Câu chuyện "nữ hoàng văn hóa tâm linh" ồn ào mấy hôm nay, tôi nhớ đến một danh hiệu "nhà báo quốc tế" đã gây xôn xao dư luận hai tháng trước và các kiểu danh xưng, danh hiệu tự đánh bóng mình…
Những câu chuyện siêu đẳng hơn người, ở những lời hô hào về "kỷ lục thế giới", lẫn cả những công trình, video ca nhạc, hay những thứ được gắn mác "vĩ đại". Tất cả đều dường như đang chạy theo danh hiệu ảo, chạy theo những kỷ lục.
To hơn, cao hơn, hoành tráng hơn...
Người nổi tiếng với kỷ lục những món ăn "siêu to khổng lồ", danh hiệu "top 5 kênh tăng trưởng mạnh nhất thế giới", người nổi tiếng với MV triệu lượt view "thoát khỏi mọi biên giới, địa lý" và luôn vào top được xem nhiều nhất thế giới...
Còn đó các kiểu danh hiệu hoành tráng luôn đi kèm với chữ "quốc tế", hay những danh hiệu gắn liền với tên gọi nữ hoàng, nam vương, vua, đỉnh cao, hàng đầu...
Tất cả, dù bằng cách này hay cách khác (đánh vào tâm lý ham "khổng lồ", dùng tiền mua danh, tự xưng, tự ứng cử các danh hiệu có vẻ hơn người...), suy cho cùng đều hướng đến việc đánh bóng chính mình, thu hút sự chú ý bằng những danh hiệu.
Đó là những cái tên nổi bật nhất. Phía sau họ còn rất đông người có xu hướng chạy theo danh hiệu, thích có và mua danh hiệu, tự bịa đặt ra các danh hiệu để kiếm lợi. Không ít doanh nghiệp tự gắn nhãn kèm mấy chữ đỉnh cao, vượt trội cho sản phẩm đơn vị mình.
Tỉnh thành này, quận huyện kia luôn có những chương trình tặng những danh hiệu đại trà. Những dịp lễ lớn, chúng ta lại thấy ở đâu đó đang cố gắng lập những kỷ lục để vinh danh. Tất cả đều hướng đến một hình thức hoành tráng, một danh hiệu (nhiều khi mơ hồ, không thể hiện được nội dung).
Câu chuyện "nữ hoàng" hôm nay, nghĩ cho cùng xuất phát từ thực tế xã hội nhiều người chạy theo cái danh, dù ảo cũng có vẻ giá trị hơn người và cũng được bao người trầm trồ, tin tưởng. Kèm theo đó là các kiểu lợi ích cho người có danh hiệu nọ kia. Và các kiểu danh hiệu bằng chiêu trò trên mạng hoặc "đóng tiền là có" ngày càng nhiều...
Thiếu thước đo thực chất
Vì sao những danh hiệu ảo như thế ngày một nhiều? Vì sao nhiều người vẫn tin và khát khao để có những danh hiệu ấy? Tôi nghĩ có hai lý do chính.
Một là, nhiều cá nhân, tổ chức vẫn thích "mua danh" hơn là tạo dựng danh tiếng bằng thực lực và sự cống hiến dài lâu. Hai là, bây giờ khá nhiều đơn vị chuyên đi tặng danh hiệu với giá cả "rất phải chăng", có một danh hiệu, một chứng nhận để nổi trội hơn người có vẻ nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Thực chất các kiểu danh hiệu lạ ngày càng nhiều này là gì? Làm sao có thể đo được chất lượng thật sự? Xã hội đang dễ tin hơn với các danh ảo chăng? Đằng sau những danh hiệu mà nhiều cá nhân, tổ chức đang chạy theo đó phải chăng là căn bệnh phô trương, chuộng hình thức?
Và thực tế đó cũng phản ánh sự lười biếng, lười cố gắng, cống hiến ít nhưng muốn được công nhận nhiều? Kiểu đóng tiền để có danh hiệu là cách khỏa lấp những khiếm khuyết giá trị nội dung bên trong (của sản phẩm đơn vị mình, năng lực cá nhân) bằng sự "hoành tráng" của một tên gọi.
Đằng sau câu chuyện đổi trao những danh hiệu ảo là sự háo danh của nhiều người. Chúng ta thường thích nói, thích nghe và dễ tin về những chuyện "hơn bao người". Vậy nên, sống khiêm tốn, từ chối những chuyện phô trương trở nên khó khăn hơn chăng? Danh hiệu giá bao nhiêu?
Thật đáng buồn, với những danh hiệu kiểu bán - mua (hoặc đóng tiền để có thì cũng vậy thôi), giá càng cao thì giá trị thực chất của sản phẩm, của cá nhân được nhận danh hiệu ấy càng nhỏ! KHÁNH HƯNG