Có lần tôi được sư trụ trì một chùa ở Huế mời cùng ăn trưa. Sư đã ngót trăm tuổi, bữa trưa chỉ là bát cháo vừng đen xay nhuyễn cùng một quả chuối tiêu. Ăn chậm rãi đến khi bát cháo hết nhẵn, nhà sư xắn một miếng chuối, rồi dùng nó vét sạch trơn bát cháo không còn đến một mảy vừng.
Tôi nhìn bà ăn như thế, không dám để thừa, nhắm mắt nhắm mũi ăn cho hết phần của mình. Ăn xong rồi, sư trụ trì cười hỏi tôi:
- No chưa?
- Dạ no rồi, no quá!
- Sao lại no quá?
- Vì các sư cô cho con nhiều quá, ăn cố mới hết.
- Lần sau con đừng ăn cố, tội mình, tội cả miếng ăn. Cứ ăn khi nào đủ no thì thôi.
Bữa ăn trưa đó để lại cho tôi bài học giản đơn nhưng sâu sắc về nhu cầu và khả năng, hình thức và bản chất. Sư trụ trì ăn uống gọn gàng tiết kiệm, vì đó là tác phong, là lối sống của bà. Không có nghĩa là tôi nên “bắt chước” như vậy. Và ngay cả khi làm đúng như vậy mà lòng không mong muốn, cơ thể không thoải mái, thì cũng không có ý nghĩa gì.
Ngày tôi lại càng cảm giác nhiều người thực hiện các hành vi tín ngưỡng một cách hoàn toàn hình thức. Họ làm mà không hiểu và cũng không lan tỏa cái tinh thần bên trong của tôn giáo. Chẳng hạn cúng sao giải hạn vào đầu năm mới. Khắp trong Nam ngoài Bắc, hàng trăm nghìn người đổ dồn đến các chùa chiền để nhờ các nhà sư làm lễ cúng sao giải hạn. Lại có những ngôi chùa được đồn đại là đặc biệt linh nghiệm khi làm nghi lễ này. Vậy là quang cảnh hàng nghìn người chắp tay cầu khấn kín xung quanh chùa, đứng lên cả… cầu vượt trước chùa để vái vọng, năm nào cũng diễn ra trong hết mực cảm thông của làng xóm láng giềng, lẫn các phương tiện tham gia giao thông vào giờ cao điểm.
Nhưng Phật giáo hoàn toàn không có nghi thức cúng sao giải hạn (thờ cúng các tinh tú và theo dõi thiên văn là sở trường của Đạo giáo). Hòa thượng Thích Thiện Bảo - phó ban hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đầu năm nay đã phát biểu chính thức trên báo chí rằng: Cúng sao giải hạn không phải là văn hóa Phật giáo. Thậm chí, theo kinh Di giáo của nhà Phật, trước khi Đức Phật nhập Niết bàn, Ngài cũng dạy đệ tử Phật nên tránh xem tướng lành dữ, nhìn sao trên trời để suy lường vận mệnh nên hư. Những việc xem ngày giờ tốt xấu đều chẳng nên làm...
Một dẫn chứng rất bi hài khác, là cảnh đi lễ đền Bà Chúa Kho. Đầu năm, người ta sẽ tới để xin “vay” lộc Bà, và cuối năm thì chuẩn bị rất nhiều vàng mã, lễ vật để cúng “tạ”. Đây là việc nhất thiết: có vay thì phải có trả. Nhưng Bà Chúa Kho sinh thời vốn là một nhân vật có thật trong lịch sử, có công giúp triều đình trông coi kho lương thực tại Núi Kho (tỉnh Bắc Ninh). Một người thủ kho nổi tiếng liêm chính đến mức triều đình xây đền cho dân thờ cúng, nhưng người ta lại mang lễ vật “đút lót” để xin vay vốn làm giàu? Chưa nói đến chuyện mê tín, ngay cái lập luận ban đầu cơ bản đó cũng đã rất mâu thuẫn.
Bài học mà vị trụ trì trăm tuổi dạy tôi khi xưa, diễn nôm ra, cũng chỉ đơn giản thế: tìm thấy sự thoải mái trong lòng, đừng vì người khác làm mà mình cũng phải căng lên, rập khuôn mà làm theo.
Nhưng chúng ta phải chứng kiến quá nhiều “hội chứng đám đông” trong sinh hoạt tôn giáo. Người ta làm mà không hỏi tại sao mình phải làm, và điều này thực sự có ý nghĩa gì.
Còn nhiều, rất nhiều các hành vi có thể kể ra làm dẫn chứng, dễ dàng thấy được ở khắp các điểm sinh hoạt tôn giáo. Như là khổ sở rắc tiền lẻ đủ các ban bệ, tượng thờ, cho đến cành cây, khe cửa, giếng nước, mái chùa. Như là sờ bằng được, chạm bằng được vào tượng. Như là tranh cướp bằng được một chiếc khánh nhựa, một mặt Phật Quan Âm, hay một tràng hạt bằng gỗ được nhà chùa phát tặng khách thập phương sau khi hành lễ. Quang cảnh này vừa diễn ra trong ngày khai hội Chùa Hương năm nay.
Dường như sự ngộ nhận và tâm lý khấn cầu là nguyên nhân của hiện tượng này. Nếu vậy, thì người ta đang phạm vào chính tam độc - Tham, Sân, Si - điều mà nhà Phật vẫn thường khuyên nhủ Phật tử nên sớm nhận thức và rũ bỏ.
Có lẽ hiếm có quốc gia nào, kể cả những quốc gia lấy Phật giáo làm quốc đạo, sự hâm mộ Phật giáo lại mâu thuẫn như ở Việt Nam: hết mực sùng kính, nhưng cũng nhiều tạp niệm đến mức ngộ nhận xa rời chân lý khởi thủy tốt đẹp.
Phật giáo, cũng như bất cứ tôn giáo nào, không phải là “kho tán lộc” cho nhân sinh - mà là phương pháp để con người tìm ra cái bản ngã tốt đẹp vốn tiềm ẩn trong chính tâm mình. Nam mô A-di-đà Phật - câu niệm phổ biến nhất của Phật giáo mà chúng ta biết, thực ra còn có thể hiểu là: Quay về giác ngộ sự vô lượng.
GIA HIỀN