Lý Quang Diệu từng đề nghị cấp dưới, nếu ai viết bài nói xấu Singapore thì mời sang Singapore diện kiến ngay.
Điển hình là giáo sư Paul Krugman của Đại học Princeton, Mỹ - kinh tế gia nhận giải Nobel. Paul Krugman đã viết hai bài nổi tiếng trên báo Mỹ.
Bài thứ nhất, ông tiên đoán kinh tế Liên Xô sẽ sụp đổ. Dựa trên các thông số kinh tế, ông phân tích đường cong GDP ngày càng nhỏ đi, tỷ lệ nghịch với tốc độ phát triển. Liên Xô đăng liền mấy bài phản bác ông.
Bài thứ hai, Paul Krugman phân tích kinh tế Singapore đầu tư kém hiệu quả, tốc độ GDP tăng trưởng chậm lại do độ năng động linh hoạt yếu. Lý Quang Diệu lập tức mời ông sang đàm đạo.
Tôi đã gặp Paul Krugman ở đại học Princeton gần chục năm trước. Tôi nói với ông rằng hai bài nghiên cứu ấy đã giúp tôi phân tích và hiểu kinh tế Việt Nam tốt hơn. Paul Krugman kể cho tôi nghe Lý Quang Diệu đã đón ông như thượng khách, hỏi ông cần gì và làm việc trực tiếp với ông.
Với tốc độ thay đổi của thế giới hiện nay, bài toán đặt ra cho mọi quốc gia là phải thu hút nhân tài. Thu hút nhân tài trên toàn cầu đến nước mình làm việc, mời họ đóng góp ý kiến cho mình, bên cạnh sự cầu thị với nhân tài trong nước. Người nêu tấm gương sáng trọng dụng những ý kiến khác biệt là Lý Quang Diệu.
Bí quyết của Lý Quang Diệu rất thực dụng, luôn lấy thực tế làm tiêu chuẩn đánh giá, tức lấy cái động làm mỏ neo, không tìm kiếm bất cứ lý thuyết nào. Và điều tôi cho rằng làm Singapore lột xác từ một làng chài là nhờ người đứng đầu như ông Lý luôn sẵn sàng thay đổi, không cứng nhắc, không giáo điều.
Cả nước ta sẽ bầu cử Quốc hội khóa XV vào ngày chủ nhật, 23/5/2021. Đó là sự kiện quan trọng nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội quan trọng cho 5 năm tới.
Theo quan sát của tôi, trong nhiệm kỳ vừa qua, Quốc hội khóa XIV đã có những đổi mới trong hoạt động. Các phiên thảo luận và chất vấn được tiến hành công khai nhiều hơn. Các đại biểu chuyển từ "đọc tham luận" theo bài chuẩn bị trước sang thảo luận, phản biện, chất vấn trực tiếp trên hội trường nhiều hơn. Quốc hội đã giới hạn thời gian cho phát biểu, hỏi đáp, tạo điều kiện để nhiều ý kiến được trao đổi, phiên họp trở nên sống động và sôi nổi hơn. Qua đó, vai trò giám sát của đại biểu Quốc hội đã cải thiện.
Có thể điểm lại những phiên chất vấn hiệu quả như trường hợp Tập đoàn Vinashin bị thua lỗ nặng hay trường hợp Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền trước khi nghỉ hưu đã ký bổ nhiệm 60 vị trí cán bộ chủ chốt. Bên cạnh những chuyển biến tích cực, theo quan sát của tôi, trong số gần 500 đại biểu Quốc hội được bầu ra, chỉ khoảng 100 đại biểu tích cực lên tiếng, thảo luận, chất vấn, phản biện tại hội trường. Trong khi đó, số đại biểu còn lại ít xuất hiện trên nghị trường và trước báo chí.
Việc thực hiện những cam kết sau chất vấn chưa được Quốc hội kiểm tra, giám sát đầy đủ và công khai trong thực tế cũng là vấn đề cần được bổ sung. Trước và sau mỗi kỳ họp, đại biểu Quốc hội đều có các cuộc tiếp xúc cử tri, song những khuôn mặt cử tri được mời dự ít khi đổi mới. Số cử tri trẻ và phụ nữ chưa được đại diện xứng đáng. Năm năm qua, công cuộc cải cách của nước ta đã đạt một số tiến bộ được quốc tế công nhận.
Chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu do Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố năm 2019 cho thấy Việt Nam tăng 10 bậc, xếp thứ 67/141 nền kinh tế. Chỉ số Đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã tăng liên tục, từ thứ 89 năm 2013 lên vị trí 45 năm 2018. Song Chỉ số cảm nhận tham nhũng do Tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố, chúng ta chỉ xếp thứ 117/176 nền kinh tế, đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục cải cách thể chế, kiểm soát quyền lực hiệu quả hơn.
Chênh lệch xếp hạng quá xa từ những chỉ tiêu trên chỉ rõ cải cách thể chế đang là khâu yếu nhất. Bộ máy quản lý của chúng ta trùng lắp, cồng kềnh, chi tiêu hành chính quá lớn đòi hỏi phải được tinh giảm mạnh mẽ như Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Rất mong kỳ họp Quốc hội cuối cùng của khóa cũ và cuộc bầu cử tháng 5 này sẽ tìm ra cách đi hợp lý cho những đòi hỏi cấp bách về đường hướng phát triển của đất nước.
Đặc biệt là lựa chọn ra những người dám nói, dám chấp nhận tiếng nói khác biệt và dám làm. Hết sức tôn trọng sự đa dạng trong suy nghĩ là bài học tôi nhìn ra từ Lý Quang Diệu.
Nhiều người đưa ra những ý kiến khác nhau không phải là chống lại nhau và nhằm chống lại ai.
Ở nhiều đơn vị nước mình, tôi vẫn thấy người ta quá đề cao việc mọi người phải nói giống nhau. Giống nhau thì làm sao có cái mới, làm sao có đột phá? Vì thế, nhận ra đâu là ý kiến khác biệt, ý kiến phản ánh thực tế đa dạng, sự biến chuyển tư duy mau lẹ và những lập luận chống lại nhau chính là năng lực quan trọng của người lãnh đạo.
LÊ ĐĂNG DOANH (Theo VnExpress)