Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,433,019 lượt

Lên núi học đi

Bốn ngày ở thành phố Đà Lạt, tôi phát hiện ra: dù đi hết thành phố vẫn không bắt gặp một trụ đèn tín hiệu giao thông nào.

 

 

Tôi cũng không gặp cảnh kẹt xe, ngoại trừ một đoạn ùn ứ vài phút. Người bạn đi cùng, một kỹ sư máy bay ở Mỹ, nói đã đặt chân đến nhiều nơi trên thế giới, nhưng có lẽ Đà Lạt là thành phố duy nhất không có đèn xanh đèn đỏ mà không tắc đường. Anh thích đi bộ ở Đà Lạt, với những vỉa hè thông thoáng.

 

Một tài xế taxi địa phương khác chở chúng tôi lên Đà Lạt, nói rằng anh không thích việc không có đèn tín hiệu giao thông. Vì ôtô phải chạy chung làn với xe máy và "không thể chạy nhanh được".

 

Hơn một lần tôi nghe những lời than phiền như thế từ người nơi khác. Nhưng nhiều tài xế khác ở Đà Lạt, từ lái ôtô đến chạy xe thồ đều nói: "Đi xe máy hay ôtô mà chạy nhanh thì không phải là người Đà Lạt". Người Đà Lạt từ lâu đã giữ thói quen đi chậm, không lấn làn, lấn tuyến; không nẹt pô, lạng lách, đánh võng.

 

Không rõ những người ngoại quốc khai phá thành phố này đã tạo ra một thói quen, hay chính những người "dân góp" lên đây lập nghiệp đã xây dựng cho mình văn hóa giao thông đặc biệt này, nhưng gần 100 năm qua, Đà Lạt chưa từng lắp đặt bất kỳ một trụ đèn giao thông nào.

 

Lý do được đưa ra là dân số không quá đông, đa số tuyến đường dốc theo địa hình, nếu làm đèn đỏ sẽ nguy hiểm cho các phương tiện dừng đỗ. Nhưng quan trọng hơn, họ làm được vậy nhờ ý thức của người tham gia giao thông.

 

Trong vòng 12 năm qua, công an địa phương đã ít nhất 4 lần đề xuất với lãnh đạo tỉnh cho phép lắp đặt đèn giao thông, để giảm ùn tắc, nhưng không được chấp thuận. "Tôi khẳng định Đà Lạt chỉ có ùn chứ không có tắc đường", ông Phùng Khắc Đồng, Chánh văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng nói với tôi.

 

Ông Đồng giải thích rằng vốn dĩ thành phố Đà Lạt duy trì được nét đặc trưng "không đèn giao thông" vì dân số và phương tiện ít là một phần. Quan trọng hơn là tâm thế tham gia giao thông của người dân thành phố sương mù là: "không có gì phải vội vàng". Tai nạn giao thông cũng rất ít xảy ra.

 

Theo đề án mở rộng Đà Lạt, thành phố sẽ tăng diện tích khoảng 8 lần, dân số tăng gấp đôi gấp ba, lúc đó tỉnh sẽ lắp đèn tín hiệu giao thông? Ông Đồng lắc đầu.

 

Tan ca làm việc, ông Đồng lại dắt chiếc xe Vespa cổ ra khởi động, túc tắc về nhà mình qua những đồi thông và những căn biệt thự cổ. Chậm rãi như nhịp sống ở xứ sở này.

 

Thống kê mới đây nhất từ Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông chỉ có 10% là hạ tầng; 5% do phương tiện. Có đến 24,91% đi không đúng phần đường, 10,2% vi phạm tốc độ, 6,7% vượt xe sai quy định… Sử dụng rượu bia ở con số rất thấp, chỉ 1,68%. Tức là nguyên nhân chủ quan nhiều hơn khách quan; và trong chủ quan, thì tỉnh táo nhiều hơn là do nồng độ cồn.

 

Đó chỉ là nguyên nhân tai nạn. Không một ủy ban nào có thể thống kê được nguyên nhân gây ách tắc giao thông. Nhưng tôi tin, lý do về hạ tầng và số lượng phương tiện, cũng chỉ là “gia vị” cho nguyên nhân từ ý thức.

 

Tôi ngồi trong quán cà phê ngay ngã tư đường Hồ Tùng Mậu suốt nhiều giờ, chỉ để nhìn ra bùng binh giao giữa 4 con đường lớn ở Đà Lạt, và nghĩ về Đà Nẵng - thành phố được mệnh danh là "đáng sống nhất Việt Nam" đang phải đối mặt với nạn kẹt xe bắt đầu căng thẳng hơn một năm trở lại đây.

 

Ở Đà Nẵng, bùng binh đại lộ Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương - Lê Độ không có đèn giao thông, nhưng trước khi được ngăn để làm hầm, vẫn thường kẹt xe. Nút giao thông phía tây cầu quay sông Hàn vẫn ùn tắc trong giờ cao điểm, dù đường hầm từ đường Trần Phú xuyên qua Lê Duẩn đã đi vào hoạt động.

 

Người ta có thể đưa ra hàng chục nguyên nhân khiến Đà Nẵng kẹt xe, như phương tiện giao thông lớn, thiếu bãi đậu xe... Nhưng điều dễ dàng bắt gặp trên đường là cảnh lấn làn, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, lạng lách... nếu không thấy bóng cảnh sát giao thông. Thành phố cũng từng nổi lên như một điển hình về việc kêu gọi người dân đội mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn, giờ cũng dễ dàng bắt gặp những người đội mũ chỉ để đối phó.

 

Cảnh sát giao thông Đà Nẵng mới đây đã phải thông báo biển số xe vi phạm lên trang Facebook, để “phạt nguội” những người lái xe phạm luật giao thông, được camera ghi lại. Các lỗi chủ yếu là vượt đèn đỏ, lấn làn. Con số lên đến hàng nghìn ôtô. Còn xe máy đếm không hết.

 

Chúng ta, từ nhà quản lý đến chuyên gia, nói rất nhiều về Singapore, Bangkok, như các bài học về xây dựng hạ tầng giao thông; nói rất nhiều về Trung Quốc và Nhật Bản nhằm chắt lọc phương thức quản lý phương tiện. Nhưng một nguyên nhân lớn của an toàn giao thông - là ý thức - thì có thể học từ chính trong nước - Ở một tỉnh lị nhỏ trên cao nguyên.

 

Trước khi bàn đến việc đi xe gì, thì đi xe như thế nào, là điều nhiều người cần học lại đàng hoàng.

NGUYỄN ĐÔNG

Top