Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,432,958 lượt

Cái tát có giá 15 triệu đồng và sự "tủi thân" của nữ bác sĩ

Dư luận ủng hộ quyết định của Cục hàng không khi xử phạt hành khách tát tiếp viên 15 triệu đồng và cấm bay 6 tháng. Đằng sau quyết định xử phạt đó khiến không ít các bác sĩ mủi lòng.

 

Nghề y vốn là nghề cứu người nhưng các nhân viên ở đó chưa bao giờ được bảo vệ. Biết bao câu chuyện bạo hành y tế đã xảy ra nhưng hầu như họ không nhận được sự thông cảm, chở che của dư luận. Rất nhiều nhân viên y tế xót xa vì thấy mình cũng là nghề phục vụ nhưng lại bị lãng quên, không được bảo vệ. Đặc biệt sau những quyết định xử lý dứt khoát, có tình có lý của Cục Hàng không đối với hành khách bạo hành nữ tiếp viên, họ càng suy nghĩ về ngành, về nghề.

 

Bác sĩ Trần Thị Huyên Thảo sống tại TP.HCM đã có những chia sẻ như thế về công việc của mình. Infonet xin trích đăng ý kiến này: “Trong hơn 1 tuần nay, trái tim tôi thổn thức, hôm nay không dừng được, nên quyết định lên tiếng mà thôi!

 

Chưa bao giờ như lúc này, tôi ước gì mình trở thành tiếp viên hàng không. Các bạn thật sự có một ngành nghề đáng ngưỡng mộ, vì được bảo vệ và lo lắng một cách tuyệt vời! Khách hàng cư xử hồ đồ, bạt tai một phát vì nghi trộm điện thoại, thì luật hành chính ở đâu loẹt xoẹt ra liền! Có Cảng vụ hàng không đứng ra tự động phạt liền 15 triệu đồng, chẳng cần toàn án dân sự.

 

Chưa kể còn đưa thông báo để cấm sử dụng dịch vụ hàng không của hãng và các hãng khác trong 6 tháng liền. Mai mốt ai có muốn giận dữ xòe tay dang chân cũng phải nhớ đến cái vụ này mà tự động khép nép, e lệ, uốn lưỡi 1000 lần trước khi muốn nói gì với các bạn tiếp viên xinh đẹp.

 

Nhưng phải chi, các anh chị bên ngành hàng không chỉ dừng ở đó thôi, thì còn đỡ! Đằng này các anh chị lại làm một phát, lo cho tinh thần của bạn tiếp viên bị đánh nè, cho nghỉ vài ngày, rồi còn cho tiếp thêm gần cả tuần nghỉ nữa, để em ấy lấy lại tinh thần.

 

Trái tim người nhân viên y tế này chỉ còn từ tan nát mà thôi! Chưa bao giờ, cảm thấy ngành y của mình khốn khổ và què quặt đến thế này.

 

Tự hỏi thật sự, đến bao giờ người nhân viên y tế mới được nghĩ đến và có luật riêng để bảo vệ? Đến bao giờ, những người đang làm nhiệm vụ chăm lo sức khỏe tinh thần cho người bị bệnh, mới được nghĩ đến và chăm lo đến sức khỏe tinh thần tình cảm của chính mình, trong những trường hợp bị dọa nạt, hành hung?

 

Đến bao giờ, người trong ngành mới được trấn an rằng mình sẽ được bảo vệ một cách đúng đắn, tôn trọng, khi làm việc?

 

Đến bao giờ, người ngoài ngành mới được nhận thức có những giới hạn lời nói và hành vi mà họ phải tôn trọng khi đến với những người thăm khám bệnh?

 

Và trên hết, đến bao giờ, người “ngồi trên” mới ngừng xỉ vả và đổ lỗi cho những người “đứng dưới” vì những vấn nạn, khó khăn trực tiếp gây ra bởi những hệ thống cũ kĩ, cồng kềnh, lạc hậu, nghèo nàn, mà đáng ra phải được giải quyết từ bên trên?

 

Một tháng trước, tôi hỏi bệnh dùm một bệnh nhân, từ một người bạn thân cùng ngành của mình, và đã nhận được một câu trả lời đầy công kích và phòng thủ từ chính người bạn của mình! Tôi bị tổn thương, nhưng xem vết thương lòng của mình, chính là vết thương lòng của bạn, vì tôi hiểu, bạn đã phải căng thẳng và phòng thủ thế nào trong công việc của bạn, để có thể trở nên đầy gai góc với tôi như thế! Nhưng... lòng tôi có sẹo!

 

Tháng này, tôi thật sự muốn tung hê hết thảy, vì sự thật là, khi một ngành nghề khác vẫn còn vững vàng gìn giữ phẩm cách nhân viên trong ngành, và có thể bảo vệ nhân viên một cách tối ưu, về thân thể lẫn tinh thần, trong cùng một xã hội con người, thì sự khốn khổ của ngành y, trong việc xử lý các trường hợp bạo hành y tế, rõ ràng không phải bắt nguồn từ xã hội mà ra!

 

Nói một cách hình ảnh, thì thật sự là, ngành y cũng là một máy bay. Nếu máy bay của hàng không chỉ chở những con người khỏe mạnh bay trên trời cao, thì máy bay của chúng tôi lại chở những con người yếu ớt, bệnh tật, và có rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn, từ chính những hành khách bị bệnh của mình!

 

Chỉ có điều, chúng tôi không chở hơn 100 con người cùng một lúc, trong vài tiếng đồng hồ. Chúng tôi chở có thể hơn con số 100 đó, trong vài tiếng trong ngày, nhưng các bạn lại không có mặt cùng nhau.“Máy bay” nào cần được quan tâm, bảo vệ hơn? – tôi chắc không cần trả lời cho câu hỏi đó”.

P.THÚY

Top