lại. Cuối năm đó, ông Huyên, cha cô đến UBND xã Tịnh Khê để lấy chứng nhận giấy sơ yếu lí lịch cho con kịp bổ sung hồ sơ làm hợp đồng mới, sau khi kết thúc hợp đồng 6 tháng.

 

Người cha hụt hẫng khi cán bộ xã phê vào đó dòng chữ "không chấp hành tốt chủ trương của địa phương". Đến ngày thứ hai, ông tiếp tục lên xã với hy vọng cán bộ địa phương sẽ nghĩ lại, nhưng đáp lại vẫn là dòng chữ lạnh lùng: "Chưa chấp hành tốt chủ trương của địa phương".

 

Ông Huyên, một thương binh 3/4, không thể ngờ rằng, chuyện ông vướng mắc với xã trong vấn đề bồi thường đất đai lại ảnh hưởng đến tương lai của con gái ông. Bắt đầu từ vụ “bút phê” vào lý lịch xin việc ở Nam Sách, Hải Dương, báo chí tiếp tục nêu nhiều trường hợp sinh viên ra trường tìm việc làm bị lãnh đạo bút phê xấu vào lý lịch. Và có lẽ những trường hợp được báo nêu chỉ là bề nổi.

 

Ở các vùng thôn quê, không hiếm trường hợp các thanh niên bị gây khó khăn khi cần giấy sơ yếu lí lịch vì: cha mẹ nợ thuế, không chấp thuận bồi thường đất đai hay không đóng góp một khoản tiền nào đó.

 

Những sinh viên ra đời với bàn tay trắng, bị bôi một dấu đen từ cơ quan công quyền. Họ rõ ràng chỉ có thể chịu trách nhiệm về các việc làm của bản thân; không thể chịu trách nhiệm vì "gia đình chưa chấp hành tốt chủ trương của địa phương" - nếu có. Cánh cửa vào đời của họ vốn đã hẹp, sau những "bút phê" ấy càng thêm khép chặt.

 

Những câu chuyện về “bút phê” xuất hiện trên mặt báo gần đây không chỉ khiến người ta thương xót cho những cô cậu thanh niên thấp cổ bé họng. Rất dễ nhận ra rằng nếu có thể tùy tiện “bút phê” vào một hồ sơ những dòng đầy cảm tính để khép cánh cửa của người này, thì người ta cũng hoàn toàn có thể làm ngược lại, để mở ra cánh cửa cho người khác.

 

Bút phê của lãnh đạo còn có thể là biểu hiện chủ nghĩa thân hữu, khi người được nhận việc là "con ông cháu cha", hay đơn giản là đã “chấp hành tốt” những đòi hỏi của người được quyền bút phê.

 

Ở nhiều nơi, người ta đã công khai bày tỏ nghi ngờ: trên hồ sơ bổ nhiệm của Trịnh Xuân Thanh có gì? Mà bây giờ nó lại phải chịu cảnh... thất lạc?

 

Trong một xã hội mà chủ nghĩa lý lịch vẫn tồn tại dưới nhiều dạng, thì một cái vết trong hồ sơ có thể bóp méo cuộc đời con người. Theo hướng tích cực phi lý, hoặc tiêu cực phi lý.

 

"Nó mất việc rồi. Tội lắm cháu ơi", ông Huyên chua chát nói. Ông bảo, báo chí phải nói lên câu chuyện này không chỉ cho con gái ông mà để không làm ảnh hưởng đến con em của những gia đình khác ở Quảng Ngãi và cả nước.

 

Trong lúc chờ lãnh đạo địa phương "nghĩ lại", Thành, con gái ông vẫn lang bạt ở Sài Gòn, nhưng không được làm giáo viên như ba mẹ cô hằng mong ước. Cô gái 26 tuổi ấy suốt nửa năm qua mưu sinh bằng cách bán quần áo thuê với đồng lương 3-4 triệu/ tháng, không bảo hiểm, không hợp đồng và tương lai không thấy gì sáng sủa.

 

Tôi tự hỏi khi bút phê vào sơ yếu lí lịch của Thành, cán bộ địa phương có đang ý thức mình sắp đày đọa một con người. Hay ông Huyên sẽ phải ngửa mặt lên trời mà than rằng giá như mình chưa từng "ý kiến" với lãnh đạo địa phương. Hoặc trong lúc lang bạt ở Sài Gòn, con gái ông phải thầm ước rằng mình sinh ra trong gia đình khác?

PHẠM LINH

Top