Dự án đường sắt trên cao tuyến Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) vốn đã nhiều tai tiếng về chậm tiến độ, đội vốn và mất an toàn lao động, nay lại thêm bức xúc về việc sử dụng tiếng nước ngoài. Dư luận đang xôn xao trước tấm thẻ (vé) đi chuyến tàu thử nghiệm Cát Linh - Hà Đông ghi "thẻ lên tàu" bằng chữ Việt Nam và Trung Quốc, với chữ Hoa ở bên trên.
Theo lý giải của Ban Quản lý dự án đường sắt thuộc Bộ Giao thông Vận tải, việc in tấm thẻ lên tàu là do tổng thầu Trung Quốc tự ý làm để mời những người "không có chức năng, nhiệm vụ" đi tàu tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Ban Quản lý dự án cho biết để "tránh không xảy ra sự việc tương tự", họ đã họp chấn chỉnh, nghiêm khắc phê bình tổng thầu. Tổng thầu Trung Quốc cũng đã nhận trách nhiệm và cam kết không tái diễn. Sự lý giải của Ban Quản lý đường sắt không thuyết phục và không đáp ứng trông đợi của dư luận.
Câu trả lời ấy nặng về thanh minh và đổ lỗi cho tổng thầu Trung Quốc mà không thấy trách nhiệm của chủ đầu tư dự án. Nếu Ban Quản lý dự án cho rằng tổng thầu tự ý in và đưa người lên tàu đường sắt trên cao với ý là mình không hay biết (nên không chịu trách nhiệm chăng?) thì họ lý giải sao về việc đây không phải lần đầu xảy ra.
Trước đó vài ngày, sau khi người dân và báo chí phát hiện có nhà ga trên tuyến đường sắt trên cao treo biển song ngữ Việt và Hoa với dòng tiếng Hoa viết trước và to hơn dòng tiếng Việt, đại diện Ban Quản lý cũng giải thích rằng biển này là tạm thời và do đơn vị thi công tự ý gắn. Đơn vị chủ đầu tư cũng nói rằng sẽ chấn chỉnh, sẽ yêu cầu không để sự việc tái diễn… Vậy mà vẫn tái diễn vụ thẻ lên tàu.
Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông được làm bằng tiền vay của Trung Quốc và do Trung Quốc làm tổng thầu thi công. Dù vay thì Việt Nam vẫn là bên trả, hay nói cách khác là ông chủ của dự án, còn phía nhà thầu chỉ là người làm thuê. Giữ vai trò đại diện chủ đầu tư dự án, sự giám sát và trách nhiệm của Ban Quản lý dự án ở đâu để tổng thầu Trung Quốc "tự ý" hết lần này tới lần khác như vậy? Việc ngôn ngữ thể hiện tại dự án cũng không thể xem là chuyện "tạm thời".
Không phải ngẫu nhiên mà dự án quy định chỉ được thể hiện bằng 2 ngôn ngữ là tiếng Việt và tiếng Anh (theo thông lệ quốc tế). Với mọi quốc gia có chủ quyền, trong trường hợp phải sử dụng tiếng nước ngoài thì ngôn ngữ chính thức của quốc gia mình phải được viết trước và không được nhỏ hơn ngôn ngữ nước ngoài. Bởi ngôn ngữ cũng chính là thể hiện của chủ quyền quốc gia, tự hào và tự tôn dân tộc.
Luật pháp nước ta cũng như các quốc gia khác đều quy định rõ những trường hợp vi phạm sử dụng ngôn ngữ nước ngoài ở trong nước cũng như các chế tài cho vấn đề này.
Việc không làm tròn trách nhiệm của Ban Quản lý dự án đường sắt rõ ràng đã dẫn tới những vấn đề không hề nhỏ thể hiện qua phản ứng của dư luận. Liệu họ có ý thức được và nhận ra được điều này?
PHAN ĐĂNG