Đơn vị đồng hành
Truy cập: 10,950,784 lượt

Hình bóng Mẹ

Đêm tháng 1 trên tàu Trường Sa 571, trong chuyến thay thu quân đầu năm 2018, những chiến sĩ thường ra boong quây quần nói chuyện, uống nước. Người mong đợi về bờ, người háo hức lần đầu ra Trường Sa.

 

Cậu lính trẻ ngồi đệm guitar. Khi chúng tôi đề nghị: "Hát một bài đi", họ bắt nhịp ngay Hát mãi khúc quân hành. "Dù rằng đời ta thích hoa hồng, kẻ thù buộc ta ôm cây súng. Ta yêu sao làng quê non nước mình...".

 

Cái không khí ấy, gợi nhắc nhớ đêm tháng 3/1988 trên tàu HQ-604 chở công binh, vật liệu ra Trường Sa xây đảo trong chiến dịch CQ-88. "Giữa biển đêm, binh nhì Hoàng Ánh Đông tựa cây guitar, đệm hát bài Lạy mẹ con đi. Cán bộ, chiến sĩ nghe rưng rưng nhớ nhà, nhớ mẹ. Có người bảo, đi lần này vẫn chưa kịp chào từ biệt mẹ, thấy như mình có lỗi", đồng đội sau này kể lại.

 

“Con nhớ gió Lào tràn sớm xuống Đông Hà khi Tết mới sang, nhớ dòng sông Hiếu nơi con và đám bạn thường ra tắm mỗi chiều. Mẹ ơi, con sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, để mẹ tự hào về con…”, lá thư liệt sĩ Tống Sĩ Bái gửi về cho mẹ những ngày trong quân ngũ viết.

 

Anh Đông và anh Bái, những người bạn thân cùng quê Quảng Trị, đều đã ngã xuống ngày 14/3/1988. Hôm nay là ngày giỗ chung của họ: ngày 14/3 năm nay cũng trùng với ngày 27 tháng Giêng, như năm 1988.

 

Khi làm tượng đài trực tuyến về sự kiện Gạc Ma, 64 người lính đã ngã xuống là 64 câu chuyện đời riêng, chúng tôi bắt gặp bóng dáng những ông bố, bà mẹ nhiều nhất trong những câu chuyện ấy.

 

“Anh chị đừng lo, em là lính công binh nên ra đó xây dựng xong lại vào đất liền”. Lá thư cuối cùng viết ngày 5/3/1988, liệt sĩ Nguyễn Văn Kiên dặn anh chị “đừng lo lắng, đừng nói với mẹ là em đi đảo”. Những người lính năm ấy bước xuống tàu với suy nghĩ “đảo của mình thì mình bảo vệ, gìn giữ”. Thế nên rạng sáng bi thảm ấy, chỉ có xẻng, cuốc chim, vài khẩu AK đối đầu với súng, pháo.

 

Ba mươi năm sau, hình ảnh “mẹ” cũng vẫn là điều được nhắc nhiều nhất trong những câu chuyện buổi đêm với chiến sĩ trẻ khi chúng tôi ở trên tàu Trường Sa. Phú, chàng trai quê Ninh Thuận bảo hai năm rồi, em chỉ thèm ăn một bữa cơm mẹ nấu. Lúc ở nhà thì không suy nghĩ chi, đi làm “chỉ nghĩ làm sao có tiền đi chơi”, đi bộ đội rồi học gấp cái chăn, tự giặt quần áo... mới biết thương mẹ.

 

19 tuổi, đang làm thợ hàn xì, Phú nhận được giấy gọi nhập ngũ. Cậu xin nghỉ việc, lên đường. “Ở trên tàu, em cứ nghĩ mình ra đảo làm gì? Lên đảo sẽ sống thế nào? Lúc đặt chân lên rồi mới biết được vì sao mình phải giữ đảo”, Phú kể.

 

“Em không biết vì sao nữa. Chị phải sống trên đảo, thì mới hiểu được”. Cậu không trả lời được câu hỏi vì sao của tôi, nhưng có thể nhớ lại rành rọt cái cảm giác vui mừng khi đồng đội đưa được ngư dân gặp nạn cập đảo an toàn, lo cho cái cây mình trồng trước cơn bão, hay bỏ dở cả mâm cơm ngày lễ Tết khi có báo động phòng không.

 

21 tuổi tròn nghĩa vụ, Phú tính dùng số tiền ra quân làm vốn, mua chiếc xe mới đi làm, sửa sang lại cái nhà, mua quà cho mẹ. Cậu chọn mua vài bộ quần áo, vì “em biết ở quê mẹ có bao giờ chưng diện đâu”. Phú khoe, hồi tháng 5/2017, mẹ được theo tàu chở thân nhân ra đảo thăm con trai.

 

Từ Trường Sa năm 1988 đến Trường Sa năm 2018, những lớp thanh niên đã thay nhau đi bảo vệ đảo như vậy. Họ đã chọn đảo là nhà trong một phần rực rỡ nhất của thanh xuân.

 

Khi tàu rời quân cảng Cam Ranh mùa Xuân năm 2018, tôi đã nghe những tiếng gọi rất to gửi lại đất liền “Long ơi, đi nhé”, “Chờ nhé, năm sau anh về”. Con tàu đưa các chàng trai xa nhà khi chỉ còn cách Tết Nguyên đán một tháng. Cái Tết đầu tiên họ không bên mẹ.

 

Trong những lá thư cuối cùng gửi về nhà năm 1988 ấy, nhiều người cũng hẹn sẽ về lấy vợ sinh con, đi làm, phụng dưỡng cha mẹ. Cho dù họ đã hoá thân thành những điều thiêng liêng, nhưng xuất phát điểm thì cũng như những cậu lính trẻ hôm nay.

 

“Ta yêu sao làng quê non nước mình”, những tình cảm chân chất mà người lính dành cho quê hương, đơn thuần là nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ, không hề là tuyên ngôn to lớn gì. Cho dù hôm nay họ được gọi là “tượng đài”, thì tất cả đều chỉ xuất phát từ một tình yêu giản dị với mái nhà, làng quê, được gửi gắm trong hình bóng mẹ.

 

30 năm sau khi chiếm Gạc Ma, Trung Quốc đã mở rộng đảo, xây dựng nhiều công trình trái phép. 7 bãi đá Gạc Ma, Subi, Gaven, Châu Viên, Chữ Thập, Huy Gơ, Vành Khăn mà họ đã chiếm, tạo nên một thế cài răng lược với những hòn đảo mà bộ đội Việt Nam đang đóng giữ. Con tàu HQ-604 vẫn đang nằm dưới lòng biển, ngay thềm Gạc Ma.

 

Họ đã ở lại đó vì thứ tình yêu quê hương chân phương và thuần khiết của những người Việt Nam.

HOÀNG PHƯƠNG

Top