Tôi mới đi Lào Cai. Trên đường đi, qua Bắc Hà, cả đoàn tạt qua một ngôi nhà bên đường có bày bán mấy loại hoa quả. Cô bán hàng là một giáo viên trường huyện. Được nghỉ hè, cô trẩy mấy thứ quả trong vườn rồi kê ra trước cửa vừa bán vừa trông nhà, thêm vài đồng đi chợ. 20.000 đồng một kg xoài, vàng ruộm, ngọt lừ. Cả đoàn tôi cân cân buộc buộc. Mỗi người vài kg xoài. Vừa lên xe nổ máy, tôi thấy cô giáo rối rít vẫy tay gọi lại. Hóa ra số xoài của tôi là 5,2 kg nhưng cô nhầm thành 5,5 kg. Ba lạng, 2.000 đồng một lạng, tức là thừa 6.000 đồng. Nói thế nào cô cũng không cầm chỗ tiền thừa ấy vì “các anh mua hàng nhà em là quý lắm rồi”.
Trên quãng đường ấy, tôi lại gặp một người bán mận khác. Cũng là mận vườn nhà, bán 10.000 đồng một kg. Chúng tôi nhặt 4,2 kg, và bằng một thái độ rất quyết liệt, bà đòi đủ 42.000 đồng cho chỗ mận của chúng tôi. Không hơn, kém một xu.
Trong hệ giá trị của những con người nơi này, thì có vẻ như 1.000 đồng là một số tiền rất đáng kể. Từ lâu, những người dân thành phố như tôi mất ý thức về điều đó. Lái xe taxi tự động làm tròn tiền lẻ; thu ngân siêu thị có một rổ kẹo cao su để thối lại khách hàng.
Và tôi nhớ đến sự cương quyết của cô giáo miền cao lúc cô trả lại 6.000 đồng, khi đọc về sự kiện đã xảy ra tại xã Đồng Thái, huyện Ba Vì. Các cán bộ của UBND xã Đồng Thái đã để lại cho người kế nhiệm ngân sách những khoản nợ khổng lồ, mà trong đó, ngoài nợ xây dựng cơ bản, thì có hàng tỷ đồng được chi ra để ăn uống tại nhà hàng, hát karaoke, đi nghiên cứu thực tế ở khu nghỉ mát…
Những con số chín chữ số được đọc lên nghe rất "nhẹ nhàng" như: 145.500.000 đồng cho “đi nghiên cứu thực tế tại Sầm Sơn và Cửa Lò”; 200.000.000 đồng “nợ nhà hàng Tư Lùn trong xã”… Nợ đến mức chủ nhà hàng lên tận uỷ ban để đòi.
Xã Đồng Thái ấy có 13,1% hộ nghèo. Tức là có hàng nghìn con người thu nhập dưới 26.000 đồng mỗi ngày (theo diện nghèo chính sách). Những con người ấy, tôi nghĩ họ cũng đối xử với những tờ 1.000 đồng một cách đầy cẩn trọng. Nhưng có vẻ như đến cán bộ xã thì hệ quy chiếu đã khác.
Ở đây chúng ta đang bàn đến UBND xã, tức là những người sống gần dân nhất - gần những tờ 1.000 đồng nhàu nát nhất - tiêu hàng tỷ đồng cho ăn uống hát hò. Nếu quy 3,5 tỷ đồng nợ khó quyết toán, nợ “ngoài xây dựng cơ bản” của cán bộ xã này ra tờ 1.000 đồng thì có thể lấp đầy một căn nhà 100 mét vuông, kín lên tận trần nhà.
Đầu tiên, tôi nghĩ đơn giản: có sự khác biệt giữa đồng tiền mồ hôi công sức của chính mình làm ra, với “tiền chùa”, tiền mà những người này chỉ việc ghi vào sổ như một con số lạnh lẽo rồi sau đó hợp lý hoá nó bằng một lý do bất kỳ, ví dụ như “đi thực tế ở Sầm Sơn”. Nhưng nghĩ lại, điều này không phù hợp với việc cô giáo Lào Cai quyết đuổi theo trả lại chúng tôi 6.000 đồng. Đó không phải là tiền của cô. Cô đang tiếc hộ chúng tôi.
Cuối cùng thì tôi nghĩ sự trân trọng đồng tiền, hay là công sức lao động nói chung, dù của mình hay là của người khác, phản ánh tư cách con người. Có lẽ khi mà chủ nợ đã đến tận uỷ ban làm ầm lên để đòi nợ, thì phải bàn đến tư cách. Tư cách của những ông “Chúa Chổm ngồi uỷ ban” này đã bị tha hoá cùng chiều với cách họ đối xử với đồng tiền. Nguyên nhân của sự tha hoá ấy, có thể là quyền lực (được ghi nợ mà chủ quán không dám ý kiến), có thể là bệnh hình thức đã ăn sâu vào “đầu ông quan” (tổ chức tụ họp phải đình đám, có liên hoan đặc sản, có thuê đoàn hát), hay là sự thiếu giám sát (nợ đến hàng tỷ đồng chưa ai bắt giải trình)…
Và nếu là như thế, thì có lẽ đó không phải là câu chuyện riêng của xã Đồng Thái. UBND xã ấy, chỉ là “không may” có người dám đến đòi nợ.
Liệu còn bao nhiêu Chúa Chổm ngồi vị trí "con dân" chưa bị điểm mặt?
TRẦN ANH TÚ