Cuối tháng 8, lũ quét làm sập một hầm vàng ở Ma Xà Phìn, Lào Cai. Những con số về số người chết cứ nhảy múa trong thông báo của chính quyền. 10 ngày sau khi xảy ra sạt lở, số nạn nhân của vụ sập hầm vàng từ đầu, vốn được chính quyền công bố dứt khoát là 2 người, đã tăng lên là 9 người chết và hai người còn mất tích.
Ba phần tư trong số những người bạn trung học cơ sở của tôi, ở một xã thuần nông vùng Bắc Bộ đã dừng việc học trước cổng trường cấp ba để đi theo tiếng gọi của vàng. Tất cả đều là con cái của những gia đình nông dân mà nguồn sống trông vào cót thóc vừa gặt xong đã vơi quá nửa.
Cuối những năm 80 của thế kỷ trước, ở vào đêm trước của Đổi mới, những mỏ vàng, mỏ đá quý từ Na Rì - Bắc Cạn, Lục Yên - Yên Bái, Thần Sa - Thái Nguyên, rồi đá đỏ Quỳ Châu (Nghệ An), hay nóng bỏng và dai dẳng nhất là Phước Sơn - Quảng Nam đã trở thành một cái phễu thu hút những lao động cùng quẫn các miền quê theo chân giới anh chị đổ về. Quá nhiều cuộc chiến nổ ra giữa lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, gìn giữ tài nguyên quốc gia với những chủ bưởng, chủ hầm… Những cuộc truy bắt, thường được mô tả trong các hội nghị tổng kết bằng bốn từ quen thuộc “bắt cóc bỏ đĩa”.
Khoảng năm 1990, rộ lên phong trào gom phu vàng đi Thần Sa, Thái Nguyên. Tết năm Tân Mùi, lần đầu tiên tôi nhìn thấy cái cat-xet Q7 màu đỏ đun trên tủ nhà cậu bạn tên Lộc. Chiến lợi phẩm của cuộc ra đi tìm vàng của cậu một năm về trước. Nhà Lộc có hai anh em cùng lên bản Ná, mang về được bốn chỉ vàng.
Nhưng một năm bán mạng ở bãi vàng, cả hai anh em Lộc đều trở thành con nghiện. Làng tôi, từ một làng có nhiều người đỗ đạt thời bao cấp, đã hứng chịu trận gió độc đầu tiên. Số thanh niên lên bãi vàng tăng theo cấp cộng, khi về, số con nghiện tăng theo cấp số nhân.
Không đủ các bằng chứng thực tiễn, cũng chưa có một nghiên cứu khoa học nào soi rọi về sự vận hành ngầm của “nền kinh tế tội ác”. Nhưng nếu chỉ nhìn từ các bãi vàng, rất dễ để thấy được sự trường tồn của loại hình này.
Năm 2003, hai đồng nghiệp của tôi ở một tờ báo thực hiện loạt phóng sự điều tra “vàng và máu” về thực trạng ở Phước Sơn (Quảng Nam) kể lại rằng, mọi thứ tệ nạn trong xã hội đều có thể dễ dàng tìm thấy ở các hầm vàng. Súng, gái, ma túy và cả hình dáng của bảo kê từ công lực biến chất. Để đi xe ôm chưa đầy 50 cây số từ trung tâm huyện tới xã Phước Thành, giá di chuyển là một chỉ rưỡi vàng. Một con gà, có giá gấp ba. Một mạng người được đền bằng bốn cây vàng. Năm đó, để “cõng” một xác phu vàng từ trong hầm về quê mai táng, người ta thuê xe ôm, buộc thây người chết vào người tài xế, đan sên cho lốp xe, rồi cứ thế chạy một mạch cả trăm cây số đường rừng. Những hoạt động như vậy, không cơ quan quản lý nào quản nổi.
Năm 2016, lại đến chuyện ở mỏ vàng Văn Bàn, Lào Cai. Những hầm vàng ở Mà Xa Phìn tiếp tục là cái phễu hút những người không kế sinh nhai. Cứ khoảng chục năm một lần, tôi lại chứng kiến một ít “phần chóp” của tảng băng mà không bao giờ biết thực sự nó lớn đến đâu.
Những bãi vàng có thể coi là phần nổi nhất của một thế giới ngầm về kinh tế. Ở đó hội tụ đủ ma túy, mại dâm, cho vay nặng lãi, bảo kê và sự thao túng của những thế lực đen với các bộ phận tha hóa của cơ quan công lực.
Chính quyền huyện không có con số đầu vào và cũng sẽ không có con số đầu ra. Biện pháp quản lý khả dĩ nhất mà họ thực hiện được là yêu cầu lực lượng chức năng năm thì mười họa kiểm tra, truy quét một lần. Họ sẽ không có, hoặc không thể đưa ra những con số như cơ quan thông tin kỳ vọng, nhất là khi mỏ vàng ở Văn Bàn cũng chỉ là một điểm rất nhỏ trong mạng lưới kinh tế “lậu” đang diễn ra ở Lào Cai.
Để nắm bắt được thế giới ấy, không hề đơn giản. Nhưng không đơn giản không có nghĩa là chúng có thể tồn tại suốt nhiều thập kỷ, một cách bán công khai trước mắt dư luận. Năm 2016 cũng như năm 2003, năm 1993 cũng như năm 1983, phần nổi của “tảng băng” cứ xuất hiện chềnh ềnh trên mặt báo.
Tôi tự hỏi rằng liệu chúng ta có phải đang chấp nhận vô điều kiện. Chưa một lần nào tôi nhìn thấy một chiến lược đủ rộng và sâu với thế giới ngầm này.
Và tôi biết, trong khi sự việc ở Mà Xa Phìn đang thu hút sự quan tâm của dư luận thì ở đâu đó trên sông Hồng đoạn qua biên giới Việt Trung ở Lào Cai, đêm đêm những tấn quặng sắt vẫn liên tục vượt biên…
LẠI TRỌNG TÌNH