Một đại dịch toàn cầu có thể mang chân dung như thế nào? Hầu hết chúng ta đều đã trải nghiệm điều đó, nhưng có thể đã quên.
Gia đình tôi trở lại Việt nam vào những ngày đầu năm 2010, sau một thời gian dài sống ở Hàn Quốc. Đưa con trai mới sinh về thăm ông bà nội và họ hàng, chúng tôi đi chơi khắp nơi, đón Tết ở Hà Nội, vào cả Sài Gòn rồi bay qua Australia. Không khí những ngày giáp Tết náo nhiệt, các chuyến bay đầy ắp người, hàng quán kinh doanh nhộn nhịp và trẻ em đi học bình thường.
Mọi chuyện không có gì đáng nói nếu như khi đó thế giới không ở giữa một đại dịch toàn cầu, dịch cúm lợn H1N1. Bắt đầu từ tháng 4/2009 từ Mexico, với tỷ lệ tử vong lúc đầu ước tính lên tới 6%, cúm lợn H1N1 chính thức được tuyên bố thành đại dịch toàn cầu vào cuối tháng 07/2009. Thực tế, số lượng lớn người nhiễm cúm H1N1 mang triệu chứng rất nhẹ rồi tự khỏi, tỷ lệ tử vong của cúm lợn cuối cùng được xác định khoảng 0,1%, tương đương với dịch cúm mùa hàng năm.
Tỷ lệ tử vong của Covid-19 hiện nay được WHO công bố là 3,4%. Nhưng tỷ lệ tử vong ở Hàn Quốc, một tâm dịch Covid-19 hiện tại, là 0,6%. Con số này thấp hơn hẳn so với những nơi khác như Trung Quốc, Italy. Đánh giá chính xác tỷ lệ tử vong trong các đại dịch toàn cầu là việc không đơn giản, nhất là với những bệnh mang triệu chứng cúm thường như H1N1 năm 2009 hay Covid-19 hiện nay. Lý do là rất nhiều người thực tế có thể đã nhiễm virus, tự khỏi trong một thời gian ngắn và không đến bệnh viện, dẫn đến việc thống kê tổng sổ người nhiễm bệnh thiếu chính xác.
Thế giới những năm đầu 2010, các nước phát triển căn bản vừa ra khỏi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 bằng những chính sách kích cầu quyết liệt. Trong đó nổi bật nhất là giảm lãi suất cho vay. Facebook lúc này vẫn chưa là một công ty đại chúng và chỉ có khoảng 300 triệu người dùng. Thuật ngữ "fake news" chưa ra đời, mọi người chủ yếu vẫn dùng mạng xã hội làm công cụ trao đổi suy nghĩ và giao lưu là chính. Câu like, câu view, cạnh tranh buôn bán online chưa phổ biến. Có lẽ cũng vì vậy mà thông tin về đại dịch đáng sợ này đã không được lan truyền. Các chỉ số chứng khoán trên khắp thế giới đều đặn tăng trưởng, cho thấy đại dịch H1N1 không ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế.
Nhưng có thể đại dịch toàn cầu Covid-19 sẽ không diễn ra theo kịch bản lạc quan như thế. Một cuộc khủng hoảng kinh tế đang đến gần.
Những cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính thường là điểm bắt đầu của một chu trình tăng giảm lãi suất cơ bản từ các ngân hàng trung ương. Thông thường khi xảy ra khủng hoảng thì lãi suất được giảm đến mức tối đa để đưa tiền vào kích thích nền kinh tế. Khi nền kinh tế hồi phục, thường đi cùng với những hệ lụy không mong muốn về bong bóng tài sản, thì lãi suất được tăng dần lên để kiềm chế lạm phát. Điều này lại có thể kích hoạt những bong bóng tài sản nhất định dẫn tới một cuộc khủng hoảng mới, và chu trình được lặp lại.
Năm 2000, cuộc khủng hoảng kinh tế dotcom ép các ngân hàng trung ương ở Mỹ và EU giảm và duy trì lãi suất thấp trong một thời gian dài. Điều này kết hợp với quá trình cho vay dưới chuẩn đã góp phần tạo nên bong bóng nhà đất ở Mỹ. Lãi suất tăng dần đến đỉnh vào năm 2007 dẫn đến vỡ bong bóng nhà đất ở Mỹ và khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2008.
Lãi suất cơ bản sau đó lại giảm mạnh và duy trì trong thời gian dài. Theo lẽ thường, khi tiền trở nên "rẻ" thì tài sản sẽ tăng giá và lại sẽ có bong bóng tài sản. Kể từ đầu 2017 cục dữ trữ liên bang Mỹ đã nhiều lần tăng lãi suất cho đến khi bắt buộc phải giảm trở lại vào cuối 2019 do ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Lãi suất cơ bản ở Mỹ và EU cũng như các nước phát triển khác như Australia hay New Zealand năm 2020 đều đang ở mức rất thấp trong lịch sử.
Nói một cách khác, các ngân hàng trung ương lúc này không còn nhiều "đạn" để chống chọi với một cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính mới. Họ không còn dư địa giảm lãi suất, nếu như không muốn đưa lãi suất xuống dưới 0.
Thế giới năm 2020, với mức lãi suất thấp kỷ lục, các nhà đầu tư đau đầu tìm kiếm nguồn lợi nhuận. Điều này tạo điều kiện cho các công ty trên phạm vi toàn cầu thoải mái vay mượn bằng cách phát hành trái phiếu. Nguồn tiền huy động được sử dụng trong việc phát triển kinh doanh; trực tiếp mua lại cổ phiếu của chính mình, góp phần làm tăng giá cổ phiếu hay mang ra trả cổ tức. Những công ty lớn thậm chí còn có thể tận dụng uy tín để huy động nguồn tiền với giá rẻ, rồi đem cho các công ty khác vay tìm kiếm lợi nhuận. Apple nổi tiếng với việc có nguồn "tiền mặt" dồi dào lên đến hàng trăm tỷ USD gần đây cũng phát hành trái phiếu vay 7 tỷ USD.
Với mức lãi vay thấp, các công ty không cần phải có kết quả kinh doanh xuất sắc vẫn có thể tồn tại trong một thời gian dài, miễn là có đủ khả năng trả lương nhân viên cùng với lãi vay hàng quý...
Nhưng đại dịch Covid-19, với hơn 100.000 người nhiễm bệnh và khoảng 4.000 người chết, đã và đang tạo ra một cuộc khủng hoảng. Mọi người trở nên hốt hoảng, trẻ em nghỉ học dài ngày, quán xá đóng cửa, các công việc kinh doanh đột nhiên ngừng trệ. Thế giới chứng kiến những hành vi khó giải thích như tích trữ đủ thứ, hay đánh nhau vì giấy vệ sinh ở Australia hay Canada.
Song hành với Covid-19, một cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính trên phạm vi toàn cầu đang nhanh chóng hình thành, các ngân hàng trung ương lần này còn rất ít nguồn lực để chống chọi với nó. Chỉ trong vòng 2 tuần các chỉ số chứng khoán toàn cầu giảm đến hơn 20%, điều chưa hề xảy ra kể từ 2008.
Khi kinh tế đình trệ, doanh thu giảm đột ngột dù chỉ một quý cũng sẽ dẫn đến việc các công ty khó có thể bảo đảm vừa trả được lương nhân viên, vừa trả lãi vay, cho dù đã ở mức thấp. Cắt giảm nhân sự ở quy mô lớn là điều hoàn toàn có thể, đi kèm với nó là những hệ lụy của mất nhà, mất tài sản trên diện rộng, và cái chết, theo đúng nghĩa đen của nó.
Trong một nghiên cứu công bố trên tờ The Lancet, một trong những tạp chí y khoa danh giá nhất thế giới, các nhà khoa học đã chỉ ra liên hệ giữa cuộc khủng hoảng tài chính 2008 với ít nhất thêm 260.000 người chết vì ung thư, chưa kể những vấn đề khác như tim mạch hay tự tử. Thất nghiệp dẫn đến không có bảo hiểm, tiền chi trả y tế, và cái chết.
Cũng như những đại dịch khác, Covid-19 đến rồi sẽ qua đi. Tỷ lệ tử vong sau khi được thống kê đầy đủ có thể cũng sẽ như những lần trước. Nhưng thế giới năm 2020 dường như không có chỗ cho sự lạc quan: Facebook lúc này đã trở thành một quyền lực toàn cầu. Tin giả, câu like trở thành một hiện tượng xã hội phổ biến. Hàng tỷ người đang trông chờ vào mạng xã hội để chọn thái độ sống và làm việc. Và rất nhiều trong số đó, do sự nhiễu loạn của thông tin, chọn thái độ sợ hãi cùng cực.
Với những người ốm yếu, sẵn bệnh tật trong cơ thể, Covid-19 thực sự sẽ gây chết người. Kinh tế thế giới những năm 2020 trong một chừng mực là một cơ thể như vậy, và các ngân hàng trung ương lúc này không còn nhiều "thuốc".
Khói trong rạp hát có thể gây ra đám cháy, cũng có thể chết người, nhưng hoảng loạn dẫm đạp lên nhau thì chắc chắn sẽ nhiều người chết. Việc phòng, chống dịch bệnh đã và luôn cần thực hiện một cách nghiêm túc. Nhưng cái chết (theo nghĩa đen) đến từ khủng hoảng kinh tế cũng là có thật. Đây là lúc không có chỗ cho sự hoảng loạn và sợ hãi.
NGUYỄN VIỆT LINH