Đơn vị đồng hành
Truy cập: 10,950,870 lượt

Chủ quyền Rừng

“Tôi mong VnExpress hãy viết nhiều về rừng hơn nữa” - một độc giả bình luận dưới bài viết “Yên Bái, lũ ống, biệt phủ” trên Góc nhìn. Độc giả ấy đặt ra câu hỏi rằng rừng đã đi đâu? Và giây phút đọc bình luận ấy trong đầu tôi hiện ra hình ảnh của một phụ nữ người Dao Đỏ.

 

Bà đang đi chân đất, lững thững trong khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Hữu Lũng, Lạng Sơn, trên tay cầm những cây hy thiêm được nhổ cả rễ. Bà vừa thu hái chúng ở trên rừng và chuẩn bị đem bán. Chúng tôi nhảy xuống xe và hỏi giá. Một nghìn rưỡi đồng mỗi cân - thương lái sẽ mua loại cây có dược tính này và chất chúng lên những chuyến xe tải đưa ra khỏi rừng. Rất nhiều loài cây của rừng Hữu Lũng đã biến mất theo cách đó. Và những chuyến xe đi đâu, thì đồng bào người Dao không biết. Một số thì chỉ tay về hướng Bắc, nơi có biên giới.

 

Hữu Lũng không còn những cây gỗ hoàng đàn huyền thoại. Chúng đã được đốn hạ vào hơn hai thập niên trước. Bây giờ, nguồn tài nguyên cuối của nó nằm dưới tán rừng, là những cây thuốc quý, đôi khi có tuổi đời hàng trăm năm. Một số, như củ bình vôi, được đưa vào sách đỏ và được bảo vệ bởi lực lượng kiểm lâm. Một số lớn khác thì chưa bị tận diệt đến mức vào sách Đỏ (và sẽ được đưa vào khi nào điều đó diễn ra).

 

“Bình vôi thì phải giấu kín kín một tí” - thương lái nói với tôi, về loại củ có tên trong danh sách cấm buôn bán.

 

Những người trực tiếp “xuống tay” là đồng bào dân tộc ít người. Họ sẽ thu được vài mươi nghìn đồng cho một lần lên rừng vung dao chặt xuống những cây thuốc họ đã quen thuộc từ thời cha ông. Đó tất nhiên không phải một cái nghiệp mưu sinh. Họ làm vậy, vì không còn cách kiếm tiền nào khác.

 

Những cây tầng dưới tán ấy chỉ là một biểu hiện cực đoan cho số phận tài nguyên rừng. Cây gỗ đã bị chặt hết từ 20 năm trước và bây giờ thì rừng tự nhiên đang bị bòn đến xương tủy.

 

Ai sẽ là người giữ rừng? Câu trả lời mang tính hành chính đơn giản, là lực lượng kiểm lâm. Nhưng không thể có lực lượng kiểm lâm nào có thể bao phủ hết rừng. Cũng giống như là không có lực lượng trật tự đường phố nào có thể bao phủ hết đô thị: sẽ luôn cần chính những người dân đô thị, bước ra vỉa hè và đuổi chiếc xe đậu sai chỗ, tố giác căn nhà xây không phép hay càu nhàu với hàng xóm vì ô nhiễm. Chỉ có chính cư dân của rừng mới là những người bảo vệ rừng hiệu quả nhất.

 

Nhưng những cư dân nghìn đời của các cánh rừng bây giờ được dúi vào tay những tờ giấy bạc bé xíu, và đề nghị họ lên núi phá rừng. Phục vụ những thương lái, đôi khi, không cần biết tiếng Việt.

 

Chuyện như thế đã diễn ra nhiều thập niên, và tận diệt nhiều loại tài nguyên. Và khác với những câu chuyện trong đô thị, chúng ta không thể trông mong rằng mình sẽ viết lên facebook hoặc báo chí vài câu chỉ trích “đạo đức” hoặc “thói hư tật xấu” của người Việt và mong rằng đồng bào sẽ thay đổi, sẽ đi tìm một cách khác để ngày mai trong bữa cơm có thêm chút đồ ăn mặn.

 

Nếu không trực tiếp phá rừng, thì đồng bào cũng không có động lực bảo vệ rừng. Ở Yên Bái, ở Hòa Bình, tôi biết câu chuyện về chính các vị bí thư xã phải xách rựa lên núi phá rừng: họ mang chức danh của đoàn thể, và rất có thể cũng có niềm tự hào nào đó, nhưng thực chất cũng là một người dân, nhà có nhiều miệng ăn và đang không có cách tìm được sinh kế. Khi bản làng hết cách mưu sinh, kéo nhau đi phá rừng, họ cũng cực chẳng đã, đi theo mong tìm được miếng đất canh tác. Chuyện mới chỉ vài năm trước.

 

Đói thì đầu gối phải bò; còn muốn giữ rừng, thì phải đứng thẳng lưng.

 

Ai giữ rừng? Câu hỏi đó thường xuyên bị quên lãng khi đặt ra vấn đề sinh kế cho những người giữ rừng. Nhiều nhà hoạch định chính sách, khi đứng trước rừng và những mái nhà xám nhấp nhô của đồng bào, bắt đầu nói về du lịch văn hóa, về homestay, về nghề thủ công truyền thống hay là một giống con mới. Và đó đã là những nhà hoạch định có chút suy nghĩ rồi: nếu không có chiến lược nào, thì đồng bào hoặc sẽ phải ly nông; hoặc phá rừng; hoặc phá hết rừng rồi tha hương.

 

Có một vấn đề nghiêm trọng của chính sách nhiều vùng, là sinh kế của đồng bào dân tộc ít người, không gắn với rừng. Ngàn đời nay, họ đã sống với rừng, đã được rừng nuôi nấng và từ đó sinh ra ý thức giữ rừng. Một già làng ở Lào Cai cũng có thể nói với tôi về phát triển bền vững của rừng hay hơn một chuyên gia môi trường. Nếu họ, chính những người sống trong rừng, có lợi ích kinh tế từ nơi này, thì ngay cả khi các lực lượng chấp pháp có tha hóa hay vô trách nhiệm, chính họ sẽ là người chống lại.

 

Luật Bảo vệ và Phát triển rừng hiện nay có rất ít, hoặc nhiều mảng chưa hề tính tới chính sách cho những người giữ rừng chủ yếu này. Và hiện trạng như ta đã thấy.

 

Lũ mới quét qua Mù Cang Chải, và như nhiều lần thiên tai nổi giận khác, nó lại làm dân thành thị giật mình nhớ tới rừng. Tôi nhớ một người Mông từ Mù Cang Chải. Lý A Chống hết tiền mua phân mua giống cho vụ mùa tới, quyết định mình phải xuống thành phố. Anh xuống đến bến xe Mỹ Đình, trong người không có một đồng xu, gọi điện cho một người Kinh duy nhất anh quen - một nhiếp ảnh gia đã từng có lần lên bản chụp ảnh.

 

“Em đang đứng cạnh một cái xe màu vàng” - anh nói, để chỉ chỗ cho người bạn ra đón. Anh không biết mô tả thế nào khác.

 

Trong hoảng hốt, người bạn tôi tìm thấy “cái xe màu vàng” ở giữa rừng xe ở Mỹ Đình để đón anh chàng người Mông. Chàng trai không thạo tiếng Kinh, không hề có ý niệm rằng mình phải xuống thành phố làm gì. Anh ta chỉ biết rằng mình phải đi. Không có cách nào nuôi vợ con nữa. Rừng thì cũng cạn kiệt từ lâu rồi.

 

Gắn vài tấm biển “homestay” vào những mái nhà sàn, chắc chắn không giữ được rừng.

ĐỨC HOÀNG

Top