“Tôi đi công tác miền Tây, thấy thanh long chín đầy ruộng, đọc báo thấy nông dân không bán được hàng do ảnh hưởng virus corona. Tôi nghĩ đến việc thử làm bánh mì thanh long”.
Đó là tâm sự của Kao Siêu Lực – người từ lâu được gọi là "Vua bánh mì" Sài Gòn. Có lẽ trên thế giới này, chưa ai làm bánh mì thanh long.
Chiều muộn thứ bảy vừa qua, tôi nhận được món quà lạ lùng: Hai hộp carton trắng dày trang trọng, do trợ lý anh Kao Siêu Lực chuyển đến tận nhà. Anh trợ lý nói: "Hổm rày, thấy tình hình thanh long gặp khó, anh Lực tập trung nghiên cứu, quyết định thử nghiệm với thanh long đó chị. Đây là mẻ bánh đầu tiên".
Tôi cầm những ổ bánh mì vàng rộm còn nóng, muốn chảy nước mắt. Chia cho mấy người trong nhà ăn thử. Vị bánh mì quen thuộc có những hạt đen li ti, thoảng chút mùi thơm của trái cây. Vỏ bánh giòn, xốp, ruột đặc rất dẻo, thơm, điểm xuyết những hạt li ti của trái thanh long như rắc mè đen. Vị bánh mì không bị đổi sang chua hay ngọt, mùi và vị đều rất thanh. Tôi nghĩ thầm, hôm nay có chuyến đi Cần Thơ thăm các nghệ nhân ẩm thực đầu năm, nhất định phải mang theo để khoe.
Anh quyết định làm và còn giới thiệu cách làm rộng rãi để có nhiều tiệm bánh mua nhiều thanh long cho nông dân hơn. Thật vui và bất ngờ khi hành động của anh được nhiều người phản ứng rất thú vị, tích cực.
Sầu riêng, khoai lang, yến, thạch chuẩn bị ký nghị định thư để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc năm 2020, nay phải dừng vì Trung Quốc gặp bệnh dịch, huống chi là các mặt hàng xuất khẩu tiểu ngạch. Thanh long đang khó nhất, rồi đến mít, sầu riêng, nhãn...
Giữa lúc nông sản gặp khó vì dịch bệnh trên trời rớt xuống, "Vua bánh mì" đã ra tay giải cứu nông sản theo chuyên môn của anh là nâng cao giá trị gia tăng cho nguồn tài nguyên bản địa phong phú, giàu có này bằng cách chế biến. Cách nhập cuộc rất sáng tạo với thái độ dứt khoát, chóng vánh, gói ghém tấm lòng thương yêu và lặng lẽ sẻ chia khó khăn với nông dân đã tạo cảm hứng cho nhiều nhà chuyên nghiệp khác.
"Năm ngoái, có chương trình giải cứu thanh long vào đầu hè, mình mua làm rượu được khoảng 150kg. Năm nay, thanh long được cứu sớm hơn vì dịch nên dù bận bịu cũng bỏ ra hai ngày để xử hơn 200 kg", nghệ nhân ẩm thực Bùi Sương kể với tôi. Chị nói, "sao thương người bạn nông dân của mình quá".
Thực tế thì trong lúc trái cây bị ùn ứ ở cửa khẩu quá nặng nề, chính quyền các địa phương muốn can thiệp hỗ trợ cũng không phải dễ. Tôi tham dự hai cuộc họp của hai sở Công thương thì thấy tình trạng ngặt nghèo ở chỗ, ngoài các siêu thị mua theo phong trào, các doanh nghiệp chế biến nhiệt tình cũng khó tham gia rốt ráo vì họ không có thị trường sẵn nên không thể tiêu thụ trái cây chế biến mà chỉ có thể gia công, chế biến với giá rất mềm, thậm chí giúp không. Can thiệp giữa chừng thì chỉ có một cách là thuyết phục người tiêu dùng "nể tình", mua về ăn thôi.
Năm nay, có một số bạn trẻ theo chuyên môn của mình, nhanh nhảu tìm được cách "ứng cứu" nông dân. Công ty Hiệp Thanh thường bán phân bón vi sinh cho nông dân đã có giải pháp nhanh, khảo sát hiện trạng và nhu cầu ở Long An, từ đó, phân tích cho nông dân biết tình hình, tư vấn cho biết cách chăm sóc, tạo trái về sau chứ không bỏ mặc trái chín treo hoặc đốn bỏ. Nông dân sẽ thu hoạch, dưỡng cây và nhờ Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao kết nối các nhà chế biến và phân phối.
Còn với doanh nông Nguyễn Lâm Viên, người trực tiếp trồng, thu mua, chế biến sản phẩm của người nông dân mấy chục năm rồi, anh cũng đang bàn với bạn bè để thực hiện giải pháp mà theo anh là căn cơ, từ góc độ kinh doanh nông sản cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. Theo anh, cái vướng của việc kinh doanh nông sản hiện nay là khâu bảo quản, chế biến còn yếu.
Anh Viên đề xuất mỗi tỉnh nên lập một trung tâm phân loại, bảo quản, sơ chế và chế biến nông sản chủ lực của tỉnh mình. Nếu muốn buôn bán với người Trung Quốc thì nên lập công ty thương mại để giao dịch với họ. Công ty làm thương mại thì có vốn, có thông tin thị trường, có chuyên môn về đàm phán sẽ thay mặt người nông dân thương lượng việc bán mua, dự liệu các trục trặc, rủi ro. Tuyệt nhiên không nên để thương lái Trung Quốc hay các nước tự tiện vào đến tận vườn, gặp người nông dân, đưa giá ảo khiến nông dân cả tin, treo hàng chờ giá rồi bị ép, bị gạt. Khi họ "biến mất" rồi, có muốn giúp nông dân thì chính quyền cũng chỉ có thể can thiệp ở "cái ngọn" rất trễ tràng.
Người của công ty thương mại biết chuẩn chất của trái cây mà họ sẽ bán hay được đặt mua cũng sẽ có cách hướng dẫn nông dân thay đổi cách làm ăn bấp bênh, phiêu lưu hiện nay. Họ cũng sẽ biết cách tổ chức việc sơ chế rồi mới bán lại đúng theo yêu cầu, và dĩ nhiên được giá, cho các công ty chế biến. Ai làm việc nấy. Khó khăn rẫy đầy nhưng có cách làm đúng, chính quyền và doanh nhân, nông dân đồng lòng thì mới nâng giá trị nông sản lên dần được. Khi có giá tốt, không bị thương lái Trung Quốc lật kèo thì nông dân sẽ tự chuyển mình, thay đổi.
Góc nhìn này chỉ dám bàn chung quanh chuyện thời sự là "giải cứu" nông sản bằng cái tâm của một số nhà doanh nghiệp, còn "giải cứu" nền nông nghiệp đang dần theo hướng "gia công" hiện nay thì phải là một hệ thống giải pháp khác. Và dù cách nào, điều quan trọng nhất không phải thay giống cây, cải tạo ruộng vườn, sửa từng chính sách cụ thể mà là thay cái đầu làm kinh tế nông nghiệp.
VŨ KIM HẠNH