Đơn vị đồng hành
Truy cập: 10,950,714 lượt

Những cuộc thi có ảnh hưởng tới sáng tác văn học?

Các cuộc thi luôn là cơ hội để những người viết văn thể hiện năng lực của mình thông qua những sáng tác mới nhất, chất chứa, ấp ủ những ý tưởng sáng tạo. Đồng thời việc xuất hiện những tác phẩm dự thi với cái đích hướng đến là giải thưởng cao quý cũng là động lực thúc đẩy sáng tạo.

 

Bên cạnh các cuộc thi trên Tuần báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam, Tạp chí Văn nghê Quân đội, các báo, tạp chí địa phương, những năm gần đây đã xuất hiện thêm các cuộc thi mở rộng, thu hút các cây bút trong khu vực. Trong đó phải kể đến như Cuộc thi viết truyện ngắn trên Tạp chí Văn nghệ ba tỉnh Yên Bái - Phú Thọ - Lào Cai (2016-2018), hay Cuộc thi thơ, truyện ngắn mang tên “Những làn gió Tây Bắc” do Báo Văn nghệ Hòa Bình phối hợp với Báo Văn nghệ tổ chức diễn ra trong 2 năm 2017 và 2018…

 

Trong lời phát biểu của mình tại lễ trao giải Cuộc thi truyện ngắn báo Văn Nghệ 2011-2013, nhà văn Lê Thanh Kỳ, người đạt giải nhất đã viết: “Khi đến với nghề viết, nhiều nhà văn khuyên tôi: Đừng bao giờ mơ đến báo Văn nghệ, khó lắm. Nhưng thách thức ấy càng khiến những người mới bước vào nghề như tôi thêm quyết tâm. Đến với một cuộc thi, ai cũng muốn đoạt giải, nhưng không nên trông đợi quá vào giải thưởng. Đằng sau giải thưởng là một áp lực vô hình”. Phải chăng, thách thức và quyết tâm chính là động lực để ông cầm bút.

 

Nhưng có lẽ, không phải bao giờ các cuộc thi cũng là dịp để người viết tự ý thức được phải nâng tầm ngòi bút và phát huy những điểm mạnh. Sự xuất hiện giải thưởng, danh hiệu thôi thúc họ tham dự bằng sự nóng vội, háo hức. Từ đó những lệ hụy xoay quanh giải thưởng dẫn đến vài rắc rối sau này như những nghi án “đạo văn” để nâng tầm tác phẩm hay mối quan hệ với người chấm giải, cơ cấu…

 

Bên cạnh đó, còn phải kể đến sự lạnh nhạt của nhiều cây bút với cuộc thi. Câu nói của nhà văn Lê Thanh Kỳ là một ví dụ khi nhiều người viết khuyên ông “Đừng bao giờ mơ đến báo Văn nghệ, khó lắm”. Cái “khó” ấy là hố sâu ngăn cách người viết phong trào đến với sáng tạo chuyên nghiệp, họ không đủ kiên trì, dũng cảm để bắt đầu từ con số không, để “theo học”nghề viết nhưng lại muốn sớm đạt được giải thưởng. Sự mâu thuẫn đó dẫn đến thái độ dửng dưng không hề quan tâm đến sáng tác của các ban văn khác. Nếu sáng tác của mình được lọt vào vòng dự thi, họ cũng chỉ đoc nguyên tác phẩm của mình thay vì sự học hỏi, sáng tạo.

 

Cái đích của các cuộc thi không chỉ nằm ở việc tìm ra người đạt giải thường mà nằm ở sự khích lệ khí thế sáng tạo và vun đắp các tài năng. Giải thưởng văn học cũng luôn tôn vinh những đổi mới, những phát hiện và ý tưởng mới về nhân sinh. Nhà văn luôn là người mở rộng đối tượng nghiên cứu, phá vỡ những giới hạn của lí thuyết văn chương, buộc các nhà nghiên cứu phải bổ sung hay thiết lập lại những đúc kết của mình bấy lâu nay. Tuy nhiên, điều đó còn phụ thuộc vào tài năng, tầm tư tưởng của người viết, vào mục đích cao cả của sáng tạo.

 

Trong diễn từ nhận nhận giải gửi đến Ban tổ chức của mình, nhạc sĩ Bob Dylan viết: “Chưa lần nào tôi dành thời gian để hỏi bản thân mình: các ca khúc của mình có phải là văn chương?”. Suy nghĩ đó đã giúp ông hướng đến những giá trị cao đẹp mà không bị ám ảnh bởi những “cạm bẫy” danh hiệu.

 

Các cuộc thi sáng tác văn học đang hướng đến việc mở rộng đối tượng trong khu vực (trong phạm vi tỉnh, trong phạm vi giới cầm bút, trong phạm vi những người cầm bút quen thuộc) để hướng đến những tên tuổi mới, khám phá mới, phát hiện mới.

 

Các cuộc thi cũng đã giúp thêm cho những người cầm bút không “ngủ quên”, giúp cho những người chưa đủ tự tin dám dũng cảm cầm bút và bước vào nghề viết. Có lẽ, đó chính là mục tiêu lớn nhất của những nhà tổ chức, của sáng tạo mà bản thân mỗi người tham dự đều phải ý thức được trách nhiệm của mình. Bởi lẽ, viết chính là sự khẳng định tên tuổi nhưng cũng là cách nhận thức được khả năng và hướng đi trên hành trình sáng tạo của mình.

LÂM VIỆT

Top