Đơn vị đồng hành
Truy cập: 10,950,573 lượt

Khi quyết "tung hê" hết để bảo vệ tình yêu, cặp đôi ấy có nghĩ chút nào cho nỗi đau của cha mẹ?

Tôi đọc những dòng người cha tâm sự mà nghẹn lòng. Một người cha sẵn sàng đi chiếc xe cà tàng đi dạy để mua xe đẹp cho con. Một người cha mấy ngày nay không dám đọc người ta viết gì vì sợ nhìn thấy những lời lăng mạ, xỉa xói...

 

Có những người trẻ nhất quyết làm theo ý mình thì cha mẹ để làm gì?

 

Câu chuyện buồn của đôi bạn trẻ bị cha mẹ chồng ngăn cấm tình yêu là đề tài được bàn tán nhiều nhất những ngày gần đây. Hai vợ chồng livestream trên Facebook cảnh tranh cãi, đôi co với cha mẹ chồng để bảo vệ tình yêu 2 năm của mình.

 

Và bởi vụ việc được đăng lên mạng xã hội, rất nhiều ý kiến được đưa ra, nhưng đa số trong đó là những lời phê phán, chỉ trích cha mẹ và họ hàng của chàng trai. Dường như mọi mũi dùi cay nghiệt nhất đều đang chĩa về phía những người lớn nọ...

 

Tuy nhiên, có lẽ đôi vợ chồng trẻ và cả cộng đồng mạng đang bị sự tức giận, những hậm hực che mờ mắt mà không hề nhận ra, cha mẹ cặp đôi ấy đã đau lòng đến nhường nào?

 

 

Tâm niệm lớn nhất đời của người làm cha làm mẹ chính là được thấy con mình sống hạnh phúc, an yên. Ai cũng mong khi con cái khôn lớn trưởng thành, sẽ tìm được cho mình một bến đỗ để trở về sau những bon chen giữa đời. Thử hỏi, có cha mẹ nào lại không ước ao những điều giản dị như thế?

 

Đối với mẹ cha, con cái thì vẫn mãi bé bỏng, vẫn luôn là hình hài dấu yêu mà họ từng ấp, từng cõng, đừng đung đưa trên vòng tay thuở mới lọt lòng, dù cho sự thật là chúng đều đã lớn tướng cả rồi.

 

Đôi vợ chồng trẻ ấy đã khiến cha mẹ họ đau đớn đến tột cùng chỉ vì những suy nghĩ bảo vệ tình yêu - nhưng lại được thể hiện ra theo cái cách "chúng tôi muốn tung hê hết vì tình yêu của mình".

 

Để bảo vệ tình yêu, họ đã chấp nhận làm mọi cách, kể cả cách khiến mẹ cha khổ tâm, phải chịu những tổn thương về tình cảm, xấu hổ với nhiều người. Đáng ra chuyện có lẽ sẽ êm thấm hơn nếu đôi trẻ suy nghĩ thấu đáo kỹ lưỡng hơn, không đưa mọi thứ lên sóng "truyền hình".

 

Bảo vệ tình yêu là không sai, bởi suy cho cùng, tình yêu là thứ phép màu thiêng liêng, là mầm mống kiến tạo nên con người, nhân loài như ngày nay. Vì tình yêu, con người có thể hi sinh tất cả.

 

Tuy nhiên trước khi làm gì, thì xin hãy nghĩ đến mẹ cha. Hãy tìm một cách khác thật văn minh để bảo vệ tình yêu của chính mình. Nếu thực sự yêu thương nhau thì có rất nhiều cách để chứng minh tình yêu đó có thể đơm hoa kết trái, đôi trẻ sẽ hạnh phúc nếu về chung một nhà. Nếu phải hy sinh, cũng đừng hy sinh bố mẹ mình, đó là sự bất hiếu, không phải sự hy sinh cao thượng.

 

 

Quay trở về câu chuyện ép duyên trên sóng Livestream ồn ã những ngày qua, người cha trong câu chuyện này đã phải nén nước mắt khi kể về những ngày qua của gia đình. Con trai xin tiền mua xe, xin tiền hùn vốn làm ăn, cha mẹ dù không có vẫn cố chạy vạy vay mượn khắp nơi để đáp ứng được cho con. Còn bản thân mình vẫn chỉ đi chiếc xe cà tàng cũ kỹ, hàng ngày vượt 25 km đến trường dạy học. Còn con, để được ở bên người yêu, sẵn sàng chết, sẵn sàng kết thúc mấy chục năng mòn mỏi, mấy chục năm xương máu của hai bậc phụ huynh. Lúc ấy, chắc anh chưa, hoặc cũng không biết, hoặc không nghĩ được gì nhiều về sự vun vén của bố mẹ mình. Trong đầu anh khi ấy tình yêu là trên hết.

 

Đừng nói tình yêu không có lỗi...

 

Phải công nhận một điều, tình yêu là chuyện của hai người, nhưng khi tiến tới hôn nhân, nó không còn là việc hai người ở bên nhau nữa. Đừng nghĩ chỉ cần một đôi chim là có thể làm nên tổ ấm, những ràng buộc và trách nhiệm khi về chung nhà sẽ đè nặng lên đôi vai của cả hai. Chúng ta bắt đầu phải sống có trách nhiệm hơn với chính bản thân mình và gia đình hai bên nội - ngoại, chưa kể đến việc sống sao cho vừa vặn với các tiêu chuẩn chung của xã hội cộng đồng.

 

 

Vì thế hôn nhân không thể cứ nói muốn là được. Nếu chưa đủ chín chắn, chưa đủ sức gánh vác trách nhiệm thì đừng vội vã kết hôn, dù tình yêu có sâu sắc, mặn nồng đến thế nào đi nữa. Cha mẹ là thế hệ đi trước, họ thừa hiểu giông tố gì có thể ập đến với con cái mình. Cái họ muốn, là bằng cách nào đó, con mình sẽ vượt qua được và có một cuộc sống bình yên. Và nếu được, hãy lắng nghe họ, lắng nghe thế hệ cũ kể về chuyện sống bên nhau, kể về cách làm sao mà hai con người riêng biệt có thể chung sống dưới một mái nhà, có một đàn con, êm ấm, trong sự chúc phúc của mọi người xung quanh.

 

Cũng đừng nói tình yêu không có lỗi, đừng nói chỉ cần làm gì mà bạn thấy đúng, bởi vì trong chắc chắn trên đời này, không có ai yêu thương bạn hơn cha mẹ bạn. Lúc bạn khó khăn, người khác có thể quay lưng, nhưng cha mẹ thì không bao giờ. Nhà là nơi để về cơ mà, nhà là chốn bình yên cơ mà? Một tình yêu làm ảnh hưởng đến gia đình, đến họ hàng, ảnh hưởng đến các giá trị đạo đức đã là một tình yêu có lỗi rồi.

 

 

Có một sự thật là, cha mẹ chàng trai kia bây giờ, sau vụ Livestream kia, đang nhìn mặt hàng xóm ra sao, bị các đồng nghiệp nói gì khi mà chuyện gia đình mình đã bị hàng trăm nghìn người biết tới? Những gì diễn ra giống như một con dao sắc ngọt, cứa vào trái tim đấng sinh thành đến rỉ máu. Nhìn chú chim non mình từng chăm bẵm, từng mớm từng thìa bột, từng chảy nước mắt khi nó rên khóc một đêm, từng lặn nắng ngụp mưa để đưa đón, nay nhìn mình bằng con mắt hận thù, đến người cứng rắn nhất cũng nước mắt lưng tròng.

 

Bất cứ người làm cha mẹ nào cũng muốn con cái học được cách suy nghĩ chín chắn, biết cân nhắc và đưa lựa chọn thật sáng suốt cho cuộc đời mình. Cha mẹ lo sợ rằng con vẫn còn nhỏ dại, sẽ ra sao nếu con vội vã đưa ra quyết định dại khờ.

 

Và điều đó thì có gì sai chăng? Chẳng có gì sai cả. Chỉ là nó chưa được thể hiện một cách khéo léo và tinh tế hơn mà thôi.

 

 

Đó là cha mẹ chàng trai vẫn chưa thực sự lắng nghe mong muốn từ con mình. Với những thanh niên đang ở tuổi đôi mươi ấy, họ thực sự cần được lắng nghe, cần được giãi bày, chứ không phải ép uổng gò bó, họ không còn là trẻ con 5, 6 tuổi ngỗ nghịch nữa, họ cũng có ý kiến của riêng mình. Một khi yêu, trái tim không còn làm chủ được lý trí nữa, con người ta cũng trở nên mù quáng để bảo vệ tình yêu vẹn toàn của mình, đó là bản năng cơ bản nhất của mỗi con người, chúng ta có thể thông cảm được điều ấy.

 

Tuy nhiên, muốn giữ vững được thứ tình cảm thiêng liêng ấy, trước nhất hãy học cách trân trọng những điều thiêng liêng nhất bên cạnh mình. Ở đây là chính bố mẹ mình cái đã.

- Là khi ba lọc cọc con xe cà tàng hơn hai chục cây số đi dạy, để con có xe đẹp đi làm, đi chơi.

- Là khi mẹ còng lưng gánh từng tạ thóc lên xe, đem bán tích cóp từng đồng, để con nơi phố thị được đủ đầy.

- Là khi ba đè nén lòng tự trọng của mình xuống tận cùng trái tim, ngửa tay xin vay mượn những đồng tiền từ các mối quan hệ xung quanh, cốt cho con trai có cái vốn mà khởi nghiệp, xây dựng cơ ngơi.

- Và khi mẹ chảy nước mắt vì xóm giềng gièm pha, thiên hạ cười chê, bố đóng cửa không dám nhìn mặt họ hàng, vì chuyện nhà vỡ lở, vì người đời không quen biết lạnh lùng buông lời miệt thị họ trên chính trang cá nhân của con cái mình. Mà không có sự phản kháng hay bảo vệ từ con mình.

 

Lúc ấy, liệu cách bảo vệ tình yêu bằng mọi giá, kể cả chà đạp lên chính mẹ cha, có còn là sự hy sinh cao cả?

NGỌC VŨ - HỒNG PHÚC

Top