Đơn vị đồng hành
Truy cập: 10,950,678 lượt

Giáo dục nhân cách cho trẻ bằng văn học

Dạy con qua các câu chuyện dân gian là phương pháp dạy con truyền thống từ xa xưa, vẫn được đánh giá cao trong chương trình giáo dục mầm non và tiểu học. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, những câu chuyện dân gian không còn phổ biến nữa.

 

Những phương pháp mới, cách tiếp cận hiện đại hơn trong việc dạy dỗ con cái từ nước ngoài được áp dụng. Liệu phương pháp dạy con qua các câu chuyện dân gian có lỗi thời trong xã hội hiện đại?

 

Mỗi câu chuyện là bài học đạo đức

 

Trong cuộc sống hiện đại, ngoài việc đưa trẻ tới trường học môn Đạo đức, Giáo dục công dân hay Kĩ năng sống… thì kể và cho trẻ đọc những câu chuyện dân gian cũng là một biện pháp hay mà bạn nên tham khảo. Cô giáo Nguyễn Thị Nguyệt, GV Trường Mầm non Thành Công A (Hà Nội) chia sẻ: “Không phải trẻ em bây giờ không thích nghe kể chuyện, những câu chuyện dân gian bao giờ cũng được các em thích thú. Các em nghe rất chăm chú. Những câu chuyện “Ếch ngồi đáy giếng”, “Thầy bói xem voi”, “Rùa và Thỏ”... đã thân quen, thế nhưng các cô kể đi kể lại các em vẫn thích. Thế nhưng trong gia đình các em vẫn ít được nghe bởi bố mẹ quá bận rộn với công việc mà không biết rằng những câu chuyện ấy có tác dụng rất tốt cho sự hình thành nhân cách của con”.

 

Theo cô Nguyệt khi bạn muốn dạy con đức tính kiên nhẫn và không chủ quan - bạn có thể dạy con qua câu chuyện “cuộc đua giữa rùa và tho”; khi bạn muốn dạy con tránh tham lam, bạn có thể kể cho con câu chuyện “con chó và cục xương”; hoặc bạn muốn dạy con bài học về sự đoàn kết, câu chuyện ngụ ngôn “bó đũa” sẽ rất phù hợp, hay để dạy cho trẻ đức tính linh hoạt, không cứng nhắc cha mẹ có thể kể cho trẻ nghe câu chuyện “Cây Sồi và cây Sậy”....

 

Có rất nhiều những câu chuyện như vậy được ông bà đúc kết lại theo suốt chiều dài lịch sử. Ở lứa tuổi mầm non với tâm hồn ngây thơ, trong sáng, chưa có nhiều những trải nghiệm cá nhân, nhận thức về thế giới xung quanh còn ở mức cảm tính... thì việc tiếp xúc với cái đẹp lấp lánh của ngôn từ và trí tưởng tượng phong phú trong tác phẩm văn học sẽ là cơ sở để các em rung động và cảm nhận được vẻ đẹp của một thế giới bao la đầy âm thanh, màu sắc và sự huyền bí.

 

Trong chuyện cổ tích, trẻ sẽ gặp bà tiên, ông Bụt tốt bụng, những nàng công chúa, hoàng tử xinh đẹp với tâm hồn trong sáng. Trong thần thoại bắt gặp lối nhân hóa và sự tưởng tượng nghệ thuật, ở đó, hoa quả, cây lá hiện lên một cách sinh động thể hiện tình cảm gắn bó sâu sắc giữa con người với thiên nhiên. Khi trẻ tiếp xúc với tác phẩm, ngôn từ của trẻ cũng trở nên phong phú và sống động hơn. Các em tự hình thành cho mình khả năng diễn đạt vấn đề một cách mạch lạc, giàu hình ảnh và biểu cảm.

 

Để con trẻ yêu văn học trong thời đại Internet

 

Hiện nay cuộc sống hiện đại nên có nhiều phương tiện giải trí vui chơi và học tập hấp dẫn khiến các bậc phụ huynh thường lệ thuộc vào đó, thường khi con đi học về là bố mẹ mở băng đĩa siêu nhân hay trò chơi “Game” cho con xem mà không hiểu rằng, văn học là một phương tiện giáo dục hết sức tinh tế, có khả năng tác động sâu sắc vào tâm hồn, tư tưởng và nhận thức của con người.

 

TS Nguyễn Thị Huệ, giảng viên khoa Tâm lý Trường ĐHSP Hà Nội cho biết: “Trong cuộc sống có rất nhiều tình huống bạn cần dùng ngôn ngữ khéo léo để dạy con. Rủ rỉ kể cho con những câu chuyện hay góp phần không nhỏ vào việc hình thành nhân cách và dạy con thành người trung thực. Tìm hiểu cách dạy con qua các câu chuyện cổ tích, truyện ngụ ngôn sẽ là những bổ sung hữu ích cho các bậc phụ huynh trong suốt quá trình nuôi dạy con cái từ nhỏ đến khi trưởng thành”.

 

“Điều quan trọng là hiện nay, cha mẹ phải biết gây hứng thú với trẻ trong việc đọc tác phẩm văn học giữa bao nhiêu trò chơi trên Internet và những thú vui khác đang lôi kéo trẻ xa rời việc đọc sách” - TS Nguyễn Thị Huệ nhấn mạnh.

 

Theo TS Nguyễn Thị Huệ, tình yêu văn chương phải được hun đúc từ trong gia đình, trong đó vai trò của người mẹ vô cùng quan trọng. Một người mẹ biết đọc cho con nghe các câu ca dao, những câu chuyện cổ tích và giải thích cho con nhỏ hiểu nội dung những câu chuyện, câu ca dao ấy... giúp trẻ khám phá ra những điều kì diệu của cuộc sống. Cảm nhận cuộc sống, thu thập kiến thức qua văn học chính là con đường tích cực và nhẹ nhàng nhất để giáo dục trẻ em trở thành những con người có sự phát triển toàn diện về nhân cách.

GDTĐ

Top