Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,460,416 lượt

Cảnh giác với... "đường lưỡi bò văn hóa"

Tính đa dạng là một trong những đặc điểm phổ quát của văn hóa. Đánh giá giá trị của văn hóa một tộc người, một vùng đất hoặc rộng hơn, một quốc gia, khác với so sánh một thành tựu của văn minh. Giá trị văn hóa không nằm ở chỗ so sánh cao thấp mà nằm ở sự khác biệt.

  

Trên nền tảng đó, việc bài xích, tẩy chay hoặc phủ nhận văn hóa của một dân tộc, một quốc gia khác, cho dù nền văn hóa đó khác biệt, thậm chí có điểm không phù hợp với nền văn hóa truyền thống của chúng ta đều là việc hết sức nên tránh. Bài xích hay đả kích văn hóa của dân tộc khác, quốc gia khác chỉ ve vuốt tinh thần dân tộc chủ nghĩa một cách cực đoan. Đó là điều nên tránh.

 

Ngược lại, tiếp nhận, tung hô, thần tượng những sản phẩm hay ý thức văn hóa ngoại lai một cách thái quá, chúng ta cũng dễ bị rơi vào bẫy hồn nhiên chủ nghĩa, dễ làm cho tinh thần dân tộc trở nên suy yếu, bạc nhược, dẫn đến sự lệ thuộc. Một dân tộc thiếu bản sắc văn hóa thì sức đề kháng của dân tộc đó khó tránh khỏi suy yếu. Đó là một hiểm họa.

 

Ăn sâu vào máu của người Trung Hoa là cảm thức Hoa Hạ tự tôn, coi Trung Hoa là cái rốn vũ trụ. Đối với họ, bốn phương tám hướng xung quanh chỉ là những dân tộc thấp kém, mặc nhiên là “phiên thuộc”, gọi chung là (Nam) man, (Bắc) di, (Tây) nhung, (Đông) địch. Lịch sử Trung Hoa hàng ngàn năm là lịch sử của những cuộc thôn tính đất đai và lãnh thổ của những dân tộc, quốc gia đã bị cảm thức Hoa Hạ mặc nhiên coi là phiên thuộc đó.

 

Sách vở Trung Quốc, cho đến nay vẫn gọi tất cả những cuộc thôn tính bành trướng ấy bằng một từ mỹ miều là… thu hồi! Cùng với Triều Tiên và Nhật Bản ở hướng “Đông địch” Việt Nam chúng ta, hướng “Nam man”, hoặc Nam Bang (đất nhiệt đới phía nam) là vùng đất hiếm hoi từng bị cảm thức Hoa Hạ nhìn như đất phiên thuộc nhưng vẫn đứng vững hàng ngàn năm, không bị hòa tan vào Trung Quốc.

 

Lịch sử đã chứng minh, chính bản sắc văn hóa, sức đề kháng văn hóa kiên cường đã giúp chúng ta trở thành một thiểu số khó nuốt, không bị đồng hóa, tránh được đại họa bị xóa tên trên bản đồ thế giới.

 

Sự bành trướng cảm thức Hoa Hạ sặc mùi dân tộc cực đoan, hẹp hòi vẫn chưa dừng lại. Hầu như bộ phim cổ sử, giả sử nào của điện ảnh Trung Quốc hoặc Hồng Công cũng là câu chuyện tìm về hoặc bảo tồn, phát huy những giá trị tự tôn của Trung Nguyên, Trung Thổ, với những đe dọa, nguy cơ ảo tưởng đến từ những vùng đất “phiên thuộc” khắp bốn chung quanh.

 

Sản phẩm văn nghệ lấy đề tài cận đại, hiện đại cũng không quên thêm thắt, xuyên tạc, bóp méo những nguy cơ đó, tự biến dân tộc Trung Hoa thành nạn nhân của những âm mưu, sự công kích, lấn lướt của thế giới quanh họ vốn dĩ là thấp kém, vốn dĩ từng được họ nhường nhịn và giúp đỡ hoặc ban ơn mưa móc (!) Thủ vai hay ngợi ca điều đó, nhiều thế hệ nghệ sĩ Trung Quốc đã bị lệch lạc về nhận thức.

 

Nghệ sĩ Thành Lộc đã vạch rõ: “Những Phạm Băng Băng, Triệu Vy, Huỳnh Hiểu Minh, Lục Tiểu Linh Đồng v.v... vốn đã xem chúng ta là thần dân của họ, tài nguyên nước ta là tài sản của quốc gia họ từ bao đời nay rồi!”.

 

Những giá trị văn hoá Việt còn sót lại đang co rúm mình trước sự lấn át và xâm thực của văn hóa Trung Quốc vẫn xuất hiện nhan nhản trên các phương tiện giải trí, trên các trang mạng, các diễn đàn. Cuộc thập tự chinh văn hóa đang diễn ra âm thầm nhưng quyết liệt và rộng khắp, dai dẳng.

 

Những tranh chấp căng thẳng trên biển Đông đã trở thành một nguyên nhân quan trọng kích hoạt sự trỗi dậy của cảm thức Hoa Hạ trong xã hội Trung Quốc hiện đại, khi mà đa số người dân Trung Quốc hôm nay đều đã được giáo dục lịch sử sai lệch suốt hàng nhiều thập kỷ. Nó thổi bùng lên ngọn lửa dân tộc cực đoan trong phần lớn người dân Trung Hoa.

 

Các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng điều đó để tiếp tục tuyên truyền sai lệch về cái gọi là “quyền lịch sử” đối với đường lưỡi bò 9 đoạn sai trái và phi pháp trên biển Đông.

 

Ngay sau khi Tòa án Trọng tài quốc tế PCA ở La Haye đưa ra phán quyết bác bỏ “quyền lịch sử” của Trung Quốc, loại tính hợp pháp của đường lưỡi bò trên biển Đông, truyền thông Trung Quốc đã tràn ngập lời tuyên bố của các nghệ sĩ, ngôi sao giải trí phản đối quyết liệt phán quyết này.

 

Dường như đã được chuẩn bị sẵn, dưới bản đồ Trung Quốc có in hình đường lưỡi bò phi pháp, bên cạnh lời phản đối của từng nghệ sĩ, bao giờ cũng là một dòng chữ rất nhàm tai: “Trung Quốc nhất điểm đô bất năng thiểu” (Trung Quốc, một mảnh cũng không thể thiếu). Tất nhiên, cũng vẫn còn những tiếng nói của lương tri ủng hộ sự đúng đắn.

 

Diễn viên Hồng Công Châu Nhuận Phát là một ví dụ. Bất chấp nguy cơ bị cấm hoạt động nghệ thuật tại đại lục, ngôi sao lớn của điện ảnh Hoa Ngữ vẫn từ chối tham gia việc phản đối phán quyết của PCA như số đông đồng nghiệp Trung Quốc khác. Trước tin bị cấm, anh chỉ nhún vai: “Vậy thì kiếm tiền ít hơn thôi”.

 

Xuất phát từ lòng yêu nước, tình cảm dân tộc, hàng loạt người hâm mộ Việt Nam đã tuyên bố tẩy chay các thần tượng Trung Quốc đã lên tiếng phản đối phán quyết của Tòa PCA. Nhiều nghệ sĩ Việt cũng đã có tiếng nói rõ ràng, dứt khoát trong vấn đề này. Nghệ sĩ Thành Lộc trước đó thậm chí còn từ chối nhận vai trong vở Lôi Vũ của Tào Ngu, vì tác giả và câu chuyện đều là sản phẩm văn nghệ của Trung Quốc (dù thật ra nó hoàn toàn không liên quan gì đến vấn đề tranh chấp biển Đông hiện tại).

 

Bên cạnh, cũng đã từng có người hâm mộ Việt tỏ ra rộng lượng (hay hời hợt?) khi băn khoăn: chẳng qua nghệ sĩ Trung Quốc cũng chỉ thể hiện lòng yêu nước của họ, hoặc giả họ vì miếng cơm manh áo, vì sự phát triển sự nghiệp, đành phải nói theo điều chính phủ họ muốn. Tẩy chay, lên án họ liệu chúng ta có quá hẹp hòi?

 

Có hai vế khác nhau nhưng không hề đối ngược nhau trong câu trả lời cho vấn đề này. Thứ nhất, chủ nghĩa dân tộc cực đoan và hẹp hòi không bao giờ đồng nghĩa với lòng yêu nước. Lao theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan chỉ đưa quốc gia dân tộc đến vị thế một hung thần, một con ngáo ộp quốc tế, khiến dân tộc đó trở nên xấu xí, tự đánh mất mình, không bao giờ giúp dân tộc trở nên mạnh mẽ và được kính trọng.

 

Phản ứng quyết liệt, vạch mặt và tẩy chay mầm mống xâm lăng văn hóa ẩn núp trong cảm thức Hoa Hạ đang trỗi lên, ngược lại, không hề là phản ứng cực đoan. Góp sức chống lại sự xâm lăng, tha hóa bản sắc và họa bị đồng hóa không bao giờ là suy nghĩ hay hành động hẹp hòi. Đó là tiếng nói của lương tri và lòng yêu nước mà nghệ sĩ, trí thức và công chúng văn nghệ cần góp sức.

 

Chúng ta không tẩy chay toàn bộ văn hóa Trung Quốc, không dè bỉu hay thiếu sự học hỏi đối với những sản phẩm văn nghệ đỉnh cao của họ. Tuy nhiên, cần ngừng ngay lập tức việc tung hô, ca ngợi những nghệ sĩ Trung Quốc mang nhận thức méo mó và sai trái, đang tự biến mình thành công cụ truyền bá cho những sản phẩm mang danh văn nghệ để kích động cảm thức Hoa Hạ cực đoan, tuyên truyền những luận điệu sai trái cho tham vọng bành trướng của Trung Quốc trên biển Đông. Đừng nhìn những tên lính tiên phong đang bắn nọc độc văn hóa vào dân tộc mình như những người hùng.

 

Ở mặt thứ hai, chúng ta cần rạch ròi. Chúng ta chỉ tẩy chay những tác phẩm cụ thể nào bôi nhọ, xuyên tạc dân tộc mình. Còn tất cả những gì thuộc về tinh hoa nghệ thuật của Trung Quốc hay bất kỳ ai, những tinh hoa văn hóa thuộc về nhân loại chúng ta đều trân trọng. Chắc chắn người Việt không hề sai lầm kính trọng, khâm phục đại văn hào Lỗ Tấn, trong khi đại văn hào này toàn chỉ trích, mỉa mai, đau xót cho chính dân tộc của nhà văn.

 

Ngược lại, chúng ta khó có thể đánh giá cao Mạc Ngôn đầy tự tôn, dù rằng “danh hiệu quốc tế” thì Mạc Ngôn có vẻ như “nhỉnh” hơn một chút. Không thể nhắm mắt khen, ca ngợi, dịch in tràn lan Ma chiến hữu chỉ vì Mạc Ngôn – tác giả - từng đạt Nobel Văn học bởi tác phẩm đó đã bóp méo lịch sử, ca ngợi kẻ xâm lược, thóa mạ những hy sinh xương máu của hàng vạn người lính Việt Nam đã ngã xuống trong chiến tranh biên giới phía Bắc.

 

Tiếp nhận văn hóa cần qua bộ lọc, hay nói cách khác là nâng cao bản lĩnh, khả năng tiếp nhận văn hóa chứ không a dua. Cảm thức Hoa Hạ vẫn tồn tại đến tận hôm nay.

 

Nó không khác gì một “đường lưỡi bò” trên lĩnh vực văn hóa văn nghệ đang lăm le liếm vào lòng tự hào dân tộc, tinh thần độc lập, tự chủ và quyết tâm bảo vệ trọn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam. Nó là căn nguyên, là gốc rễ tạo nên tham vọng bành trướng trước hết là trên mặt tư tưởng, văn hóa mà vì nó, Việt Nam chúng ta đang chịu hệ lụy. Chúng ta không thể tiếp nhận, đồng tình với nó để rồi mất cảnh giác, đến một lúc nào đó sẽ mặc nhiên thừa nhận, yếm thế tự đặt mình vào vị thế nạn nhân trong vấn đề tranh chấp, tranh cãi về chủ quyền, cả trên bộ lẫn trên biển Đông.

 

Thừa nhận, tung hô sự vĩ đại, chính nghĩa, giá trị của cảm thức Hoa Hạ Trung Quốc, lâu dần chúng ta sẽ trở nên “nhược” chứ không chỉ đơn thuần là quốc gia “nhỏ”. Việc tự coi mình đồng đẳng với đối trọng, dù là ở tầm cá nhân hay quốc gia sẽ không bao giờ là nhuốm màu dân tộc cực đoan như ai đó từng nghĩ.

 

Tranh chấp chủ quyền biển Đông, phản đối đường lưỡi bò, phán quyết của Tòa PCA, đó là những sự kiện cụ thể trong thời điểm cụ thể. Trong một vấn đề cụ thể, chúng ta cần tỏ rõ chính kiến cụ thể.

 

Chúng ta cần thức tỉnh để nhận rõ sự nguy hại của đường lưỡi bò văn hóa, không tiếp tay hay tạo điều kiện cho nó lướt qua văn hóa, văn nghệ của dân tộc mình.

NGUYỄN HỒNG LAM

Top