Chúng tôi nhìn thấy Angus Watson lần đầu tiên trong một quán trà nhỏ ở trước cửa chợ Yuzana, Yangon. Ngồi bàn bên cạnh, chàng trai có khuôn mặt thư sinh chăm chú đọc một quyển sách dạy tiếng Myanmar cho người nói tiếng Anh. Nửa tiếng sau chúng tôi gặp lại nhau ở một hội nghị nhỏ. Angus hoá ra cũng là đồng nghiệp. Anh đã gắn bó với đất nước này mấy năm, làm việc cho một đài truyền hình địa phương nghèo lắm. Thậm chí trường quay của cái đài ấy còn không có máy quay, dùng webcam để tường thuật bản tin.
Chàng trai 24 tuổi chỉ muốn ở đây để đóng góp cho sự chuyển mình của đất nước này. Anh có mặt ở những vùng xung đột vũ trang biên giới phía Bắc, viết về những nhóm dân tộc thiểu số đang kiệt cùng trong đói rét; anh lang thang ở những vùng quê và nói về sự quan liêu của bộ máy chính quyền cũ; anh điểm danh những nhóm lợi ích kinh tế chi phối cuộc mở cửa kinh tế của Myanmar; những phóng sự nêu ra sự bức thiết của một cuộc cải cách thực sự.
Chúng tôi cùng thích bóng đá, kéo nhau ra một góc trò chuyện, còn chụp ảnh lưu niệm cùng. Mà tôi không biết rằng, Angus chỉ còn được ở Myanmar vài tiếng đồng hồ nữa. Đứng với chúng tôi được khoảng một tiếng đồng hồ thì Angus Watson lên đồn cảnh sát. Sáng hôm sau, tôi mở báo ra xem, mới biết anh đã bị trục xuất khỏi Myanmar. Cảnh sát Yangon cáo buộc anh tham gia biểu tình. Báo giới Australia quê hương anh và các tổ chức quốc tế rất bất bình về sự kiện ấy. Anh chỉ đi chụp ảnh, viết bài.
Có thể Angus cũng đoán được cái kết cục ấy từ hôm trước. Nhưng tôi sẽ nhớ như in hình ảnh anh vẫn ngồi đấy, trong một ngõ chợ lầy lội ở Yangon, ngồi chăm chú học tiếng Myanmar như sẽ gắn bó với mảnh đất này còn lâu nữa. Tôi đã gặp một vài người như Watson - người từ bỏ một vị trí văn phòng nào đó tại Australia để đến đất nước nóng bức và đầy biến động này và trở thành một phần của cuộc đấu tranh. Họ là những người có trình độ, đến từ những quốc gia giàu có, và sẽ an nhiên sống trong xã hội của mình nếu như không bao đồng quá.
Lịch sử Việt Nam cũng đã quen thuộc với những con người như thế, ở Mỹ, ở Pháp hay ở Liên Xô. Người ta có thể cảm mến một đất nước vì phong cảnh, vì văn hóa, vì tình cảm đôi lứa. Và tôi biết có những người, song hành cùng một đất nước chỉ vì hành trình đi tìm sự công bằng.
Quay trở lại với những điều đang diễn ra tại biển Đông, sau những diễn biến mới nhất từ vụ kiện của Philippines tại Toà Trọng tài thường trực, sau khi Đường chín đoạn của Trung Quốc được khẳng định là một tuyên bố phi lý, tôi nghĩ đến cái gọi là “cộng đồng quốc tế”.
Các quốc gia có những ràng buộc lợi ích phức tạp, đặc biệt khi ở đây chủ thể là một nước lớn được gọi là "công xưởng của thế giới". Nhưng “quốc tế” không chỉ bao gồm các chính trị gia mới phát ngôn hai ngày qua. Nó còn bao gồm những con người căm ghét sự bất công dù ở vị trí nào, quốc gia nào - có liên quan lợi ích hay không. Bởi có những cách hành xử độc đoán, bá quyền người ta hiểu rằng để nó lộng hành, thì cho dù hôm nay chưa chạm tới lợi ích của mình, ngày mai có thể sẽ phát triển thứ chủ nghĩa toàn cầu đe dọa tương lai của tất cả.
Xung quanh tôi, nhiều người trẻ kiên định với việc đi thuyết phục bạn bè quốc tế bằng sức lực mình. Nhiều người hẳn vẫn nhớ cách đây đúng một năm, ngày 16/7/2015, Google đã bỏ chữ “Nansha” (Nam Sa) ra khỏi vị trí của đảo Phú Lâm, Hoàng Sa, một động thái được cho là có công của “cộng đồng mạng” Việt Nam. Đó là kết quả của hàng nghìn chữ ký trong đó có một phần của người Việt, một phần của bạn bè quốc tế, đòi xoá cái tên phi pháp mà Trung Quốc tự đặt.
Đến hôm nay, tôi vẫn thấy nhiều người, đang cố công thực hiện cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa bá quyền, bằng việc nói với “cộng đồng quốc tế” qua những dòng ngoại ngữ tiếng Anh, tiếng Hán tưởng nhỏ bé. Trên Facebook, một học giả Hán Nôm tôi quen, ngồi dùng tiếng Hán kiên nhẫn “dạy” lại lịch sử Trung Hoa cho một nhân vật đứng lên tuyên bố: “Nước yếu không có ngoại giao. Thế kỷ 21 là thế kỷ của người Trung Quốc”.
Trên wikipedia tiếng Anh, tôi thấy những tài khoản người Việt kiên quyết đấu tranh giữ lại từng dòng một trong khái niệm “Đường chín đoạn”, ví dụ như thông tin Trung Quốc đã dạy học sinh cấp 2 nước này rằng điểm cực Nam của họ kéo đến tận bãi ngầm James (cách bờ biển Malaysia có 96 km) ra sao.
Thế giới không chỉ dành chỗ cho những toan tính chính trị và kinh tế. Nó còn có chỗ cho lương tri - của những con người tưởng là xa lạ. Và sự ủng hộ của họ, dù vô hình, nhưng rất quan trọng trong việc chống lại chủ nghĩa bá quyền.
Cuối năm 2015 tôi quay lại Myanmar. Đường phố ngày ấy đỏ rực cờ của đảng NLD - ghi nhận chiến thắng được thế giới tôn vinh của bà Aung San Syu Kyi. Lúc ấy tôi chỉ nhớ đến Angus Watson, người không được có mặt ở đây lúc đó. Màu cờ ấy, đã được góp phần tạo ra bởi một chàng trai đáng ra có thể chăn ấm nệm êm ở Sydney.
Và tôi tin, không có thứ sức mạnh bá quyền nào thắng được sự đoàn kết vì một thứ tình yêu công lý vô điều kiện như thế.
ĐỨC HOÀNG