“Em cũng chỉ ước không phải dạy thêm để hết giờ lên lớp có thể thảnh thơi chơi với con mà không phải lo ngày mai lấy tiền đâu mua sữa, lấy tiền đâu đóng học…”. Đó là tâm sự rút ruột của rất nhiều đồng nghiệp mà lần nào nghe tôi cũng muốn trào nước mắt.
Lương tháng của họ, chỉ ngót nghét 3 triệu đồng. Cũng như mọi ngành nghề khác, họ có quyền sử dụng quỹ thời gian rỗi của mình để kiếm tiền, có quyền mưu cầu chất lượng cuộc sống cao hơn, miễn sao lao động của họ là chân chính. Nhưng nghề giáo hình như không được phép làm giàu.
Đề tài “dạy thêm, học thêm” không còn mới, thậm chí đang được đề cập rất nhiều. Cả xã hội dường như đã mặc định rằng đó là vấn nạn cần phải xoá bỏ càng sớm càng tốt và các thầy cô chính là những tác nhân chủ yếu góp phần đẩy mạnh vấn nạn này.
Đã có không ít lệnh cấm được ban ra và thực thi dưới nhiều hình thức kèm theo đó là những lệnh trừng phạt đổ lên đầu các thầy cô tham gia dạy thêm.
Tôi còn nhớ rõ cảm giác nghẹn đắng khi chứng kiến chiến dịch ra quân rầm rộ và quyết liệt (có cả sự góp mặt của công an và đại diện chính quyền sở tại) ở nhiều địa phương sau khi Bộ Giáo dục Đào tạo ra thông tư 17 quy định về việc dạy thêm học thêm vào tháng 5/2012. Có giáo viên bị lập biên bản ngay trước mặt học sinh, có giáo viên phải nộp phạt cả chục triệu đồng… Ai may mắn chưa bị bắt quả tang thì vội vàng “án binh bất động” đóng cửa lớp học, hoặc tăng cường cảnh giác, “rút vào hoạt động bí mật”.
Mới đây, ông Đinh La Thăng lại ra “tối hậu thư” không dạy thêm học thêm với tuyên bố đanh thép: “Hội nhập là không có chuyện dạy thêm học thêm”. Quyết sách này, như thông lệ, vẫn được đông đảo người dân ủng hộ, đồng nghĩa với việc giáo viên một lần nữa đứng trước sự chỉ trích.
Tôi cũng là một giáo viên tham gia dạy thêm, dù tôi vẫn ôm ấp ước mơ nhỏ nhoi nhưng rất khó thực hiện như tâm sự trên của đồng nghiệp. Và mỗi khi lệnh cấm kiểu này được ban ra, cái cảm giác tủi hổ lại tràn về. Chúng tôi bị nhìn nhận như đang phạm pháp, như đang làm ăn thất đức và luôn phải mang tâm thế mặc cảm của kẻ có tội.
Dạy thêm, xét về bản chất là không xấu. Đó là hoạt động truyền đạt và lĩnh hội kiến thức giữa thầy và trò, ra đời và tồn tại chủ yếu do quy luật cung cầu. Con bạn học kém, bạn có nhu cầu cho con học thêm để củng cố kiến thức. Con bạn học giỏi, bạn có nhu cầu cho con học thêm để nâng cao. Con bạn có những định hướng đặc biệt, bạn có nhu cầu cho con học thêm để đạt được sự vượt trội… Có cầu ắt phải có cung. Và dạy thêm học thêm, trong bối cảnh giáo dục hiện tại, là quy luật tất yếu.
Có một câu hỏi chưa được trả lời thấu đáo là tại sao ở Việt Nam, phụ huynh lại có nhu cầu bức thiết phải cho con học thêm? Vì chúng ta có hệ thống trường chuyên lớp chọn. Cửa vào lớp chọn, trường chuyên, các đại học top đầu… rất hẹp. Cuộc đua khốc liệt này đang cuốn cả thầy, trò và phụ huynh vào vòng quay triền miên không thể dứt ra nổi. Muốn thi đỗ, kiến thức trên lớp không đủ, học sinh cần học rất nhiều ngoài chương trình sách giáo khoa, và phụ huynh bắt buộc phải lựa chọn học thêm cho con.
Đó là nguyên nhân chính nảy sinh nhu cầu học thêm. Bạn hoàn toàn có thể tự tin không cho con học thêm nếu bạn không có những nhu cầu như trên; mà không bị ám ảnh bởi một nỗi sợ hãi vô lý được nhiều người truyền tai nhau rằng không học thêm thì sẽ bị thầy cô trù dập... Đâu đó có thể có những trường hợp cá biệt, những giáo viên không tốt gây ra nỗi sợ như thế, nhưng chắc chắn không phải động cơ chính của sự học thêm.
Con tôi không học thêm suốt những năm tiểu học, nhưng cháu vẫn đạt thành tích tốt và được thầy cô yêu quý. Nhưng nếu giáo dục của chúng ta không thay đổi, thì khi con tôi lên các bậc học cao hơn, tôi vẫn buộc phải tìm thầy luyện thi, bởi tôi cũng là một phụ huynh muốn con thi đỗ vào trường tốt. Đó là sự lựa chọn tự nguyện.
Không nên dùng từ “cấm” khi mà trách nhiệm không thuộc về một phía giáo viên. Để xóa bỏ nạn dạy thêm - học thêm, không đơn giản chỉ ban ra một lệnh cấm với giáo viên là xong. Giáo dục cần được thay đổi tận gốc, sự bứt từ trên ngọn sẽ lại khiến nảy sinh nhiều vấn đề rắc rối hơn.
Tôi đã đứng trên bục giảng 12 năm và tôi vẫn đang kiên nhẫn chờ một sự thay đổi, để chúng tôi không có cảm giác là "kẻ phạm tội dạy thêm".
ĐỖ SÔNG HƯƠNG