Họa sĩ Thành Chương - bạn tôi - vừa có công chuyện đi Hàn Quốc về. Gặp nhau, hỏi sang bên ấy, ông có gì ấn tượng nhất; Thành Chương bảo, ấn tượng nhất khi tới Seoul là thấy một ông già đi nhặt rác.
"Ông ta nhặt rác trên đường đi, gom vào một túi nhỏ, nhặt tất cả những cọng rác rất bé mà chính tôi không nhìn rõ. Đi ra nước ngoài nhiều lần, nhìn thấy người ta cũng dân châu Á, mà Seoul hay là Singapore, thành phố của họ rất sạch, tôi cảm thấy buồn và mặc cảm".
Chia sẻ của Thành Chương khiến tôi nhớ về cái làng tôi sinh sống hiện nay, thuộc tổ 7 phường Ngọc Hà.
Cách đây hai năm, đường phố tổ 7 luôn ngập rác. Có những điểm, ngã ba ngã tư ngõ xóm, cư dân vứt rác thành đống, hôi thối và tanh tưởi, ruồi muỗi và chuột tha hồ tung hoành giữa ban ngày ban mặt. Chi bộ hưu cụm 7 phường Ngọc Hà họp lại. Câu hỏi đặt ra cho chi bộ thảo luận là: “Có thể sống chung suốt đời ta và đời con cháu ta với rác mãi như thế không?".
Không! Suốt hai tháng trời, cán bộ mọi hội, ban, ngành chia nhau đi vận động người dân tham gia làm sạch đường phố. Tổ chức thanh thiếu niên viết pano, vẽ tranh vui nhộn rất đẹp trên các bức tường ngõ xóm, hướng vào vận động một đời sống văn hóa, quyết không sống chung với rác“. Hai ba tháng ban đầu ấy thực quả là sự thử thách rất lớn. Nhưng quyết tâm, không có chỉ thị mệnh lệnh nào buộc cư dân sống sạch sẽ hơn sự tự giác của con người. Và, đã gần hai năm nay, toàn bộ cụm dân cư nơi tôi đang sinh sống, đường ngõ phong quang. Người dân đã quen chỉ đổ rác khi nghe tiếng kẻng của nhân viên môi trường vệ sinh đẩy xe rác đi qua.
Sự kiên trì vận động đã tạo nên sự thay đổi lớn về nhận thức. Nhưng không phải nơi đâu cũng được như phường tôi ở. Khắp nơi ở thủ đô tràn ngập rác, đi đâu cũng vấp phải rác, nhìn gì cũng vướng phải rác.
Tôi và họa sĩ Thành Chương đều nhớ lại, xa xưa lắm Hà Nội của chúng ta có như thế không? Tôi chắc chắn là không. Chúng ta đã có những thời điểm mà cả Hà Nội đều chung tay xuống đường làm vệ sinh, chung một ý thức: “Không chỉ trong nhà mỗi người sạch mà sao cho sạch cả quanh nhà nơi ta sống. Ngày đó có khẩu hiệu “sạch nhà, sạch phố, đẹp thủ đô".
Còn ngày nay, sau hơn 40 năm Hà Nội bùng nổ phát triển về diện tích và cư dân thì sự vô ý thức với rác cũng lớn dần lên. Hầu như số đông cư dân ở thành phố lớn nhất nhì nước này đều thờ ơ với sự bẩn thỉu khủng khiếp của Thủ đô. Tất cả đều mặc định chấp nhận một nếp sống xấu, tiêu cực mà một đời sống đô thị tiến bộ văn minh phải tìm cách loại bỏ.
Chẳng nhẽ tất cả chúng ta đều không thấy xấu hổ khi Hà Nội chúng ta như một cô gái đang đẹp, ăn mặc diêm dúa nhưng lại kết xung quanh cô bằng những thứ không phải là hoa, mà toàn rác rưởi hôi thối đầy bọ và ruồi nhặng ư?
Họa sĩ Thành Chương đau đớn bảo, thật lãng phí cho một thành phố đẹp. Còn tôi thì cám cảnh đến không tưởng tượng nổi khi đến thế kỷ này rồi mà vẫn có những người dân ở một thủ đô phải buông mùng ăn cơm giữa ban ngày để tránh ruồi nhặng. Hiện thực đó đang tồn tại từng ngày, từng giờ trong từng nhà ở khu dân cư quanh bãi rác Nam Sơn, Sóc Sơn Hà Nội.
Bãi rác Nam Sơn là một điểm nhức nhối lộ thiên của thành phố khiến người dân địa phương rất bức xúc. Bãi rác ấy, cũng như là sự quá tải trong hệ thống xử lý rác ở thủ đô hay nhiều đô thị, sẽ phải giải quyết được bằng những đầu tư khoa học. Tôi không có ý định phủ nhận vai trò của chính quyền trong việc này. Điều tôi lo ngại hơn là rác trong ý thức - một thứ vô hình không cầm nắm được nhưng vẫn ngày một lớn dần lên trong thói quen, trong cách sinh hoạt của cộng đồng.
Trong nhiều vấn đề xã hội, ngoài vai trò của chính quyền - vốn không hề toàn năng và có rất nhiều thiếu sót - luôn cần sự can thiệp của các lực lượng dân sự, ở đây là chính những người dân và đoàn thể của họ. Trong vấn đề môi trường, hành động của khối dân sự từ lâu là một thông lệ của thế giới.
Nếu không thu dọn được rác trong ý thức, nếu mỗi người vẫn tiếp tục vô thức với rác, Hà Nội sẽ có hàng nghìn những "Nam Sơn thu nhỏ" nằm chình ình ngay trước ngõ mỗi gia đình.
NGUYỄN VĂN THỌ