Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga, bây giờ là bị cáo Phương Nga, đã nói với hội đồng xét xử rằng cô sẽ sử dụng quyền im lặng.
Tòa giải thích nếu bị cáo Nga từ chối việc bào chữa cho chính mình cũng là cách tự gây thiệt hại; nhưng Phương Nga vẫn kiên quyết sử dụng quyền này. Cô giải thích rằng mình không tin viện kiểm sát, cơ quan giữ quyền công tố đang buộc tội cô và không tin cả luật sư, người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mình trong vụ án này.
Nhiều năm trước, trong một vụ án mà tôi đứng trước tòa với tư cách bị cáo, ở phiên phúc thẩm, tôi cũng đã từ chối luật sư để tự bào chữa. Thời điểm ấy, tôi cho rằng chiến lược bào chữa của luật sư không phù hợp: nhắm đến sự khoan hồng của tòa hơn là nhìn đúng mức độ phạm tội của hành vi. Nói dễ hiểu, là luật sư cũng không tin bị cáo hoàn toàn vô tội.
Sâu xa trong tiềm thức và từ kinh nghiệm của những người bạn tù, tôi thậm chí đã đoán được, mà sau này rất chính xác, mức án của mình. Có một dạng tâm lý phổ biến mà chính tôi đã từng trải qua. Đó là sự bình tâm trước khi ra tòa. Những người tù, ở một thời điểm, học được từ những người bạn đồng cảnh cách đón nhận sự thật dù nó không như mong đợi. Họ không còn mơ ngày tháo cũi xổ lồng ngay trước mắt nữa, mà học cách giặt đồ sao cho ít tốn nước, giữ gìn vệ sinh thân thể cho những ngày dài lao lý, tìm hiểu việc cắt lúa, lột hột điều. “Không còn tin ai” là một cách diễn đạt mà Nga đã sử dụng. Quyền im lặng trước tòa chính là cứu tinh của họ, nó làm cho vụ việc không bung bét thêm, không làm liên lụy thêm đến ai.
Có lẽ Trương Hồ Phương Nga cũng vậy. Những ngày đầu tiên cô hy vọng tòa sẽ làm rõ mức độ hành vi và được vô tội, những bản cung mà cô phản cung hoặc nói lại cho rõ sẽ được làm rõ tại tòa, điều cô trình bày lại sẽ được xem xét. Nhưng án tại hồ sơ. Thật trùng hợp khi mà bị cáo Phương Nga sử dụng quyền im lặng cũng là thời điểm quyền này vào tuổi “thôi nôi”.
Quyền im lặng được đưa vào Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự 2015 và có hiệu lực từ 1/7/2016. Tròn một năm quyền im lặng và nhiều quyền rất mới khác có lợi cho bị can bị cáo được đưa vào đời sống tố tụng. Nhưng phải tới khi Phương Nga sử dụng quyền im lặng, mới gây ra nhiều bàn tán như vậy. Trước đây, nếu bị can từ chối khai báo tại cơ quan điều tra hoặc bị cáo từ chối khai báo tại tòa thì họ có thể bị khởi tố bổ sung tội khai báo gian dối, che giấu tội phạm và gặp nhiều khó khăn khác trong việc thăm nuôi, thực hiện chế độ tạm giam tạm giữ. “Im lặng” có thể trở thành tình tiết tăng nặng tội phạm.
Bây giờ, thì người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự chủ về việc khai báo. Những gì bất lợi, họ có thể không buộc phải khai báo cũng như không buộc phải nhận mình có tội trước cơ quan tiến hành tố tụng hình sự. Sẽ không còn những kịch bản như vụ Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, khi cơ quan tố tụng thường sử dụng lời khai nhận tội của bị can, bị cáo để buộc tội họ khi mà không có các chứng cứ khách quan khác.
Khi chứng kiến sự im lặng của Nga tại tòa, chính tôi đã ước rằng trong phiên tòa của mình nhiều năm trước, có “quyền im lặng”. Tôi đã có thể sử dụng nó để không gây ảnh hưởng tới ai khác. Nhiều người khác, hẳn cũng đã ước như thế.
Trong trường hợp của Nga, nhiều nguồn tin khẳng định với tôi rằng, sự im lặng ấy thậm chí còn đang “giữ gìn” nhiều thứ cho người đàn ông đang buộc tội cô ở phía bên kia phòng xét xử.
Cách đây hơn 5 năm, tôi tình cờ gặp Trương Hồ Phương Nga trong một sự kiện, nói sao cho đúng, một phụ nữ đẹp, bản lĩnh, kiệm lời, học thức. Tôi thoáng nghĩ đến việc cô phải là trợ lý cấp cao cho tập đoàn đa quốc gia nào đó mới đúng. Nhưng sau đó, tôi bất ngờ khi được biết cô chọn con đường dấn thân vào showbiz đầy thị phi và rủi ro và còn làm nhạc - những bản nhạc đầy ám ảnh như sự tiên niệm về chính mình.
Con đường bất trắc và dường như u ám mà người phụ nữ đẹp đó đã đi, nếu có thể, tôi cũng muốn nó được giữ trong im lặng.
HOÀNG LINH