Quân ngã, cẳng chân của cậu bị đập ngang bởi thanh barie chắn ngang vỉa hè, cây gậy dò đường văng ra khỏi tay, cả người Quân đổ ập về phía trước, ngực đập mạnh vào chiếc barie song sinh, lạnh lùng và thách thức nằm cách đó 80 cm..
Quân sinh ra tại thành phố Hồ Chí Minh, nơi Quân sống là chung cư ở quận Nhất vốn chẳng xa cơ sở mátxa nơi cậu làm việc là bao. Cho nên dù là người khiếm thị cậu vẫn có thể tự đi làm một mình. Năm ngoái Quân gọi đện khoe với tôi: “Quận Nhất, có quy hoạch nhiều tuyến phố đi bộ, dẹp hẳn tệ bán hàng rong, nên hằng ngày em đi làm khỏe re”. Tôi chưa kịp mừng cho Quân, thì nghe tin, Quân bị tai nạn khi đang trên đường đi làm bởi những chiếc barie chắn xe máy trên hè phố. Những chiếc barie ấy đã được lắp đặt trên một số tuyến phố của phường Bến Nghé, quận Nhất để thiết lập lại trật tự đô thị. Chức năng của chúng rất đơn giản: ngăn xe máy chạy lên vỉa hè.
Nhưng đằng sau cái mong muốn rất đỗi đơn sơ ấy của những nhà quản lý, lại là những logic hết sức phức tạp của một cái đô thị… phức tạp. Và cậu bạn mù của tôi, nằm trên vỉa hè chỉ mấy ngày sau khi chúng được lắp đặt, chỉ là một ví dụ của sự phức tạp ấy. Các thanh barie bằng chất liệu inox có đường kính 8 cm được gắn so le suốt chiều rộng vỉa hè, ngăn không cho xe máy vượt qua nhưng người đi bộ vẫn có thể lách hoặc bước qua bình thường. Độ hở giữa các thanh khoảng 80 cm, đủ để người khuyết tật lăn xe qua. Thông tin này đã được thông cáo rộng rãi mấy ngày nay, thể hiện rằng nhà quản lý cũng đã cố tính kỹ lưỡng, tính đến cả người khuyết tật (điều rất nhiều công trình công cộng khác không có được).
Nhưng chỉ là “cố” – bởi vì rất nhanh, những thanh chắn ấy lộ ra là một giải pháp đầy tính chống đỡ tình thế. Do chúng phải đặt so le và đủ khoảng cách cho người đi xe lăn, nên cuối cùng thì xe máy vẫn lách qua được. Và hình ảnh những chiếc xe máy luồn lách giữa những tấm barie cho thấy tính hiệu quả rất hạn chế của phương án barie trên hè phố. Còn người đi xe lăn? Tôi hỏi bạn tôi, anh Cử, phó giám đốc Trung tâm khuyết tật và phát triển (DRD) ở TP.HCM. Anh kết luận rằng gần như là bất khả để người đi xe lăn một mình có thể bẻ hướng bánh xe vuông góc 90 độ trong phạm vi như vậy. Còn với người khiếm thị, anh gay gắt hơn. “Đây là bẫy tử thần cho người khiếm thị” – anh bảo.
Bộ Xây Dựng đã có những quy định khá rõ về quy chuẩn của công trình công cộng với người khuyết tật – như phần cảnh báo dành cho người khiếm thị. Nhưng có lẽ, trong một nỗ lực tuyệt vọng chống lại sự rối tinh của đường phố, chính quyền không đủ thời gian nghĩ tới điều ấy.
Không biết là có phải bởi tôi là một người khuyết tật, nên cái nhìn của tôi bị khắt khe hơn so với người lành lặn? Hãy cứ cho rằng người khuyết tật chỉ là một biến số nhỏ, chẳng đáng là bao so với lợi ích thu được, không tính đến cũng chẳng sao. Nhưng tôi nhìn thấy từ hình ảnh của Quân nằm trên vỉa hè - một phép thử chính sách.
Người khuyết tật trở thành một miếng giấy quỳ thử sự phức tạp và rối rắm của cái barie. Và nó lộ ra là một quyết sách hạn hẹp: một cô gái phải tự rạch lên mặt mình để tránh bị trêu ghẹo. Cái vỉa hè phải hy sinh một phần ý nghĩa, phải vứt bỏ đi một phần sự toàn vẹn của mình, để tránh sự “xâm hại” của những người đi xe máy vô ý thức.
Cho dù có thông cảm với chính quyền, tôi cho rằng quyết sách ấy không đáng khuyến khích. Nó ở đó, chỉ như một biểu tượng cho sự tuyệt vọng. Tuyệt vọng trong quy hoạch. Tuyệt vọng trong thi hành luật lệ. Tuyệt vọng trong việc thuyết phục nhau bằng khái niệm “văn hóa”. Nó đại diện cho những barie lớn hơn, ngăn ta đến với tương lai.
Cho dù cái barier ấy có phát huy phần nào tác dụng để ngăn chặn xe máy, thì nó cũng không thể là giải pháp đáng trông chờ. Chúng ta không thể xây dựng tương lai bằng những cuộc “chống cháy” cực chẳng đã như vậy.
Có những thứ không đúng, không sai, chúng tồn tại chỉ như một mâu thuẫn. Cái barie trên vỉa hè là một thứ như thế. Nhưng rồi tôi lại nghĩ, nếu nó đã ở đó rồi, thì cứ để nó ở đó, để chúng ta nhìn vào và biết mình đã mất đi những gì, đã ở tình thế bế tắc tới mức độ nào.
Còn Quân, hay tôi, sẽ biết tự tránh những cái barie ấy mà chọn đường khác. Chúng tôi đã quen với điều đó ở hạ tầng công cộng nước ta, từ khi biết đi rồi. Chúng tôi chấp nhận sự khuyết tật trong tư duy, cũng như đang sống chung với sự khiếm khuyết không may mắn của cuộc đời.
TRẦN QUỐC NAM