Với giáo viên chúng tôi, được học trò cũ mời dự đám cưới không phải là chuyện hiếm. Nhưng tấm thiệp hồng tôi vừa nhận được trong những ngày cuối năm 2016 đã khiến tôi đi từ bất ngờ đến hạnh phúc.
Giờ giải lao của buổi sáng đầu tuần, như thường lệ tôi vừa bước vào phòng dành cho giáo viên thì có đôi trai gái cùng vào theo và đồng thanh “Dạ thưa thầy!”. Dường như hai bạn trẻ đã đến từ rất lâu và ngồi chờ tôi ngoài ghế đá. Dù đoán được là cựu học sinh đến mời dự đám cưới, nhưng tôi vẫn chưa nhớ ra người từng học trường tôi dạy là ai hoặc cả hai. Vì tôi ước chừng các em khoảng 25 tuổi, nghĩa là được tôi dạy cách đây hơn 10 năm.
Băn khoăn của tôi sớm được giải đáp, khi cô gái tự giới thiệu tên là L.T.P.T. từng được tôi dạy môn giáo dục công dân năm lớp 8 và 9, còn người cùng đi là vị hôn phu của em. Tuy nhiên, với hàng ngàn học sinh tôi đã dạy thì cái tên T. có quá nhiều.
Thế rồi tôi nhận ra em nhờ nét chữ ghi trên tấm thiệp cưới. Đó là do ngần ấy thời gian kể từ khi em ra trường, năm học nào tôi cũng nhiều lần dùng lá thư em viết ngày trước, như một điển hình người thật việc thật biết nhận sai và sửa sai cho học trò.
Câu chuyện bắt đầu từ tiết học về lòng trung thực tôi dạy cho lớp em T.. Sau khi truyền đạt hết những gì trong giáo án, tôi kể cho cả lớp nghe nhân cách của một em học sinh lớp 6 ở gần nhà tôi nhưng học tại ngôi trường khác: Gia đình em nghèo, nghèo lắm, đến mức cha mẹ phải thường xuyên xin nhà trường chậm đóng tiền học cho em. Vậy nhưng em rất ngoan và học giỏi. Một ngày nọ đi học về, em chạy ngay sang nhà tôi và mang theo cả chiếc cặp học sinh.
Tôi chưa kịp hỏi có chuyện gì thì em đã lấy ra một chiếc bóp, xem bên trong bóp tôi giật mình vì có đến gần 20 triệu đồng. Em nói vừa nhặt được trên đường đi học về (mỗi ngày em đi bộ hơn 3km để tiết kiệm tiền xe buýt). Em nhờ tôi tìm cách trả lại cho người bị mất tài sản. Tôi hỏi em: “Hoàn cảnh gia đình em rất khó khăn, sao em không dùng nó để giúp cha mẹ? Trong bóp không có giấy tờ, rất khó tìm được chủ nhân”. Em trả lời không chút do dự: “Cha mẹ em và thầy cô luôn dạy “Đói cho sạch, rách cho thơm”, số tiền này không phải của em nên em không thể lấy”.
Tôi chỉ còn biết dẫn em đến giao bóp tiền cho công an phường để trao trả cho người đánh rơi. Vài ngày sau, người bị mất tiền nhận lại đủ tài sản rồi đến nhà em xin cảm ơn và hậu tạ nhưng em vẫn từ chối.
Em cho biết người mất bóp tiền là một chú công nhân, mang tiền vào Bệnh viện Chợ Rẫy để đóng tiền mổ cho người thân vừa bị tai nạn giao thông. Chú nói rằng nếu không tìm lại được số tiền kia, chưa biết người nhà sẽ ra sao.
Kể câu chuyện ấy, tôi chỉ nghĩ rằng cốt để minh họa thêm cho bài giảng. Song, ngay hôm sau tôi nhận được lá thư của một học sinh, trong thư có đoạn viết: “Thưa thầy! Bữa trước em có lấy máy tính của bạn. Hôm nay em xin nhờ thầy trả lại cho bạn và chuyển lời xin lỗi hộ em... Tuần trước em còn tiêu tiền sai, vì tiền đó là do người bán hàng thối lộn. Có lần em nhặt được tiền mà không báo cho thầy cô biết và lấy luôn. Em rất hối hận, qua bài học này em hứa sẽ làm một người tốt, nhặt được tiền trả lại người đánh rơi và không trộm cắp nữa”.
Tôi nhận ra chủ nhân của nét chữ này là T.. Nhưng tôi bất ngờ vì trước đó tôi và cả lớp chưa ai biết được chuyện mất trộm máy tính điện tử. Do giá trị tài sản thấp nên em học sinh mất máy tính không trình báo. Tôi cũng không ngờ một bài học bình thường lại có tác dụng nhanh như vậy.
Điều khiến tôi vui và xúc động là em đã tự thú cả những chuyện vốn chỉ có mình em biết. Một học sinh can đảm cùng lúc nhận ba lỗi lầm thì chắc chắn sẽ không bao giờ tái phạm.
Tôi sắp xếp gặp riêng T.. Em tâm sự do rất cần máy tính để học nhưng chưa có tiền mua nên đã phạm sai lầm. Việc này diễn ra cách đó hơn một tháng. Mặc dù bạn không hề hô hoán, không báo với nhà trường về chuyện mất trộm trong lớp, song em luôn bị dằn vặt, biết có lỗi mà không dám nhận lỗi.
Đến khi nghe tôi kể tấm gương về sự trung thực, em đã suy nghĩ rất nhiều và quyết định viết lá thư ấy. Tôi còn nhớ trước lúc ra trường, em có đến chào tôi và kèm theo lời hứa sẽ luôn sống trong sạch dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào.
T. đã kể cho chồng sắp cưới của mình câu chuyện này. Vì vậy, khi em nêu nguyện vọng mời tôi dự đám cưới thì chàng trai ủng hộ ngay và cùng em đến trường thăm tôi. Lúc chia tay, đôi uyên ương còn nói sau này sẽ dùng bài giảng của tôi để làm bài học đầu đời cho con cái.
Điều khiến tôi hài lòng nữa là không chỉ mình T., một số học sinh ở lớp khác cũng đã tự giác nhờ giáo viên chủ nhiệm hoặc giám thị giúp trả lại tiền lỡ lấy của các bạn. Có nhiều em dũng cảm như T. khi thú nhận mình đã từng trót lấy hai lần trở lên. Các em đều hứa rằng đây sẽ là lần cuối cùng phạm phải khuyết điểm.
Tuần tới tôi đi dự đám cưới T. với niềm hạnh phúc của người lái đò khi gặp lại vị khách được chúng tôi đưa sang sông từ lâu, nhưng vẫn không quên bờ bến cũ.
HỮU CHƠN (theo lời kể của thầy T.T.A., Trường THCS Bạch Đằng, TP.HCM)