Cuối năm 2015, tôi tới thăm một trong những “thủ phủ thịt heo” cả nước, huyện Thống Nhất, Đồng Nai. Thời điểm đó, thương lái Trung Quốc ồ ạt mua vào, phong trào nuôi heo nở rộ đến từng nhà. Cái mùi ngai ngái phân heo kéo dài từ đầu xã tới cuối xã, bao trùm từng ngôi nhà từ khang trang cho đến tồi tàn, cho thấy nghề nuôi heo lên ngôi như thế nào. Những hộ nuôi heo, từ vài chục cho đến vài trăm con, tự tin với tương lai tươi sáng khi dẫn tôi đi xem chuồng heo ở ngay phía sau nhà.
Bất kỳ ai từng ở nông thôn cũng có thể hình dung ngay được khu chuồng đó: những khuông nhỏ như phòng biệt giam với hàng rào gỗ cáu bẩn, sàn vương vãi phân heo, và khi nào cũng nháo nhác âm thanh ồn ã. Hệ thống nước thải dẫu có chảy ra bể chứa, vẫn nặng mùi.
Là người quan sát, nhưng cũng là người tiêu dùng, tôi băn khoăn về việc làm sao để đảm bảo 1,5 triệu con heo của toàn tỉnh (lúc đó) đủ các tiêu chuẩn về vệ sinh và chất lượng? Tôi nhận những câu trả lời qua loa. Về sau, tôi hiểu vì sao: họ thực ra không có trách nhiệm giải trình với tôi, hay thậm chí là cơ quan chức năng, mà với thương lái - người trực tiếp trả tiền để mua thịt của họ. Ai trả tiền, người đó mới là thượng đế.
Đó có lẽ cũng là suy nghĩ của đa phần trong số hơn 4 triệu hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ khác trên cả nước, cung ứng khoảng 70% tổng sản lượng heo thịt cho thị trường nội địa. Thương lái là người quyết định phương thức vận hành, chứ không phải các tiêu chuẩn kỹ thuật. Nhưng tiếc rằng thương lái không có trách nhiệm quy hoạch vĩ mô, hay xây dựng nông nghiệp bền vững. Bây giờ, khi mà thị trường Trung Quốc khó vào hơn, thị trường trong nước có khủng hoảng thừa, luật chơi thay đổi, thì những chuồng heo nhỏ ấy không thể trụ vững trước sóng gió. Người chăn nuôi khốn đốn.
Mang thói quen “thăm chuồng” dễ dàng ở các hộ nuôi heo Đồng Nai, tôi ngạc nhiên khi vào thăm một hợp tác xã chăn nuôi ở huyện Duy Xuyên, Quảng Nam gần đây. Ai muốn vào chuồng heo, phải qua một quy trình khử trùng nghiêm ngặt như trong phòng thí nghiệm. Giám đốc hợp tác xã, một cựu sinh viên Bách khoa TP HCM - trên 40 tuổi - giảng giải cho tôi về tầm quan trọng của việc giữ vệ sinh và đảm bảo sức khoẻ cho đàn heo hàng nghìn con. Nhờ đó, hợp tác xã ký được hợp đồng trực tiếp với các hệ thống siêu thị và nhà hàng lớn tại địa phương xung quanh. Họ vì thế không hề hấn gì giữa cuộc khủng hoảng giá heo trầm trọng nhất trong hàng chục năm qua. Họ vẫn sống được, vì hiểu mình bán cho ai, và người mua cần sản phẩm gì.
Những hợp tác xã như thế, đáng tiếc lại là của hiếm. Trong số hàng triệu đơn vị chăn nuôi heo ở nước ta, chỉ có 0,78% số hộ nuôi hơn 50 con heo trở lên. Chỉ có 15% lượng thịt cung ứng ra thị trường đến từ chăn nuôi thương mại hay hợp tác xã. Tính số đầu heo trung bình, con số chỉ khoảng hơn 10 con/đơn vị kinh doanh.
Số con mỗi đàn có thể không phải là tất cả, nhưng nó cũng lý giải phần nào vấn đề đang diễn ra. Nó cho thấy một thị trường quá đông đúc, đầy tính tự phát, và vì thế, mang nhiều rủi ro. Thử so sánh ở nước láng giềng Trung Quốc, trong giai đoạn 1991 và 2009, mức đầu heo trung bình ở mỗi trang trại tăng lên từ 945 con lên đến 8.389 con. Đan Mạch, quốc gia vẫn được coi là cường quốc nuôi heo, có số liệu còn ấn tượng hơn: chỉ 5.000 trang trại, xuất chuồng khoảng 28 triệu con heo mỗi năm.
Manh mún, nhỏ lẻ, thiếu hiểu biết về thị trường, những nét nổi bật của ngành nuôi heo cũng là đặc điểm chung của cả ngành nông nghiệp Việt Nam đang loay hoay trong thời đại kinh tế thị trường. Lỗi từ quá trình quy hoạch cho đến cảnh báo, hay cảnh báo chưa đủ mạnh, của một số cơ quan chức năng là rõ ràng. Nhưng tai hoạ không phải tự dưng mà rơi xuống đầu người nông dân.
Một cuộc “khủng hoàng thừa”, một phi vụ giải cứu nông sản, nếu chỉ diễn ra một lần thì đó là thiên hoạ, còn nếu diễn ra nhiều lần và lặp đi lặp lại, thì chúng ta phải thẳng thắn nhìn vào trách nhiệm của con người.
Tôi từng tham gia “giải cứu” dưa hấu, với tư cách người dùng. Nhưng thú thực, dưa được “giải cứu” có chất lượng không tốt. Nhiều người chia sẻ với tôi sự phiền lòng này. Với sự nhạt nhẽo của những quả dưa, cuộc giải cứu biến hoàn toàn thành một cuộc từ thiện, chứ không còn là nhu cầu thị trường. Kể cả những mặt hàng giải cứu có chất lượng đi chăng nữa, vấn đề vẫn như vậy: không thể tăng gấp đôi số thịt trong bữa ăn liên tục để “giải cứu heo”. Và đương nhiên, khi không có nhu cầu thì không bao giờ có lối ra bền vững nào cả.
Những cuộc giải cứu nông sản rầm rộ vừa qua có thể sẽ giúp cả nhà nước và nông dân học được nhiều điều về quy luật thị trường. Và họ thực sự cần học nhanh, bởi thị trường là một thầy giáo giỏi nhưng rất nghiêm khắc. Tình thương qua những cuộc giải cứu cũng có thể coi là một loại bảo hiểm xã hội. Và cũng giống như nhiều loại bảo hiểm khác, nó chỉ phát huy công dụng hiệu quả trong một lần duy nhất.
Chỉ có người sản xuất tự cứu được chính mình.
KHẮC GIANG