Sau những trận lụt kinh hoàng hai ngày qua tại TP HCM, tôi được một số người hỏi: Nên phản ứng ra sao với tình huống y tế khẩn cấp trong ngập lụt cục bộ?
Tôi cũng đã trải qua cảm giác thất vọng và bất lực với dòng nước ngập, trong tư cách một bác sĩ. Người bệnh chính là mẹ tôi. Bà lên cơn cao huyết áp. Tôi chỉ cách nhà mẹ vài trăm mét mà không thể thoát ra khỏi vũng nước ngập. Tôi phải đọc đơn thuốc cho bà qua điện thoại.
Cuối cùng mẹ tôi cũng tạm ổn. Nhưng tôi không dám nghĩ đến việc có bao nhiêu tình huống y tế khẩn cấp những ngày qua, hay trong những trận lụt triền miên ở thành phố những năm qua, đã bị ngăn trở bởi nước - và tạo ra hậu quả nghiêm trọng. Vì đơn giản là chẳng ai thống kê chúng.
Trong ngập lụt cục bộ có rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Nhưng y tế sẽ luôn là điều khẩn cấp nhất vì nó liên quan đến tính mạng con người. Nguy cơ tai nạn cao, trong khi giao thông thì rất khó khăn, xe cấp cứu và người dân sẽ “bơi” thế nào đến bệnh viện?
Ở Mỹ, đơn cử như bang California, bạn có thể dễ dàng tìm thấy một “bộ quy tắc phản ứng” dành cho hoạt động y tế trong điều kiện ngập lụt bất ngờ. Hay ở Vương quốc Anh, một vùng nhỏ bé như hạt East Ayrshire, Scotland, cũng có “bản kế hoạch hành động” đối phó với ngập lụt.
Các quy định khá chặt chẽ và đồng bộ, từ phương pháp ứng phó, phương tiện di chuyển, quy trình giao thông, triển khai tìm kiếm, cứu nạn, phòng chống dịch bệnh sau ngập lụt... kể cả phân bổ nguồn lực, ngân sách và hỗ trợ từ thiện. Và đó là những quy định của chính quyền, không phải của riêng ngành y tế, nhưng rất chi tiết về các vấn đề y tế, bao gồm cả di tản bệnh nhân khi nước tràn vào.
Ở Việt Nam có cái gì tương tự không? Tôi tìm được "Kế hoạch phòng, chống, ứng phó tình trạng ngập úng do mưa lớn và triều cường trên địa bàn quận 11", và "Phương án chủ động phòng, chống, ứng phó tình trạng ngập úng do mưa lớn và triều cường trên địa bàn TP HCM".
Trong "Phương án chủ động phòng, chống, ứng phó tình trạng ngập úng do mưa lớn và triều cường trên địa bàn TP HCM", ban hành năm 2009, lượng thông tin rất ít. Mặc dù quy định nhiều thứ, quan trọng nhất là lưu thông ra sao, thông tin liên lạc ra sao... là những vấn đề thiết yếu và bị xáo trộn nhiều nhất khi có ngập lụt, lại không được quy định. Những quy định cho ngành y tế hết sức chung chung, như "huy động lực lượng y - bác sĩ, phương tiện, thiết bị, cơ số thuốc cần thiết để cứu thương, tiêu độc khử trùng, phòng ngừa dịch bệnh lây lan"...
Bản "Kế hoạch phòng, chống, ứng phó tình trạng ngập úng do mưa lớn và triều cường trên địa bàn quận 11", ban hành năm 2015 thì chi tiết hơn, cụ thể hơn. Tuy nhiên, hơn 10 năm nay và cả thời gian sau khi ban hành bản kế hoạch này, không có lần ngập nước nào mà tôi không đi qua những khu vực ngập của quận 11. Thật tình, tôi không nhận thấy bất cứ điều gì giống như trong quy định.
Thứ “phản ứng” ấn tượng nhất của nhân viên y tế TP HCM trong ngập lụt mà tôi biết, là ở một bệnh viện, nơi nước ngập qua mắt cá chân, các nhân viên y tế phải đi… bắt lươn trong bệnh viện.
Những vấn đề liên quan đến giao thông, cấp cứu cho bệnh nhân khi nước ngập là rất cấp thiết. Khi ngập nước, giao thường xuyên hỗn loạn và rất dễ bị tắc nghẽn, một phần do nước ngập, phần khác, do ý thức của người tham gia giao thông. Có thể nguồn lực chúng ta chưa cho phép trang bị nhiều thứ cho y tế, xuồng máy hay trực thăng như nước bạn, nhưng việc huy động CSGT hỗ trợ trong việc thiết lập trật tự giao thông ở những khu vực nước ngập, hoặc một hỗ trợ nào đó đặc biệt cho xe cứu thương - thứ liên quan tính mạng - không phải là quá tầm tay của chúng ta.
Tương tự vậy, khi các cơ sở y tế bị ngập nước, không có đơn vị nào hỗ trợ. Mà thực ra thì có cũng như không, nếu như chúng ta không có sẵn phương án dự phòng. Bệnh viện của tôi từng bị ngập nước, tràn vào phòng đặt máy CTScan, làm cho phương tiện này phải ngừng hoạt động hơn nửa tháng để sửa chữa.
Đã có ai xây dựng phương án ngăn chặn nước ngập vào bệnh viện, để không ảnh hưởng đến việc cấp cứu, hỗ trợ những người bị ảnh hưởng của nước ngập? Đã có nơi nào xây dựng phương án ngăn ngừa phát tán rác thải y tế hay các mầm bệnh từ bệnh viện... do nước ngập? Đã có địa phương nào lưu ý đến việc hỗ trợ cho y tế trong việc phòng và chống ngập?
Dù nguyên nhân ngập cục bộ tại TP HCM nói riêng và các đô thị lớn tại nước ta hiện nay là gì, thiên nhiên hay con người, đã đến lúc phải xác định đối mặt với chúng lâu dài. Và thay vì tranh cãi “lỗi tại ai”, trước mắt, cần ngay những kế hoạch phản ứng, ít nhất là cho điều thiết yếu, như y tế.
Rủi ro bệnh tật thì không chờ được dự án chống ngập nghìn tỷ.
VÕ XUÂN SƠN