Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,472,368 lượt

Rượu và phẩm giá

Chuyện điều động giáo viên đi tiếp khách ở Hà Tĩnh khiến dư luận chú ý suốt hơn một tuần qua và được đem ra chất vấn ở cả nghị trường Quốc hội. Tôi thấy dường như có ba luồng quan điểm chính. Nhiều người bất bình khi các cô giáo bị điều động thực hiện một nhiệm vụ không phù hợp, ngoài chuyên môn. Một số coi đây là việc bình thường, không cần làm lớn chuyện. Còn một nhóm khác mà ý kiến của họ khiến tôi lưu tâm hơn cả: họ hiểu đây là chuyện không hay nhưng không thể làm khác bởi tiệc tùng đã trở thành một phần công việc.

 

Sự việc lần này khiến xã hội bức xúc hơn vì nó liên quan tới phụ nữ và nhất là hình ảnh người giáo viên. Song nếu không xét tới giới tính, nghề nghiệp thì nhìn rộng ra đây chỉ là một góc của bức tranh buồn về tệ nạn ăn nhậu. Nhiều người hẳn đã quen với những cuộc họp hành, liên hoan đi kèm với những bữa rượu thịt mà cả chủ và khách đều chuốc nhau đến say mèm.

 

Là một giảng viên, tôi rất thường xuyên phải từ chối những bữa cơm rượu khi đi dạy học ở tỉnh. Nhưng bạn tôi, trong giới doanh nghiệp, thì không có nhiều lựa chọn như thế. Cậu này là người Việt, làm việc trong một công ty lớn của nước ngoài. Nhưng công ty này biết nhập gia tùy tục, thường xuyên tổ chức các bữa tiệc đón tiếp quan chức các ngành. Những bữa ăn hàng chục triệu đồng thừa mứa; những lời chúc nhạt thếch hoặc những lời đùa thô tục… là những thứ mà bạn tôi nói “chán ngấy nhưng diễn ra một tuần vài ba bận”. Thỉnh thoảng, tôi lại bắt gặp một số cô bạn, đăng trên mạng xã hội hình ảnh selfie khuôn mặt ủ rũ của mình bên mâm cơm nguội ngắt. Chú thích thường thấy nhất cho các bức ảnh là “chồng đi tiếp khách” rồi họ tự an ủi mình “lấy chồng làm kinh doanh, đành chịu”. Tôi tự hiểu rằng, văn hóa nhậu, đưa công việc đến tiệc nhậu đã trở nên quá phổ biến đến mức được chấp nhận rộng rãi từ trong gia đình đến ngoài xã hội.

 

Trong kinh doanh, tạo sự thân thiện, cởi mở là điều nên làm. Khi cởi mở người ta sẽ hiểu nhau hơn, sẽ dễ làm việc hơn. Nhưng liệu có nhất thiết phải “cởi mở” bằng những bữa tiệc rượu túy lúy đến mất hết cả sắc diện lẫn thể diện.

 

Người phương Tây, nhất là thanh niên cũng hút thuốc và uống rượu khá nhiều. Nhưng với họ uống là uống, làm là làm. Rượu không phải là điều kiện giao tiếp và bàn nhậu không phải là nơi thể hiện bản lĩnh hay mặc cả công việc. Tôi thích những bữa tiệc nhẹ để chúc mừng thành công của hội thảo hay dự án của họ. Họ có uống, song chỉ là một ly nhẹ nhàng và ai không uống được thì cũng không bị ép. Đó là cách dùng rượu để nâng người ta lên chứ không hạ người ta xuống.

 

Tôi tin rằng rượu tồn tại như một thứ tất yếu, không phải thế thì làm sao rượu có mặt ở mọi nơi trên thế giới với đủ loại, đủ hương vị. Chưa có một đạo luật nào từng cấm rượu thành công. Nhưng có một khoảng cách xa giữa những người biết thưởng thức và những người nghiện; giữa những người biết dùng rượu để nâng cao phẩm giá của mình và những người đánh mất phẩm giá của mình vì nó; giữa những người có tất cả sự thông tuệ sau chén rượu và những người dùng chén rượu để che đi sự rỗng tuếch.

 

Tôi biết rất nhiều doanh nhân đã thành công mà không cần những hợp đồng ký trên bàn tiệc. Và tôi cũng gặp rất nhiều người vốn chững chạc, đàng hoàng sau một cuộc rượu bỗng lao vào ẩu đả nhau, buông ra những lời xấu xí. Khi tỉnh lại, họ đổ thừa: "Đó là rượu nói". Cách nói quen thuộc ấy như một lời thanh minh để rồi lại bắt đầu cho một cuộc rượu khác.

 

Cho nên, bênh vực các cô giáo ở Hà Tĩnh là điều nên làm, nhưng căn cốt nhất phải tấn công vào cái thói quen coi tiệc tùng, ăn nhậu là một phần công việc.

KHƯƠNG DUY

Top