Thấy một số người bít cửa trước hay cửa sau với hàng xóm F0, tôi đã giải thích: “cứ để cửa thông thoáng, không sao cả”.
Trong quá trình tham gia tư vấn, giải đáp thắc mắc về dịch bệnh tại TP HCM vừa qua, tôi gặp tình huống một số người kỳ thị hàng xóm bị nhiễm virus hay hàng xóm là nhân viên y tế tham gia chống dịch. Có người ngăn lối đi, bít cửa nhà. Tôi giải thích với họ rằng, không ai có thể lây virus cho ai nếu không tiếp xúc trực tiếp, và chỉ có thể lây khi cùng phòng kín lạnh.
Người dân dường như đã đọc nhiều thông tin về virus và có người tưởng tượng: Nhà mình ở gần khu cách ly, chắc bị lây quá? Chung cư kia "bị" cách nhà mình 30 mét, thấy cũng sợ. Có người nhắn tin cho tôi vì bị kỳ thị là F1. Tôi bảo, các nhà xung quanh họ xì xào gì kệ họ, mình bình tĩnh thực hiện đúng các quy tắc phòng dịch, mọi việc sẽ qua. Còn với người không bị nhiễm, thấy nhà ai treo bảng cách ly cũng kệ, họ không ra khỏi nhà làm sao lây cho người khác? Chỉ trừ khi trước đó bạn ham "tám chiện" với họ thì lo là đúng rồi. Tâm lý người dân hoang mang có lẽ một phần từ cách thức chúng ta chống dịch. Những ngày qua, một số nơi bắt F0 mặc đồ bảo hộ, hay xe cộ hụ còi trong khâu "bắt" người đi cách ly tập trung.
Theo tôi, đừng làm ầm ĩ lên gây hoảng loạn trong cộng đồng, F0 và F1 cũng không cần mặc đồ bảo hộ, chỉ cần đeo khẩu trang thôi. Tôi cũng không ủng hộ phương án "ôm" toàn bộ F1 và F0 cách ly tập trung. Bởi bệnh của nhóm này có thể nặng thêm nếu dinh dưỡng và tinh thần trong khu cách ly không tốt, chưa kể các bệnh viện dã chiến đều đã quá tải. Cho tới cuối tuần trước, tôi cảm thấy lạc quan hơn sau khi tham gia buổi họp hiến kế giữa các chuyên gia với lãnh đạo TP HCM. Chính quyền đã cho các trường hợp F1, F0 đầu tiên cách ly tại nhà.
Một số chuyên gia chúng tôi đồng tình rằng, cuộc chiến với Covid 19 hiện nay là cứu sống ca nặng càng nhiều càng tốt chứ không phải đi gom các F lại và canh chừng người khó trở nặng.
Dựa trên thống kê thực tế, cần tách theo từng nhóm để điều trị. Nhóm gần như không chuyển nặng ở riêng, ở xa trung tâm hay tại nhà. Nhóm có thể chuyển nặng nhưng không nhiều ở gần trung tâm. Nhóm rất nhiều nguy cơ ở ngay trung tâm gần bệnh viện có hồi sức tốt. Cho phép F0 ít nguy cơ nặng được cách ly ở nhà và rút ngắn thời gian cách ly F0 trong khu cách ly còn khiến tâm lý những người F0 được thoải mái, qua đó tâm lý cộng đồng bớt hoang mang và giảm gánh nặng đang rất khủng khiếp cho nhân viên y tế.
Theo con mắt dịch tễ học, mỗi chúng ta đều có thể là F0 hay F1 bất cứ lúc nào. Số ca bệnh của TP HCM sẽ còn tăng trong những ngày tới, nhưng con số đến bao nhiêu phụ thuộc vào sự chấp hành đúng các quy tắc chống dịch của mỗi người. Nếu bạn là F0 được phát hiện tại khu phố hay công ty, bình tĩnh vì rất nhiều người tương tự như bạn. Rất có thể bạn đã lây cho cả nhà nên hãy thông báo cho cả nhà. Bạn nên trở về nhà nếu không thể ở lại cơ quan cách ly hay chờ chuyển đi khu cách ly, vì về nhà mà tuân thủ tốt trong thời gian nhất định sẽ rất khó lây thêm và cũng đủ thời gian thu xếp hành lý. Nếu bạn đang ở nhà mà chưa được chuyển đi khu cách ly cũng bình tĩnh chờ, vì các trung tâm y tế hiện đang quá tải, tự cách ly tốt cho mình để không lây thêm ai.
Trong lúc tự cách ly: mang khẩu trang cả ngày, nón che giọt bắn và giữ khoảng cách trên hai mét, không ăn chung, không ngủ chung, không nghỉ ngơi chung - rất quan trọng. Chú ý, người có virus không được mang khẩu trang có van.
Bạn hãy liên hệ trạm y tế sớm và cho họ biết nếu là đối tượng dễ bệnh nặng khi Covid 19 tấn công: trẻ tuổi nhưng béo phì, trên 60 tuổi, có bệnh nền.
Nếu bạn là F0 đang ở trong khu cách ly điều trị chưa triệu chứng, lưu ý uống nhiều nước, uống đều trong ngày; mang khẩu trang nhiều nhất có thể; bình tĩnh, cố gắng nghỉ ngơi và vận động, không nằm suốt ngày; luôn giữ vệ sinh phòng ở; cẩn thận khi vào nhà vệ sinh, luôn rửa tay sạch vì dùng nhà vệ sinh không cẩn thận dễ bị bội nhiễm. Khi có triệu chứng khó chịu, bình tĩnh báo cho nhân viên y tế. Có thể bạn sẽ chứng kiến nhiều người chuyển đến, chuyển đi trong các phòng, đó là hiện tượng bình thường.
Nếu bạn là F0 hay F1 nhưng đang ở nhà. Báo cho trạm y tế và bình tĩnh chờ, thực hiện giống như trên. Nếu trong gia đình có người là F0 thì cả nhà là F1 nhưng có thể chưa lây cho nhau nên thực hiện như F1 và chờ. Tất cả mọi người đều có thể bị lây nếu lơ là. Tôi vẫn nói với bệnh nhân, phải "hồn ai nấy giữ", trong đó, luôn bảo vệ khuôn mặt và bàn tay vô cùng quan trọng.
Với tình hình hiện nay tại TP HCM, nhiều câu hỏi đang chưa ai trả lời cụ thể cho từng người dân: Tôi bị lây chưa? Tôi có mang virus từ bên ngoài về nhà không, tôi là F1 hay F2 thì làm sao biết tôi là F0 chưa? Để cho dân tự biết mình có mang virus hay không, tôi cho rằng đã đến lúc chính quyền khuyến khích người dân tự làm test nhanh kháng nguyên như Bắc Giang và thế giới. Để họ tự test tại nhà và nhất là F0, F1 chủ động được phần nào khâu theo dõi bệnh, đầu tiên, sẽ giúp hệ thống giảm tải. Thứ hai, đó là con đường Việt Nam phải đi. Các nước có số ca nhiều đều đã tự làm như vậy và chúng ta cũng không có chọn lựa khác. Cuộc chiến này rất khốc liệt, khi nhìn khuôn mặt tất cả nhà quản lý và các y bác sĩ, tôi đều thấy sự lo toan.
Tôi là người đã rất khó chịu khi chiến lược có vấn đề, nhưng bây giờ tôi cũng đồng tình với sự chuyển hướng trong tư duy chống dịch. TP HCM đã thành lập trung tâm điều trị bệnh nặng, đã chuẩn bị thuận lợi cho mua sắm thêm trang thiết bị. Nhiều cơ sở y tế đã làm test nhanh, nhà quản lý sẽ để người dân và doanh nghiệp được tự lo trong khả năng của họ.
Trong khi chưa phủ kịp vaccine, mỗi người không có chọn lựa khác ngoài bình tĩnh và thực hiện đúng giãn cách. Còn với nhà quản lý, tư duy chống dịch cần bám sát thực tế và linh hoạt hơn, làm sao cho dân và doanh nghiệp không còn bị động, xử lý các tình huống nhanh gọn và tiết kiệm nguồn lực nhất.
Nếu bạn là F0 hay F1, gặp ánh mắt kỳ thị, cũng đừng trách cứ họ làm gì. Khi qua dịch, tình làng nghĩa xóm sẽ trở lại như xưa.
BÁC SĨ TRƯƠNG HỮU KHANH