Đơn vị đồng hành
Truy cập: 10,950,595 lượt

Hoa sữa bốc mùi

Tôi rất nhớ những đêm thu Hà Nội của 30 năm về trước, trong cái tiết trời se lạnh, tôi thường đi bộ dọc theo đường Nguyễn Du, rồi vòng lên phố Quang Trung, để tận hưởng sự lãng mạn của mùi nước hoa tự nhiên rắc vào không khí.

 

 

Ngày đó Hà Nội chỉ có vài cây hoa sữa. Tháng 9 hoa sữa bắt đầu chớm nở, hoa rất thơm vào tháng 10, nở muộn thì qua đến giữa tháng 11. Trên nền bầu trời thu xanh ngăn ngắt, in hình những chùm hoa trắng li ti, hoa đợi heo may về thổi, cánh rơi thành những hạt bụi, hoa rắc đầy xuống nền đường làm cho ai đi qua cũng cảm thấy nôn nao.

 

Nhiều năm tôi nhận thấy, cư trú dưới tán cây hoa sữa là ước mơ của nhiều người, là nỗi niềm nhớ nhung của những ai đã đi xa khỏi thủ đô, là những nụ cười hay cái nắm tay của những đôi bạn trẻ đang đắm đuối yêu nhau.

 

Cây hoa sữa cao, dáng thẳng thanh lịch, không có mùa trút lá nên quanh năm giữ mãi một màu xanh kì lạ. Cách phân nhánh lá và hoa không chỉ làm cho dáng cây đẹp, mà còn tạo thành cụm lớn nhỏ giống như những vòng xoắn tròn đặc biệt hấp dẫn.

 

Không chỉ mang lại vẻ đẹp thiên nhiên, cây hoa sữa còn được biết đến như một loại dược liệu quý, sản xuất ra bao nhiêu thứ thuốc quan trọng.

 

Trong y học cổ truyền, nhiều bộ phận của cây hoa sữa (như rễ, vỏ, nhựa, lá, hạt) được sử dụng để điều trị các bệnh đường ruột, sốt, sốt rét, động kinh, viêm tai giữa, hen suyễn, mụn nhọt và các bệnh ngoài da. Có những bài thuốc dân gian chế biến từ cây hoa sữa, phụ nữ uống vào chữa được chứng ra khí hư nhiều, còn đàn ông uống vào lại khắc phục được tình trạng yếu sinh lý. Gần đây, hoa sữa đang được các nhà khoa học nghiên cứu ứng ứng dụng điều trị bệnh ung thư, đã thu được những kết quả bước đầu khả quan.

 

Gỗ hoa sữa có chất lượng tốt, dùng để làm các vật dụng trong gia đình, nhưng đặc biệt có giá trị khi làm giấy trắng cao cấp cho học sinh và làm bảng đen, vì thế mà hoa sữa còn có thêm một tên gọi khác là cây bảng đen.

 

Cây hoa sữa còn một đặc tính rất quý giá nữa, đó là sự nhạy cảm khá cao với ô nhiễm môi trường, nhờ vào khả năng hấp thụ rất nhanh các chất độc trong không khí, trong đất và trong nước. Vì thế mà các nhà môi trường học đã sử dụng hoa sữa để đánh giá các chỉ số ô nhiễm.

 

Bình thường, lá cây hoa sữa xanh ngắt, dày và phẳng mịn. Khi có các hạt bụi, hạt kim loại nặng, hạt hóa chất bay lơ lửng trong không khí, lá hoa sữa sẽ nhanh chóng hấp thụ, chất độc vận chuyển qua những gân mạch dưới lớp diệp lục, dần tích tụ lại thành những vết sẩn như mụn cóc.

 

Các nhà khoa học chỉ cần bóc các mụn cóc trên lá, định tính và định lượng từng chất độc, hoặc đơn giản là đếm số mụn cóc và kích thước các hạt mụn, là có thể biết được mức độ môi trường đang bị ô nhiễm.

 

Với từng đó đặc tính, hoa sữa có thể mê hoặc bất cứ ai một cách mù quáng. Những năm gần đây, Hà Nội với tốc độ phát triển đô thị quá nhanh, với áp lực phủ xanh cho những khu phố mới, đòi hỏi trong thời gian ngắn thành phố phải trồng cây xanh với số lượng lớn. Hoa sữa là một trong số những loài cây phát triển nhanh nhất, rẻ nhất, lại cao đẹp và rợp bóng mát, hoa thơm lãng mạn đi vào trong thi ca; vì thế mà các nhà trồng cây đã bị hoa sữa mê hoặc và quên mất rằng, phấn hoa rất nguy hiểm với sức khỏe con người.

 

Ba mươi năm về trước, cả Hà Nội chỉ có vài cây trên đường Nguyễn Du, mùa hoa sữa lãng mạn và quyến rũ chỉ đến đúng 2 tháng cuối thu ngăn ngủi, nên những người yêu hoa sữa sẽ phải chờ đợi mùa hoa năm sau quay trở lại.

 

Nhưng khoảng vài năm gần đây, hoa sữa đã mất đi vẻ đẹp bởi Hà Nội trồng quá nhiều, hoa bắt đầu nở từ tháng 5 nắng nóng, đã thực sự gây nguy hại cho sức khỏe của người dân Thủ đô.

 

Mùi thơm của hoa sữa có bản chất là các chất hữu cơ dễ bay hơi, gồm 34 thành phần hóa học đã được xác định, nhưng chủ yếu vẫn là các chất tạo mùi như linalool (35.7%), cis- và trans-linalool oxides (14.7%), α-terpineol (12.3%), 2-phenylethyl acetate (6.3%), terpinen-4-ol (5.6%).

 

Trong các đợt nắng nóng, 34 chất hóa học ấy cùng với sản phẩm khí đốt Nitrogen Oxides (NOx) thải ra từ ô tô và xe máy, tạo nên tình trạng ô nhiễm không khí nặng. Ô nhiễm không khí vì mùi hoa sữa, đó là nghịch lí xanh, nhưng đó là sự thật hiện hữu, khi thành phố bị bóp nghẹt bởi khí thải và các hạt bụi độc hại trộn với mùi hương hoa sữa.

 

Vào ban đêm, hương hoa sữa cùng với NOx làm cho không khí trở nên đặc quánh, cảm giác ngột ngạt rất khó thở, ngay cả những người khỏe mạnh nhất cũng không thể chịu nổi và mất ngủ.

 

NOX gây bệnh hô hấp và đau tim, có thêm hương hoa sữa người bệnh sẽ trở nên nặng hơn. 34 hợp chất thơm của hoa sữa là dị nguyên vô cùng nguy hiểm, trở thành nỗi sợ hãi với những người có tiền sử dị ứng, hen suyễn, bệnh phổi mãn tính, viêm kết mạc mắt do dị ứng. Chưa hết, đến mùa đông và mùa xuân, quả hoa sữa có 2 túm lông ở 2 đầu, lông tơ rụng bay trong không khí, người có tiền sử hen hoặc bệnh phổi khi hít phải, bệnh có thể tái phát và diễn biến trầm trọng.

 

Phải hành động để hoa sữa không làm phiền các cư dân thành phố. Sự kiên nhẫn của người dân với hoa sữa đã hết. Từ các diễn đàn mạng xã hội cho đến nghị trường của các kì họp HĐND, người dân phản ánh hoa sữa bốc mùi quá nhiều, vì thế mà TP Hà Nội phải tìm ra giải pháp. Khởi đầu là quyết định chuyển 96 cây hoa sữa từ Tây Hồ lên bãi rác Nam Sơn.

 

Tôi đồng ý rằng bãi rác Nam Sơn ngoài việc xử lí triệt để rác thải, thì nhất thiết phải có vành đai xanh, đó là những loài cây có khả năng hấp thụ chất ô nhiễm vượt trội, ví dụ như cây xoài hay cây đa.

 

Hoa sữa là loài cây hấp thụ chất ô nhiễm cực tốt, lại có ưu thế khử bớt mùi hôi nhờ 34 hợp chất tạo thơm, nếu trồng ở những nơi mật độ dân cư thưa thớt thì sẽ không gây hiệu ứng ô nhiễm không khí vì mùi của phấn hoa.

 

Nhưng hoa sữa với đặc tính hạt giống rất khó thu thập, vì quả nở khi còn ở trên cây, hạt tươi có tỉ lệ nảy mầm rất cao tới gần 100%, mỗi kilogam hạt hoa sữa có khoảng 357.000 hạt giống; đó là điều làm cho tôi lo ngại. Hạt hoa sữa rất dễ phát tán đi xa nhờ có sợi lông, sinh sôi nảy nở rất nhanh, nên hoa sữa cần sự kiểm soát chặt chẽ đảm bảo hạt hoa sữa không bị phát tán rộng rãi.

 

Bãi rác Nam Sơn rộng và trống trải, liệu việc trồng hoa sữa có nguy cơ làm cho số lượng lớn hạt giống lan rộng ra môi trường xung quanh? Thảm thực vật, trong đó có những vạt rừng phòng hộ rộng lớn xung quanh vùng Sóc Sơn sẽ "đối phó" với loài cây mới này thế nào. Tôi không thể trả lời được câu hỏi đó. Tôi chỉ biết rằng việc trồng hoa sữa đã một lần sai vì duy ý chí - không nghiên cứu cẩn thận các khía cạnh khoa học của cây. Không nên sửa cái sai bởi duy ý chí bằng một sự duy ý chí khác.

 

Việc di chuyển cây hoa sữa lên bãi rác Nam Sơn phải rất thận trọng, không thể thực hiện theo cách hời hợt đơn giản; tôi hoan nghệnh sự nhiệt tình và quyết liệt của chính quyền thành phố, nhưng chừng đó là chưa đủ, mà cần phải có thêm sự tham gia của các nhà khoa học theo cách thật khoa học. Trong lúc chờ đợi, ở những khu phố dày đặc hoa sữa khác, thành phố có thể thực hiện giải pháp tạm thời, là cắt tỉa cành ngay trước mùa hoa.

TRẦN VĂN PHÚC

Top