Thực tế vài nhiệm kỳ gần đây cho thấy rất nhiều những “Thái tử đỏ” ở mọi cấp đã không nhiều người toả sáng. Thậm chí, khi giữ chức vụ cao còn lu mờ, nhạt nhoà dần theo bóng người cha của họ lui vào hậu trường.
Nhân chuyện Uỷ ban kiểm tra Trung ương đã vào công bố cụ thể vi phạm ở Đà Nẵng, tôi chợt nhớ thời điểm tháng 10.2012, khi đọc bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6, khoá 11, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận lỗi trước toàn Đảng, toàn dân về “một số khuyết điểm lớn” cả hiện tại lẫn các nhiệm kỳ trước, giọng ông bỗng nghẹn ngào khiến ai coi truyền hình cũng rất bất ngờ xen lẫn nhiều cảm xúc.
Nhưng cũng qua hội nghị lần đó, từ chuyện bỏ phiếu để xử lý trách nhiệm của một vị đứng đầu Chính phủ và kết quả không như ý muốn của cả tập thể đã cho chúng ta hiểu một điều: Thật không đơn giản như nhiều người nghĩ khi mà trong Đảng có không ít những vị trong Trung ương chưa nghĩ đến sinh mệnh của Đảng cầm quyền, của gần 90 triệu dân bởi phía sau hiện tượng này họ là những phe cánh và lợi ích nhóm.
3 năm sau đó, Đại biểu Quốc hội Lê Nam (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá) đã nhắc lại chuyện cũ này trên nghị trường Quốc hội khi ông dùng một hình ảnh khiến ai cũng phải nhớ mãi: “Nhiệm kỳ này chúng ta đã chứng kiến nước mắt của đồng chí Tổng Bí thư rơi vào lịch sử”.
Đúng như một nhà báo từng nói: “Tổng Bí thư không nghẹn ngào sao được khi một số đồng chí của ông là cán bộ cao cấp cả đương chức và nguyên chức có những việc làm chưa gương mẫu, nói không đi đôi với làm, ảnh hưởng đến uy tín, đến hình ảnh của Đảng. Tổng Bí thư không nghẹn ngào sao được bởi tình trạng tham nhũng, tiêu cực ngày càng trầm trọng và tinh vi trong khi công cuộc phòng chống lại ít hiệu quả, nhất là sự xuất hiện của các “lợi ích nhóm”. Và Tổng Bí thư không nghẹn ngào sao được khi để xảy ra những vụ việc gây tổn thất lớn, để lại những hậu quả nghiêm trọng không chỉ cho nền kinh tế mà còn suy giảm niềm tin của nhân dân cũng như của các tổ chức kinh tế thế giới…”
Để diễn ra thực trạng này, tôi nghĩ trong đó có một phần rất quan trọng thuộc về tập thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 10 về góc độ trách nhiệm của mình trước Đảng, trước toàn dân.
Tư tưởng hữu khuynh, đấu tranh thiếu tích cực nhằm bảo vệ uy tín cho Đảng và cũng là để bảo vệ sự tồn vong của chế độ có lúc đã bị một nhóm lợi ích, phe phái bảo vệ nhau, đưa người thân của mình vào bộ máy của Đảng ở nhiều cấp từ thấp đến cấp cao, khiến những lá phiếu tiêu cực thêm sức nặng, làm chòng chành cả con thuyền lớn.
Ở cấp Trung ương, nhiều đảng viên không khỏi bức xúc khi có những đại biểu cơ sở trượt cấp uỷ địa phương với số phiếu quá thấp nhưng lại được đặc cách để bầu vào Trung ương một cách rất trớ trêu, khó hiểu.
Người ta bảo rằng tình trạng “con ông cháu cha” được các bậc cha chú mình nể nang nhau rồi cho qua, chấp nhận đưa họ vào cấp uỷ dù họ chưa hề được thử thách đã khiến chất lượng cán bộ lãnh đạo bị giảm sút rõ rệt.
Họ đã thoả hiệp quyền lực với nhau như thế trước khi chấp nhận “hạ cánh”, còn chúng ta thì hữu khuynh, không dám đấu tranh.
Trước hết, cũng phải nói rõ, tôi không hề quá khắt khe trong cách nhìn về chuyện đào tạo, bồi dưỡng con em lãnh đạo kế thừa sự nghiệp của cha, anh mình. Để duy trì và bảo vệ chế độ, điều đó theo tôi không có gì bằng.
Có những trường hợp Đảng chọn được cán bộ trẻ khá ổn. Tuy cũng thuộc diện “con ông cháu cha” và đương nhiên cũng có phần ưu ái nào đó nhưng thực tế đã cho thấy việc chọn lựa không sai.
Song, chắc khó một ai có thể chấp nhận nổi hiện tượng bổ nhiệm nhồi nhét, gượng gạo “ép non” con em mình theo kiểu đến kỳ Đại hội thì đưa nhanh vào cấp uỷ, vào làm chức này, chức nọ lấy được. Rồi cả hiện tượng “nhảy cóc” các cương vị rất lộ liễu khi họ đâu có gì nổi trội cho cam.
Thực tế vài nhiệm kỳ gần đây đã cho thấy rất nhiều những “Thái tử đỏ”" ở mọi cấp đã không mấy ai toả sáng mà khi giữ chức vụ cao còn lu mờ, nhạt nhoà dần theo bóng người cha của họ lui vào hậu trường. Âu cũng vì “cái áo” khoác lên họ quá rộng so với sức vóc, tài năng và trí tuệ thực sự.
Việc con em cán bộ lãnh đạo cao cấp thăng tiến với tốc độ phi mã là điều đáng suy nghĩ. Sự nể nang trong công tác nhân sự nói trên sẽ vô tình triệt tiêu người có tài, đức thực thụ nhưng lại thiếu mối “quan hệ, tiền tệ, hậu duệ...” khiến họ bị lãng quên.
Tôi thấy rất thấm câu nói của ai đó rằng: Đạo đức và uy tín của người cha là tài sản lớn nhất của người con.
Tiếc rằng, bây giờ người ta đang dần quên đi điều này mà chủ quan cho rằng chức vị và tiền bạc của cha mẹ để lại cho con mới là điều cần nhất và trên hết?
QUỐC PHONG/ DÂN VIỆT