Dù không mấy quan tâm đến cuộc thi hoa hậu vừa được tổ chức cùng những chuyện ồn ào quanh nó, mấy ngày nay, tôi đặc biệt để ý đến những ý kiến xoay quanh phần thi vấn đáp của tân Hoa hậu.
Bởi câu trả lời của cô đụng đến một vấn đề dường như đã được mặc định trong tư tưởng của nhiều thế hệ người Việt - sự hy sinh của phụ nữ Việt Nam. Khi nghe tôi kể lại câu trả lời, đại ý điều làm nên sự khác biệt của phụ nữ Việt Nam so với phụ nữ thế giới là sự hy sinh, chồng tôi - một người Mỹ - đã hỏi lại: Như vậy liệu có khách quan và chính xác?
Tôi cũng nghi ngờ điều đó bởi tôi quen biết khá nhiều phụ nữ khác màu da, khác quốc tịch. Trong số họ, có rất nhiều người cũng quen với việc hy sinh bản thân. Bà ngoại của chồng tôi, một phụ nữ Mỹ gốc Do Thái là mẫu phụ nữ hy sinh điển hình. Bà lớn lên trong sự thiếu thốn tình cảm vì mẹ mất sớm, cha đi bước nữa. Bà tự đảm đương vai trò làm mẹ để chăm sóc hai người anh trai từ bé đến lớn. Dù rất thông minh, bà từ bỏ ước mơ vào đại học để đi làm nuôi các anh ăn học. Cả cuộc đời bà hầu như sống vì người khác, cho người khác. Ngay cả đến những năm tháng cuối đời, vào cái tuổi trên chín chục, bà vẫn không chịu đến ở nhà con cái vì sợ làm xáo trộn cuộc sống của các con. Tôi không biết dùng từ nào khác hơn để nói về bà, ngoài từ “hy sinh”.
Ngay trên đất Mỹ - đất nước mà cái Tôi cá nhân được đề cao hết mực - tôi vẫn nhìn thấy vô số phụ nữ đang hy sinh sự nghiệp vì gia đình. Vì áp lực của công việc và sự coi trọng vấn đề chăm sóc con cái, nhiều phụ nữ Mỹ ngày nay vẫn lựa chọn giải pháp tạm thời dừng công việc để ở nhà trông con.
Trước những sự thật mắt thấy tai nghe như thế, tôi không thể không băn khoăn trước câu trả lời của tân Hoa hậu, hay nói đúng hơn là ngờ vực một mặc định tư duy, một ngộ nhận của người Việt mình. Tôi không cho rằng sự hy sinh làm nên nét khác biệt của phụ nữ Việt Nam, có chăng, sự khác biệt chỉ là ở cách nhìn nhận vấn đề hy sinh. Trong khi phụ nữ Việt Nam coi hy sinh như một nghĩa vụ, một phẩm chất phải có thì phụ nữ Mỹ lại chỉ đơn giản coi việc hy sinh là một lựa chọn của bản thân, không dưới bất kỳ sức ép nào.
Cô kế toán làm việc ở trường mầm non của con tôi - một phụ nữ tóc vàng cao lớn xinh đẹp đã goá bụa - một mình ở vậy nuôi ba con ăn học. Nếu chị ở Việt Nam, việc “ở vậy” của chị có thể được hiểu như là sự hy sinh hạnh phúc bản thân vì con cái. Nhưng khi tôi hỏi, chị nói, mình lựa chọn sống như thế vì đó là cuộc sống khiến chị thấy thoải mái và hạnh phúc trong hoàn cảnh hiện tại.
Không biết tự bao giờ, hy sinh trở thành thứ danh hiệu cho phụ nữ Việt Nam? Dần dà, nó trở thành thuộc tính. Là phụ nữ Việt, ắt phải biết hy sinh. Chẳng hạn, một góa phụ Việt Nam, đặc biệt là ở những vùng thôn quê, chắc sẽ phải đối diện với ít nhiều lời gièm pha nếu muốn tái giá.
Tôi không muốn nghĩ hy sinh là bản sắc của phụ nữ Việt. Vì suy cho cùng, hy sinh chỉ đẹp khi đó là hành động tự nguyện. Nếu biến thành một thuộc tính, nó sẽ trở thành một thứ kim cô, trói buộc ước mơ và khát vọng.
Thanh Lưu