Chuyện Bí thư Hà Giang với dàn “cán bộ người nhà” rồi vụ con trai cựu Bí thư tỉnh ủy 37 tuổi được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Công ty Cao su Bình Phước… đang khiến dư luận hoài nghi và bức xúc thì một có một tin vui đến từ Thủ đô, đó là Hà Nội giảm được 170 cán bộ cấp trưởng phó phòng.
Theo báo chí, bà Ngô Thị Thanh Hằng - Phó Bí thư Thường trực thành ủy Hà Nội cho biết, ở khối các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị xã hội của thành phố, sau sắp xếp đã giảm được 9 đầu mối phòng, ban; giảm 9 đơn vị sự nghiệp; giảm 9 cán bộ cấp trưởng phòng, ban; giảm 20 cán bộ cấp phó phòng, ban. Tổng số đã giảm được 29 cán bộ cấp trưởng, phó phòng ban.
Đối với khối các cơ quan trực thuộc UBND thành phố, sau sắp xếp đã giảm được 46 phòng ban, giảm 26 trưởng phòng, 116 phó trưởng phòng (tổng số 142). Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc cấp sở đã giảm từ 401 xuống còn 208 đơn vị, giảm 121 đơn vị (30,2%)…
Như vậy, Hà Nội đã giảm được 171 cán bộ cấp trương, phó phòng (29 + 142). Đây là con số tuy nhỏ nhưng ở thời buổi này cũng đáng ghi nhận, song lại nảy ra một số câu hỏi… hơi hơi nhỏ.
Đó là té ra từ nhiều năm nay, Hà Nội đã có tới 170 “ông quan” mà nói theo ngôn ngữ dân gian là “có cũng được mà không… càng tốt”. “Có cũng được” bởi từ khi giảm đi, công việc vẫn chạy đều, thậm chí có khi còn tốt hơn và như vậy có nghĩa là trong bộ máy, hoàn toàn có thể đã từng tồn tại 170 chức vụ chồng chéo hay những chiếc ghế tồn tại do…“bày vẽ”.
Trong khi người xưa đã đúc kết “Đa quan thì tàn dân” bởi thêm một “ông (bà)” quan là thêm một khoản chi không nhỏ, thêm một tầng “cai trị”. Đó là chưa kể, việc bổ nhiệm những người này có là thực đức, thực tài hay lại là 5C (CCCCC – con cháu các cụ cả) hoặc 4 ệ (hậu duệ, quan hệ, tiền tệ, trí tuệ)?
Gần đây, trong dân gian lan truyền một câu chuyện vui kể lại một anh “Nông Văn Dân” đến cơ quan nọ xin gặp giám đốc, nhân viên bảo vệ bảo: “Giám đốc nghỉ, bố giám đốc mất”. Xin gặp phó giám đốc cũng được trả lời: “Không được, vì bố giám đốc vừa mất”.
Thất vọng, anh ta đề xuất gặp trưởng phòng. “Cũng không được, bác ông trưởng phòng vừa mất”. Quá thất vọng, “Nông Văn Dân” đề nghị: “Cho tôi gặp phó phòng”. “Ông phó phòng vừa mất”.
“Ông chọc tôi hả?”. Nông Văn Dân giận quá kêu lên. “Chọc gì? Cậu dốt bỏ mịa lên. Bố giám đốc cũng là bố phó giám đốc, là bác trưởng phòng và là ông phó phòng…”.
Đối với vụ việc ở Hà Giang, có lẽ bắt đầu cũng từ một thông tin trên mạng xã hội mang tên… “Bây giờ em mới biết” của một ai đó nói rằng dưới quyền vị Bí thư này là một dàn lãnh đạo toàn con em gần gũi, thân thuộc.
Trước thông tin trên, ngày 17/9 vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh đã trả lời báo Dân trí, đính chính một số thông tin sai lệch và cho rằng việc bổ nhiệm là đúng qui trình và chặt chẽ. Ông Vinh còn than thở: “Tôi không mong muốn người nhà tôi lên làm lãnh đạo”!
Nào là “chặt chẽ”, nào là “thỏa đáng, rất thỏa đáng”, nào là “ý kiến tập thể” và giờ đây, còn “không mong muốn người nhà làm lãnh đạo”… Thế nhưng nhìn đâu cũng thấy “4 ệ”, “5 C”.
Người dân chỉ biết ngửa mặt lên trời mà than: “Ơ hay! Luôn đúng qui trình – Con quan luôn…. Bất thình lình thăng quan”. Hu!
Trở lại với tin vui từ Hà Nội, mong rằng Hà Nội tiếp tục “đúng qui trình” để giảm thêm nhiều, nhiều hơn nữa cái con số 170 người vì Hà Nội hiện có tới 15.000 cán bộ, công chức.
Nhiều quan thế, dân nuôi sao nổi?
BÙI HOÀNG TÁM