Đơn vị đồng hành
Truy cập: 5,460,884 lượt

Người cho vay lãi

Ngân là người cho vay lãi ở khu công nghiệp. Cô không phải là mẫu bà chủ tiệm cầm đồ mặt núng nính tay đeo nhẫn vàng, cũng không phải mẫu anh chị tay ám màu khói thuốc. Cô là một bà mẹ đơn thân, làm ngày làm đêm trong nhà máy, nuôi một đứa con nhỏ trong căn phòng trọ hơn mười mét vuông.

 

Ngân nhặt nhạnh bằng đủ mọi cách. Cô làm thêm 80 giờ/tháng trong nhà máy. Cô mua lại từng tờ phiếu ăn không dùng của đồng nghiệp, để đổi lấy đồ ăn với giá rẻ hơn vài nghìn đồng. Cô nhặt nhạnh đồ đạc cũ về tự vá víu. Có lần, cô cho chúng tôi xem một lá đơn nguệch ngoạc và đầy lỗi chính tả. Cả lá đơn chỉ để xin “các chú, các anh” cho mình được để xe máy gần lối ra vào của nhà xe: nếu đón con muộn, trường mẫu giáo sẽ thu 15 nghìn đồng một buổi. Ngân chỉ có một mình loay hoay với đứa trẻ.

 

Và cuối cùng, những đồng bạc cóp nhặt được, Ngân đem cho vay lãi ngày.

 

Lần gần nhất tôi sang phòng trọ của Ngân, thì cô đã mua được một mảnh đất ở quê. Bảy năm không ăn không tiêu, xoay xở đủ cách với đồng lương công nhân, cuối cùng có đất. Mừng tủi. Nhưng ngồi hỏi kỹ lại, thì hóa ra là mua đất không sổ đỏ, pháp lý không rõ ràng, chỉ có giấy viết tay. Rồi cô lại ngồi thở dài, có mấy nơi cho vay đang đòi mãi không được. Có khi xác định mất.

 

Tôi ngần ngừ, định hỏi thêm về tình trạng của mảnh đất. Nhưng rồi lại thôi, quyết định để Ngân tạm hớn hở trong bước ngoặt mới của đời mình.

 

Cuộc sống của Ngân là một chuỗi các quyết định bấp bênh, những tiếng bạc liều. Liều lĩnh với sức khỏe - số giờ làm thêm của cô vượt xa trí tưởng tượng của các nhà soạn thảo Luật lao động. Liều lĩnh trong đầu tư: thân gái một mình ở khu công nghiệp, lại đem tiền cho vay lãi ngày. Chộp giật trong cả những quyết định lớn nhất của cuộc đời. Cái “nghiệp” cho vay lãi của Ngân, cuối cùng lại là thứ phù hợp nhất với môi trường của khu công nghiệp này - nơi mọi vận động đều dựa trên các quyết định bấp bênh và chộp giật.

 

Lý do đơn giản: Ngân không biết ngày mai sẽ ra sao.

 

Chu trình thay đổi nhân sự của các doanh nghiệp gia công rất khó lường. Hôm nay còn việc, mai mất, không ai biết trước. Ở Việt Nam, không khó tìm thấy những doanh nghiệp thay máu hàng nghìn nhân công định kỳ. Lần nào gặp, bà mẹ đơn thân ấy cũng chỉ có một mong ước là công ty có nhiều việc để được làm thêm - dù tổng thời gian làm thêm giờ của cô đã hơn 1.000 giờ/năm, nằm ngoài các nghiên cứu về lao động trên thế giới.

 

Nhưng nếu bạn đem những bấp bênh này đi hỏi doanh nghiệp, thì bản thân họ, cũng sẽ chia sẻ về những bấp bênh khác. Những rủi ro về chính sách, về cơ chế và về cả năng lực quản lý của những người mặc đồng phục nắm số phận của họ trong tay. Không khó để tìm thấy một “tấm gương” doanh nhân hoặc doanh nghiệp đã điêu đứng vì sự bất ổn của hệ thống quan liêu. Ngay tại chuyên mục Góc nhìn này, đại diện của giới doanh nghiệp cũng đã nhiều lần nói về những rủi ro hệ thống.

 

Cuối cùng, trong nền kinh tế, chúng ta có một tâm lý bất an và chộp giật mang tính phổ quát. Ngân chỉ là đại diện ở điểm mút của một chuỗi bất an chung.

 

Tại APEC lần này, khái niệm “phát triển bao trùm” được nhắc lại nhiều lần. Đây là một khái niệm lớn và phức tạp, nhưng nghĩa cơ bản của nó là việc "không bỏ ai lại phía sau" trong tiến trình phát triển. Điều này có những đòi hỏi rất cơ bản: sự bình đẳng; cơ hội được tham gia vào nền kinh tế của tất cả các thành phần; sự tăng trưởng bền vững. Và có một yếu tố quan trọng ít được nhắc tới: tính ổn định của hoạt động kinh tế.

 

Tính ổn định này được định nghĩa là “Cá nhân, cộng đồng, chính phủ và doanh nghiệp có một sự tự tin đáng kể vào tương lai của họ và một khả năng cao trong việc dự đoán kết quả của các quyết định kinh tế”.

 

Cái sự tự tin khi “dự đoán kết quả của các quyết định kinh tế” này hẳn nhiên không dành cho Ngân, không dành cho nhiều công nhân, nông dân, hay thậm chí là nhiều chủ doanh nghiệp tại nước ta. Phía trước họ có nhiều rủi ro.

 

Có nhiều bằng chứng cho thấy rằng ngay cả với các thể chế kinh tế nghìn tỷ, nếu có cơ hội được tham gia vào thị trường cho vay lãi cao, họ cũng không chối từ. Ở một khía cạnh nào đó, họ cũng có chung một trạng thái tâm lý với Ngân. Cố xoay vòng nhanh, vì không biết ngày mai thế nào. Họ từ chỗ là nạn nhân của một tâm lý đi đến chỗ trở thành thủ phạm của một hiện thực. Rốt cục thì trong một cộng đồng mà ai cũng chộp giật, rất khó để đòi hỏi người ta đầu tư lâu dài cho tương lai.

 

“Phát triển bao trùm” – cụm từ được lặp lại bởi các nguyên thủ ở APEC lần này – không chỉ là việc chia đều cơ hội cho cả người giàu lẫn người nghèo, mà còn là chia đều các cơ hội bền vững.

 

Nếu có ai đó hỏi rằng tại sao nguồn vốn ở Việt Nam được đổ cho bất động sản và dịch vụ, cho các hoạt động kinh tế “xoay vòng nhanh” nhiều hơn cho các ngành nghiên cứu và chế tạo, thì câu trả lời có thể giống với việc tại sao Ngân không để tiền đi học lớp kế toán hay tiếng Anh buổi tối, mà lại đem đồng vốn còi đi cho vay lãi. Dù sao thì làm thế, cô cũng đã mua được mảnh đất nhỏ ở quê.

 

Trong phòng trọ của Ngân, có một cái ghế ba chân. Chân của một cái ghế khác được vá thêm vào. Tồi tàn, nhưng vẫn ngồi tiếp khách được. Ngân cứ sống thế, vì mải sợ hãi về tương lai.

 

Để sửa cái ghế ba chân ấy, cần những chính sách mới, hay là cần một thái độ lập pháp khác?

ĐỨC HOÀNG/VNEXPRESS

Top