Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,460,925 lượt

Buồn hơn nỗi buồn

Trên tường căn phòng của Nhung, gần Khu công nghiệp Nam Sách, Hải Dương, nguệch ngoạc nhiều dòng chữ của những người từng trọ. Một hình ảnh quen thuộc của những xóm trọ công nhân. To nhất, có một câu đập vào mắt bất kỳ ai bước vào: “Buồn hơn cả nỗi buồn”. Ai đó đã viết từ năm 2010.

 

Nếu ai từng đến và tìm hiểu về cuộc sống của lao động tha hương trong những dãy phòng trọ 10 mét vuông san sát này, sẽ cảm nhận được hình ảnh ấy: những tháng ngày đằng đẵng vật lộn với cơm áo, không tích lũy, không mở rộng quan hệ, và không tương lai. Họ nằm đó, trong những giờ nghỉ, viết bậy lên tường. Nhung ngồi bế con cạnh dòng chữ trên bức tường lem luốc ấy. Đó là đứa thứ hai, chưa cai sữa. Đứa đầu đã được đưa về quê với ông bà ngay sau khi cai sữa. Em nó rồi cũng sẽ nối bước. Sống xa cha mẹ chính là kịch bản khả dĩ nhất cho nhiều đứa trẻ sinh ra trong một gia đình lao động phổ thông xa quê.

 

Tôi đã gặp những người mẹ chấp nhận sống xa con mình 5 năm, kể từ khi đứa trẻ chưa đầy tuổi. Cô sống một mình, liên tục tăng ca và cố gắng tiết kiệm từng đồng lương công nhân để có một tương lai mơ hồ nào đó cho hai mẹ con. Đứa trẻ chỉ ở với mẹ, khi đã đủ tuổi để tha thẩn chơi một mình trong xóm trọ hàng đêm, khi mẹ nó tăng ca.

 

Với những công nhân, hay rộng hơn, là những lao động phổ thông thu nhập thấp (trên lương tối thiểu vùng một chút), thì kịch bản tối ưu nhất cho con cái, có lẽ là… không sinh con. Kịch bản khả dĩ nhất là gửi chúng cho ông bà ngay khi vừa cai sữa. Còn kịch bản đáng sợ nhất, chúng ta đã chứng kiến quá nhiều, đủ để rùng mình khi nghĩ đến: gửi chúng cho những cơ sở giữ trẻ tự phát.

 

 

Tháng 5/2015, ở bảo tàng Phụ nữ có một triển lãm ảnh, do Trung tâm Hội nhập và Phát triển (CDI) tổ chức, trong đó chính những người lao động di cư chụp lại hình ảnh tiêu biểu cho cuộc sống của mình. Tôi dắt vợ đi xem. Một sảnh lớn toàn ảnh, nhưng đến hôm nay tôi chỉ nhớ bức xấu nhất. Nó được chụp tại KCN Thiện Hiệp, tỉnh Bình Thuận.

 

Nó xấu, bởi vì nó không thể có bố cục: một đám trẻ, mà tôi đoán chừng đều dưới 18 tháng tuổi, nằm ngủ la liệt trên mặt đất, như cá xếp trên bờ cát. Cái “nhà trẻ” trống hoác, chỉ có 6 chiếc chiếu cũ cho các cháu nằm lên, ngổn ngang. “Bên cạnh nhà trẻ, nước thải chảy ra, rất dơ bẩn, ẩm thấp, nhìn các cháu thấy tội lắm!” - người chụp bức ảnh chia sẻ.

 

Vụ bạo hành trẻ kinh hoàng ở Gò Vấp mà chúng ta mới chứng kiến không hề cá biệt. Ở điểm giữ trẻ tại phường 17, quận Gò Vấp, người ta nhìn thấy những bảo mẫu thẳng tay đánh đập, quăng quật lũ trẻ. Và người ta cũng nhìn thấy đằng sau cái điểm giữ trẻ xập xệ ấy, là một xóm trọ công nhân, nơi cha mẹ chúng, phần lớn có thu nhập thấp, không có lựa chọn về nơi gửi con.

 

Nheo nhóc. Những đứa trẻ mười mấy tháng tuổi, được giao lại cho những bảo mẫu không có trình độ, không có tình yêu, và ý thức rõ về sự “không thể lựa chọn” của cha mẹ chúng. Những hình ảnh trên mặt báo, dù với tần suất không nhỏ, cũng chỉ là phần nổi của tảng băng - những gì được vô tình phát hiện. Đằng sau nó, là một quy luật của cái nghèo.

 

Cái nghèo của những lao động phổ thông này được vận hành thành quy luật, bởi việc phá vỡ quy luật ấy, không đủ sức nặng. Tôi nhìn thấy đằng sau cái nghèo ấy là những cuộc đấu tranh quyết liệt để “mặc cả” vài trăm nghìn đồng lương tối thiểu vùng, trong đó các doanh nghiệp bảo vệ lợi ích của họ một cách đầy thuyết phục và mạnh mẽ, còn phía công nhân chỉ được đại diện bởi những lực lượng mỏng manh.

 

Tôi nhìn thấy đằng sau cái nghèo ấy, là những doanh nghiệp FDI sa thải hàng nghìn công nhân mỗi năm để tránh phải tăng lương, tăng bảo hiểm, rồi sau đó tuyển mới hàng nghìn người khác và trả cho họ mức lương khởi điểm. Cứ lặp đi lặp lại, năm này qua năm khác. Rất khôn ngoan và tiết kiệm.

 

Đằng sau cái nghèo ấy có rất nhiều câu chuyện, có khi là một vùng quê đã phải nhường lại toàn bộ đất nông nghiệp cho một KCN trên giấy, hay là một ván bài kinh tế nào đó họ không bao giờ được tham gia.

 

Tôi nhìn thấy đằng sau cái nghèo ấy là những thiết chế khá đầy đủ, các ban bộ và tổ chức để bảo đảm và tăng đời sống người lao động, nhưng luôn khiến người quan sát tự hỏi: họ đã làm việc hiệu quả chưa?

 

Không chỉ có lũ trẻ là nhóm yếu thế. Chính cha mẹ chúng, những thanh niên vì nhiều lý do phải rời quê đi kiếm ăn xa, cũng yếu thế. Chúng tôi đã lặng đi rất lâu khi nghe đồng nghiệp - những phóng viên trực tiếp điều tra vụ hành hạ trẻ ở Gò Vấp - chia sẻ những câu chuyện không đưa lên mặt báo.

 

Dù hiện thực của sự hành hạ con mình đã phơi bày trước mắt, một số phụ huynh còn thoáng chút buồn, vì nếu cơ sở của các “ác mẫu” ấy đóng cửa, họ không biết gửi con đi đâu. Chúng tôi cũng chưa biết phải xử lý thông tin ấy như thế nào.

 

Một cuộc thanh tra, và có thể là một điểm giữ trẻ bị đóng cửa, hay thậm chí là một ác mẫu bị khởi tố, không chạm được vào căn nguyên sâu xa của câu chuyện. Nó buồn hơn cả một nỗi buồn.

ĐỨC HOÀNG

Top