Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,474,334 lượt

Trung thu của người lớn

Hồi tôi còn nhỏ, ngày rằm tháng tám, thế nào cha tôi cũng từ đơn vị ở vùng Trung Giã, Sóc Sơn về nhà sớm. Ông mang theo mấy ống giang rồi cặm cụi làm cho anh em tôi mỗi đứa một cái đèn ông sao.

 

Buổi tối, anh em tôi đi rước đèn với bạn bè, cha tôi ngồi đợi bên mâm cỗ ngoài sân. Cỗ chẳng nhiều nhặn gì, tùy điều kiện mà năm thì có mấy quả hồng, một chút cốm, năm thì không, nhưng bao giờ cũng có một cặp bánh trung thu, một nướng, một dẻo và quả bòng.

 

Sau này tôi biết rằng mãi đến năm 25 tuổi ông mới lần đầu được ăn một miếng bánh trung thu. Có lẽ vì quá ấn tượng về hương vị và ý nghĩa của nó, nên mỗi trung thu, thế nào cha tôi cũng ở nhà và đợi chúng tôi với mâm cỗ không bao giờ vắng loại bánh này. Lệ ấy được duy trì cho đến khi anh em chúng tôi đi qua tuổi thiếu niên.

 

Giờ thì cha tôi đã đi xa. Tôi thường nhớ về ông mỗi mùa trăng tháng Tám. Những ngày cuối cùng của cha tôi là vào mùa trung thu gần 10 năm trước. Bệnh viện trả về, ông nằm trên cái giường lớn kê bên cửa sổ, mỗi ngày tiêm ba lần morphine để chống lại cơn đau. Tôi nghe lời bác sĩ, thường hỏi ông muốn ăn gì để đi mua. Cha tôi nhìn quanh, chỉ vào những hộp bánh trung thu. Những ngày cuối cùng, cha tôi chỉ ăn bánh trung thu.

 

Năm đó, tôi đang theo đuổi đề tài vận động Luật đền bù nhà nước nên nhân vật trong các bài viết chủ yếu là nạn nhân của muôn điều oan trái. Gần trung thu, họ đến thăm, biếu quà, mỗi người một hộp bánh. Dẫu xót xa khi nghĩ rằng để có một hộp bánh biếu tôi, con cái những con người cùng khổ ấy sẽ không còn trung thu, nhưng tôi chẳng thể từ chối. Tôi thường lén bỏ vào túi họ một chút tiền để tránh việc đẩy qua đẩy lại. Những hộp bánh ấy may mắn lại được cha tôi yêu thích.

 

Tôi vẫn tưởng sự thiếu thốn tuổi thơ khiến cha tôi thích ăn bánh trung thu trong những ngày cuối đời. Nhưng một chuyên gia dinh dưỡng sau hóa trị, khi biết chuyện đã tỏ ra nghi hoặc, vì theo ông, những người bệnh như cha tôi, dùng morphine dài ngày, luôn khô nóng thường không thích những loại bánh như bánh trung thu.

 

Tôi hiểu ra, có lẽ ông ăn vì sợ tôi sẽ bỏ phí đi thứ bánh rất có ý nghĩa với tuổi thơ của các con ông. Nhưng bây giờ, tôi nhận ra, ít ai như cha tôi còn quan tâm đến ý nghĩa thực sự của chiếc bánh trung thu với những đứa trẻ. Tết Trung thu của trẻ con đã trở thành cơ hội lấy lòng nhau của người lớn.

 

Tôi không biết người ta có thể ăn hết bao nhiêu chiếc bánh trung thu mỗi dịp rằm tháng tám. Nhưng tôi biết, hộp bánh trung thu có tên Vương kim tri ngộ, được một khách sạn tại Hà Nội sản xuất, đang là quán quân 2016 với mức giá 14 triệu đồng. Hộp bánh đó không dành cho con trẻ, bởi nó còn đính kèm theo chai Ballantine's 30, thứ đồ uống khoái khẩu của các đại gia.

 

Những hộp bánh hàng chục triệu đồng cũng không bao giờ xuất hiện trên mâm cỗ trung thu dưới sân trăng của những đứa trẻ. Những chiếc bánh trung thu ngọt ngào, bình dị như ký ức những mùa trăng con trẻ, giờ đã trở thành phương tiện cho những cuộc đua của người lớn.

 

Hộp bánh, trở thành phương tiện để mưu cầu lợi ích và vì thế mà nó ngày càng có xu hướng đắt đỏ hơn, sang trọng hơn. Một hộp bánh trung thu truyền thống, theo thời giá chỉ chưa đến 100 nghìn đồng. Nhưng, mỗi mùa trung thu, các nhà hàng, khách sạn đều cố gắng tạo ra những hộp bánh có khả năng phá vỡ mọi giới hạn của sự tưởng tượng nhằm tạo ra một món quà đắt tiền.

 

Mùa bánh trung thu, vì thế cũng không phải chỉ để chuẩn bị cho một đêm ngắm trăng. Nó kéo dài cả tháng trời, như một chặng đường để người ta thi đua bày tỏ “lòng thành” đối với nhau, bằng những hộp bánh đắt giá nhất trong khả năng của mỗi người.

 

Từ những hộp bánh trung thu của những người dân oan khuất mà tôi đã nhận nhiều năm về trước đến những hộp bánh sơn son thếp vàng xếp đầy nhà bây giờ, chiếc bánh đã đi một hành trình dài. Từ những chiếc bánh thơm thảo mà cha tôi cố ăn những ngày cuối đời, đến những hộp bánh có đính kèm chai rượu Ballantine's, nó thậm chí đã không còn thực sự là cái bánh.

 

Mùa bánh trung thu bây giờ là mùa bánh thi đua.

PHẠM TRUNG TUYẾN

Top