Tôi là giáo viên. Như một thói quen nghề nghiệp, tôi thường quan sát mọi hành vi của học trò cũng như các sinh hoạt trường học ở bất cứ đâu tôi có dịp tiếp xúc. Cách đây hơn 10 năm, khi sang Nhật du học, tôi khá ngạc nhiên khi thấy các ngôi trường ở đất nước phát triển này có rất ít lao công. Công việc dọn dẹp vệ sinh trường lớp được giao cho học sinh. Các trường học ở đây dành ra một khoảng thời gian nhất định gọi là “soji no jikan” để học sinh làm sạch môi trường học tập của mình.
Quét cầu thang, lau sàn lớp, lau cửa sổ, cọ rửa nhà vệ sinh… Tất cả những việc này đều được các em từ lớp bé đến lớp lớn thực hiện với tinh thần tự giác và trách nhiệm cao. Đặc biệt, không khí của những giờ “soji no jikan” thường rất sôi nổi. Ở Việt Nam, không biết từ bao giờ, công việc trực nhật quen thuộc của học sinh được bàn giao hết cho lao công. Thời tôi đi học, những năm 1980, hình ảnh đứa trẻ tay cắp cặp, tay cầm chổi đến trường không hề xa lạ.
Tôi nhớ ngày đó cứ đến phiên mình trực nhật là phải dặn mẹ đánh thức dậy thật sớm, có mặt trước tất cả bạn bè để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ trước khi buổi học bắt đầu. Vì phải luân phiên trực nhật nên trong các buổi học, chúng tôi rất có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường. Khi trở thành giáo viên, tôi cũng từng có lần phải bỏ hai tiết dạy của mình để cùng học sinh tổng vệ sinh khi không thể chịu nổi sàn nhà cáu đen cùng bốn góc lớp bốc đủ thứ mùi và các khung cửa sổ phủ bụi. Nhưng sau hôm đó tôi gặp phải sự phản đối của một phụ huynh. Họ không muốn con mình phải lao động như vậy, đặc biệt là khi nhà trường đã có đội ngũ lao công riêng.
Tôi tự hỏi, học sinh của tôi, liệu có phải với suy nghĩ “đã có lao công” nên cứ hồn nhiên xả rác? Từ môi trường nhỏ là lớp học đến môi trường lớn là cuộc sống, khoảng cách không xa. Nếu không tập cho các em thói quen giữ sạch không gian nơi mình đứng, mình ngồi, khó có thể hy vọng các em biết tự giác giữ gìn môi trường ở phạm vi rộng lớn hơn.
Cuộc sống hiện đại hơn, đầy đủ hơn cho phép con người được giải thoát khỏi nhiều công việc tay chân nhưng đồng thời cũng làm trẻ mất cơ hội để rèn luyện, để nhận thức và trưởng thành. Tôi không biết việc giảm bớt những việc nhỏ nhặt này là sự miễn trừ trách nhiệm cho trẻ hay lại là sự tước mất những giờ học kỹ năng sống theo cách bổ ích nhất.
Ngày mai lên lớp, tôi sẽ lại quan sát và nếu phát hiện rất nhiều rác trong ngăn bàn và dưới sàn lớp, tôi sẽ lại yêu cầu học sinh tự thu dọn. Tôi hiểu là tôi có thể đối mặt với chỉ trích của phụ huynh. Nhưng tôi sẽ kiên trì, bởi đó là cách thiết thực nhất mà tôi - một người dạy học - có thể chỉ cho các em về giá trị của lao động và ý thức bảo vệ môi trường.
Đỗ Sông Hương