Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa kiểm tra đột xuất một trạm y tế xã ở Tây Nguyên. Trạm không có ai, trang thiết bị bám bụi, không liên lạc được với trạm trưởng. Chắc chắn là trạm y tế đó có lỗi, nếu bị kỷ luật cũng không oan.
Ở Tây Nguyên, giữa những nương rẫy bạt ngàn, đối với nhiều người dân, trạm y tế có thể được coi là cơ sở y tế tuyến cuối.
Tuy vậy, nếu chỉ biết đến thế thôi là chưa đủ. Lần đầu tiên lên Tây Nguyên, đến một trạm y tế của huyện Lăk, tôi khá bất ngờ với sự khang trang của nó. Trạm được trang bị đầy đủ: máy xét nghiệm công thức máu, máy siêu âm, máy đo điện tim, kính hiển vi... Đối với một trạm y tế, như vậy là khá "sang". Nhưng tất cả những thứ đó đều "trùm mền".
Tôi nghĩ đến việc nhân lực không đủ trình độ. Nhưng không phải. Trưởng trạm là một bác sĩ, các nhân viên đều được đào tạo. Họ khẳng định mình đủ khả năng vận hành những cái máy đó.
Chưa hết, chính quyền đã thể hiện sự quan tâm đến đồng bào bằng cách bỏ tiền mua toàn phần BHYT cho toàn bộ người nghèo và gần toàn phần BHYT cho hộ cận nghèo. Toàn bộ những người thuộc hộ nghèo khi khám bệnh sẽ được BHYT thanh toán 100% chi phí khám, chữa. Cái xã mà tôi đến hầu hết là hộ nghèo, nên có thể nói 100% dân ở đó có BHYT.
Nhưng tại sao máy móc hiện đại lại phải "trùm mền"? Theo tôi cớ sự có thể không chỉ ở ngành y. BHYT có một quy định, đó là trần thanh toán. Đối với mỗi cơ sở, trần thanh toán sẽ được BHYT ấn định. Tất cả bệnh nhân đi khám bệnh có dùng thẻ BHYT, nếu chi phí nằm ở mức dưới trần, họ sẽ được thanh toán toàn bộ. Nếu chi phí vượt trần, người bệnh sẽ phải đồng chi trả.
Ở xã mà tôi đến, mức trần thanh toán là 40.000 đồng, đủ cho tiền khám và một vài viên thuốc loại rẻ tiền. Nếu tổng chi phí vượt mức đó, người dân sẽ phải đồng chi trả. Mà người M’Nông thuộc diện hộ nghèo, rẫy cũng không có, đi hái cà phê thuê, thì lấy đâu ra tiền. Ngay cả khi họ có tiền để đồng chi trả, thì cũng không ai dám thu, vì họ thuộc diện được BHYT trả 100% chi phí khám chữa bệnh.
Và thế là nhân viên y tế cứ như những con gà mắc tóc, vướng víu lằng nhằng trong những ma trận quy định, không biết đường nào để thoát ra. Trong khi đó, hầu như tất cả bệnh nhân đều chỉ được khám chay, phát cho vài viên thuốc loại rẻ tiền.
Niềm tin vào trạm y tế cứ thế mà bay đi với gió đại ngàn. Chẳng còn mấy người muốn đến với trạm. Vậy thì nhân viên đến trạm để làm gì? Đồng lương thực sự không đủ nuôi sống họ. Họ không thể đến trạm y tế để ngồi chơi, trong khi có thể tỉa bắp, trồng mì, phụ giúp cho bữa cơm, lo cho con học hành.
Sẽ có người thắc mắc, thế những người không thuộc diện nghèo, có khả năng đồng chi trả thì sao? Đây là một câu hỏi hay. Muốn xét nghiệm thì phải có hóa chất. Một đơn vị hóa chất nhỏ nhất dành cho xét nghiệm cũng là vài trăm mẫu. Hạn sử dụng rất hạn chế, chỉ vài tháng. Nếu không có nhiều bệnh nhân, giá xét nghiệm sẽ bị đội lên do chi phí hóa chất, cao gấp nhiều lần giá mà BHYT chi trả. Tiền ở đâu để bù lỗ?
Từ một năm rưỡi nay, chúng tôi giúp đồng bào xã Đắc Phơi, huyện Lak, mỗi tháng 8 triệu đồng, tương đương với 400 lần siêu âm, điện tim... Trạm Y tế Đắc Phơi đã trở thành nơi mà bà con các xã khác cũng tìm đến, vì họ được thêm một cái gì đó, gia tăng khả năng hết bệnh.
8 triệu đồng mỗi tháng, đối với một cá nhân là số tiền khá lớn. Nhưng đối với một xã, nó chẳng thấm tháp vào đâu, cho dù có mang lại niềm vui cho nhiều người. Hãy tưởng tượng rằng một dự án ODA, ví dụ như dự án vệ sinh môi trường đô thị TP HCM, vay 450 triệu USD, mỗi năm nhà nước phải trả lãi 300 tỷ đồng, mỗi giờ đồng hồ trả lãi 34 triệu đồng. Mà dự án này đã chậm tiến độ nhiều tháng trời. Khắp cả nước, còn bao nhiêu dự án chậm tiến độ và tỷ lệ lãng phí vốn là bao nhiêu? So sánh nào cũng là khập khiễng, nhưng nói vậy để thấy rằng 8 triệu đồng nhỏ nhoi đến mức nào.
Chỉ cần một điều chỉnh nhỏ về chính sách, đồng bào nghèo sẽ được hưởng sự chăm sóc y tế tốt hơn hẳn, nhân viên y tế không phải bỏ trạm đi trỉa bắp, trồng mì. Hàng chục nghìn tỷ bỏ ra cho bà con vùng sâu vùng xa không phải "trùm mền" trong sự xót xa.
VÕ XUÂN SƠN