Tại hội nghị giao ban công tác tài nguyên và môi trường (TN-MT) vùng phía Bắc tổ chức ngày 13-8, Bộ TN-MT đưa ra những cảnh báo, dù cũ, nhưng vẫn gây giật mình.
Đó là nguy cơ chịu ô nhiễm từ Trung Quốc vẫn hiển hiện. Cụ thể, các tỉnh phía Bắc nước ta có nguy cơ chịu tác động tiêu cực của các vấn đề về môi trường xuyên biên giới từ Trung Quốc. Trong đó, hệ thống sông Hồng có 50% lượng nước xuất phát từ Trung Quốc. Chưa hết, vào mùa Đông, khi gió mùa Đông Bắc tràn xuống, miền Bắc nước ta có nguy cơ cao chịu tác động ô nhiễm môi trường không khí từ nguồn thải phát sinh từ 3 nhà máy điện hạt nhân ở phía Nam Trung Quốc vừa chính thức đi vào hoạt động hồi năm 2016, rất gần với biên giới trên đất liền và biên giới biển nước ta.
Đáng lo ngại, theo báo Thanh Niên thông tin sáng nay: Nhà máy gần nhất biên giới chỉ cách TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh khoảng 50 km!
Những cảnh báo của Bộ TN-MT quả là không thừa nhưng nếu chỉ nói là "nguy cơ" thôi thì chưa đầy đủ, chưa thật sát với tình hình.
Ví dụ như sông Hồng, đã gánh chịu dòng nước ô nhiễm từ Trung Quốc nhiều năm về trước chứ không phải bây giờ. Cách đây đúng 2 năm, tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc vào ngày 24-8-2016, chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã báo cáo với Chính phủ thực trạng ô nhiễm nghiêm trọng của sông Hồng, mà thực trạng này đã khởi phát từ... 4 năm trước đó chứ không phải từ 2016.
Dòng nước vàng ối, hôi thối trong khi các loại kim loại nặng độc hại trong nước thì không thể cân đo, kiểm soát được từ thượng nguồn chảy sang, nhiều tỉnh phía Bắc phải hứng. Đằng sau con nước ô nhiễm ấy là sinh kế, tính mạng của biết bao nhiêu người... Cho đến bây giờ, chưa có báo cáo khảo sát mới nhưng chắc chắn tình hình vẫn còn tệ hại.
Chúng ta hiện đang phải xử lý hậu quả từ một dạng ô nhiễm khác, đó là công nghệ lạc hậu từ các nhà thầu Trung Quốc. Bắc - Trung - Nam, ở đâu cũng có. Vì thế, các tỉnh - thành mà còn vồ vập với FDI, còn ham tích lũy thành tích thu hút đầu tư thì có ngày lãnh đủ. Vừa hồi, kịp nghe phản biện của dư luận và giới khoa học, Hải Phòng đã tạm gác dự án nhà máy giấy của Tập đoàn Cửu Long (Quảng Đông - Trung Quốc) công suất 1 triệu tấn/năm đề xuất xây tại KCN Nam Đình Vũ. Bài học "bỏ thì thương, vương thì... họa" của nhà máy giấy Lee & Man của Hậu Giang vẫn sờ sờ trước mắt; không riêng Hải Phòng, các địa phương phải thuộc nằm lòng.
Lại nói về Lee & Man. Một nguồn tin khả tín cho chúng tôi biết được sự bật đèn xanh của các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ TN-MT, nhà máy này dự kiến tăng công suất hiện hữu lên gấp 3 lần, từ 420.000 tấn/năm lên 1.420.000 tấn/năm.
Cho dù Lee & Man đã bỏ dự án sản xuất bột giấy (cực kỳ ô nhiễm), chỉ còn sản xuất giấy nhưng với công suất "khủng" như vậy, coi chừng người dân Hậu Giang ở xung quanh nhà máy này bị triệt đường sống. Dứt khoát, các nhà chức trách, nhà khoa học thông qua Báo cáo Tác động môi trường (ĐTM) của dự án mở rộng nhà máy (và cả dự án hiện hành) phải chịu trách nhiệm toàn diện về chữ ký của mình trước pháp luật, trước nhân dân.
Và phải nói thêm, có một dạng ô nhiễm đáng sợ hơn, là ô nhiễm... tinh thần. Hồi đầu năm nay, một vài nhà hàng Việt Nam ở Đà Nẵng bị công kích vì niêm yết giá bằng tiếng Hoa, in hóa đơn thanh toán bằng tiếng Hoa, sau đó phải thay đổi. Mới đây, trên tấm thẻ (vé) đi chuyến tàu thử nghiệm Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) in đầy tiếng Hoa bên cạnh tiếng Việt. Việc làm sai trái này được Ban Quản lý dự án đường sắt thuộc Bộ Giao thông Vận tải đổ thừa cho tổng thầu Trung Quốc!
Đây không phải là lần đầu ở dự án Cát Linh - Hà Đông mắc phải chuyện như vậy. Lần nào họ cũng đổ thừa cho bên kia nên việc đổ thừa này là... thừa, không ai tin nữa.
Từ đó cho thấy ý thức trách nhiệm của họ với công việc rất kém. Suy rộng ra, ý thức với quốc gia, với dân tộc cũng mơ hồ. Sự "ô nhiễm tinh thần" ấy rất đáng lên án bởi nó còn đáng sợ hơn mọi "nguy cơ" nào khác mà Bộ TN-MT vừa dè dặt nêu ra!
HOÀI PHƯƠNG